Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường với mức độ ngày càng tàn bạo và nghiêm trọng hơn liên tục xảy ra, gây xôn xao trong dư luận.
Do lỗi nhà trường hay phụ huynh không quan tâm đúng mức?
Điều đáng lo ngại là bên cạnh sự hung hăng của một bộ phận các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, còn có sự thờ ơ, không để tâm của nhiều bậc cha mẹ. Bạo lực học đường không chỉ có học sinh nam đánh học sinh nam, mà còn nam đánh nữ, nữ đánh nữ, đánh hội đồng, hoặc tồi tệ hơn là học sinh (và cả phụ huynh) đánh thầy cô giáo và ngược lại.
Theo số liệu thống kê đầu năm 2015 của Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tứckhoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày. Dù vì bất kỳ lý dogì, việc các em học sinh quây nhau đánh hội đồng, hạ nhục bạn bè là việc không thể chấp nhận được.
Những em bị đánh phải gánh chịu tổn thương tâm lý nặng nề, luôn sống trong cảm giác lo lắng sợ hãi, mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh. Để gượng dậy sau cú sốc tinh thần này, các em phải mất rất nhiều thời gian với sự cảm thông chia sẻ đặc biệt từ gia đình, thầy cô và bạn bè thân thiết.Vấn nạn bạo lực học đường thì đã rõ, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với hiện tượng này vì...không phải việc của con mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, anh Ngô Hùng Long - hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Mỏ Địa chất (Hà Nội) cho hay, nhà anh đang có con gái theo học tại một trường THPT, tuy nhiên gia đình anh vẫn rất lo lắng vì hiện bạn bè xung quanh con anh vẫn đang cótình trạng chia bè kéo cánh, bắt nạt bạn bè ngay trong trường mà con gái anh đã chứng kiến.
Thậm chí, cháu còn kể có nhóm bạn rủ con gái anh đi "dằn mặt" một bạn học nữ cùng trường chỉ vì..."nhìn con bé đó xinh và kiêu căng". Khi con gái anh từ chối tham gia thì nhóm bạn này cảnh cáo lần sau nếu không đi cùng thì sẽ...cho ra khỏi nhóm.
Những chuyện học sinh đánh nhau, tẩy chay nhau trong trường lớp vẫn xảy ra nhiều, nhưng khi đi họp anh có nêu ý kiến của mình, các giáo viên nghe xong chỉ bảo sẽ kiểm tra lại nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Đại diện ban giám hiệu tại một trường PTTH cho rằng để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cần có sự tham gia, hợp táccủa chính phụ huynh. Có những trường hợp học sinh đánh nhau đến gãy răng, nhà trường mời phụ huynh lên để bàn biện pháp xử lý nhưng phụ huynh không đến.
Có phụ huynh đến, thay vì nhìn nhận vấn đề và giáo dục con mình thì quay ngược lại lên án nhà trường là quá khắt khe, nghiêm trọng hoá vấn đề, trẻ con đánh nhau là chuyện thường thôi. Trên thực tế, có nhiều phụ huynh cũng như nhà trường chưa có sự nhìn nhận đúng mức về tình trạng bạo lực học đường hiện nay, đa số các phụ huynh và cảnhà trường nhận được phản ánh thì thờ ơ, không để ý, rồi đến khi xảy ra chuyện một cách nặng nề thì mới loay hoay không biết xử lý ra sao.
Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Người lớn, cả thầy cô lẫn cha mẹ, có khi không hay biết, có khi xem đó như là một phần tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết (trừ khi những hành vi này đi đến thái quá) mà không biết rằng những hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì các em học sinh không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình. Đã có không ít học sinh không chịu đến trường vì sợ bị bạn bè trêu chọc, đánh đập. Điều đó cho thấy môi trường nhà trường không còn lành mạnh, hấp dẫn và là nỗi sợ hãi của học sinh.
Hình ảnh một em gái bị bạn đánh đập tàn nhẫn, bắt liếm chân đang lan truyền trên mạng, khiến nhiều người phẫn nộ
Dạy đạo đức nặng vềlý thuyết
Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở nhiều địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, bạo lực học đường đang diễn ra hết sức phức tạp. Không chỉ nam sinh đánh nhau, mà khá nhiều vụ học sinh nữ cũng đánh nhau hội đồng, thô bạo. Nhiều vụ việc đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước hành vi bạo lực, chẳng những không can ngăn mà còn hùa theo và sử dụng điện thoại di động để quay video và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho hành vi bạo lực này.
"Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, làm đau lòng người làm giáo dục và gây bức xúc xã hội", Thứ trưởng chia sẻ.
Nguyên nhân của bạo lực học đường, theo Thứ trưởng Nghĩa, xuất phát từ nhiều phía: học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, lối sống, do gia đình, nhà trường và xã hội.
"Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh, khiến học sinh dễ chán nản, ", Thứ trưởng Nghĩa nói.
Để giải quyết nguyên nhân đến từ phía nhà trường, Bộ Giáo dục sẽ đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học Đạo đức. Giáo dục công dân được đưa thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống sẽ được tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các trường cũng đẩy mạnh công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học.
Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường đang trở thành "vấn nạn" này, Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền cho hay: Mỗi sự việc bạo lực học đường diễn ra, cần có sự chung tay của cả nhà trường và phụ huynh. Trong đó vấn đề của nhà trường lớn hơn hết là hỏi lại chính các em - những nhân vật tham gia trực tiếp vào vụ việc bạo lực.
Giáo viên cần tổ chức một buổi họp với tất cả các học sinh trong lớp, tạo ra một không khí thân tình, chia sẻ để học sinh thoải mái nói ra nguyên nhân: tại sao các em lại đánh bạn, những em khác nghĩ như thế nào, em học sinh bị đánh có ý kiến gì... cho các em bộc bạch tất cả bức xúc của mình, được nói chuyện với nhau, đưa ra cách giải quyết vụ việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên với mục đích cuối cùng là giảng hòa, học sinh thông cảm với nhau và xin lỗi nhau.
Nếu mục đích của buổi họp lớp để kỷ luật học sinh thì tôi chắc chắn học sinh sẽ không dám nói hết những điều mình nghĩ. Bản thân giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cũng cần sát sao với học sinh, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những hành vi thiếu tử tế, chứ không thể để đến khi xảy ra thì mới “lấy làm tiếc”. Và ngay các tổ chức Đoàn - Hội trong trường cũng cần tổ chức thường xuyên các hoạt độnggiúp giáo dục kỹ năng, lối sống, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao.
Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều gia đình, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội bởi tính nghiêm trọng mà thực trạng gây ra. Thiết nghĩ, cần có một giải pháp hiệu quảđể “đặc trị” bạo lực học đường mạnh hơn nữa; xiết chặt hơn nữa sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, nhà trường và lực lượng chức năng để các em học sinh sớm nhận thức được những hậu quả khôn lường của bạo lực học đường.
Dạ Thảo