Trên The Jerusalem Post, nhà bình luận Anat Hochberg-Marom đã có bài phân tích ở tầm vĩ mô về cuộc chiến giữa Nga và phương Tây tại Ukraine.

Báo Israel: Nga đang vờn phương Tây trong cuộc chiến Ukraine và rõ ràng Nga đang thắng

Anh Tú (dịch) | 04/07/2022, 13:03

Trên The Jerusalem Post, nhà bình luận Anat Hochberg-Marom đã có bài phân tích ở tầm vĩ mô về cuộc chiến giữa Nga và phương Tây tại Ukraine.

Kể từ khi chiến sự bùng nổ ở châu Âu cách đây 4 tháng, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc chiến khốc liệt trên bản đồ Ukraine. Rõ ràng là cỗ máy quân sự của Nga đang thay đổi số phận của khu vực và tác động của cuộc xung đột vượt xa biên giới của châu Âu. Cuộc chiến đã không còn là cuộc đấu tranh cục bộ chống lại Ukraine mà thành một cuộc đấu tranh địa chính trị và ý thức hệ dữ dội đang vượt qua biên giới của châu Âu.

Nó đã biến thành một cuộc đấu tranh toàn cầu, khốc liệt và không khoan nhượng giữa Nga và phương Tây; giữa hai hệ thống, hai chế độ chính trị đối nghịch nhau có mục đích thay đổi trật tự thế giới hiện tại. Cuộc đấu tranh khốc liệt này đang khoét sâu những khoảng cách to lớn tồn tại giữa các giá trị xung đột, giữa các lập trường và lợi ích đối lập của Washington và Moscow.

Trong khi cuộc đấu tranh đoàn kết và củng cố các nước NATO và Liên minh châu Âu, nó cũng càng cho thấy sự lỏng lẻo của chính quyền Biden và sự yếu kém trong chính sách của Mỹ. Lập trường lỏng lẻo này chắc chắn là chất xúc tác chính ảnh hưởng đến các chính sách quyết đoán của Tổng thống Putin và là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ông thực hiện các hành động mạnh tay để đánh bại Ukraine mà không sợ phương Tây can thiệp.

Và do đó, mặc dù không dễ thừa nhận, người đứng đầu Điện Kremlin là người hiện đang thao túng các sự kiện ở châu Âu và có ảnh hưởng đến các xu hướng và quá trình diễn ra trên khắp thế giới. Tất cả những điều này đang xảy ra bất chấp sự cô lập quốc tế đối với Nga, sự sa sút của nền kinh tế và những thất bại về chiến lược và hậu cần của quân đội Nga.

Tổng thống Putin được thúc đẩy bởi một niềm đam mê to lớn đối với sức mạnh, khát khao, tâm lý của người Nga và giấc mơ quay trở lại thời kỳ huy hoàng của Đế chế Nga. Ông ta đã thổi bùng cuộc chiến và thúc đẩy tạo ra sự chia rẽ và phân cực trong châu Âu và trên toàn cầu. Trong khi các chính phủ ở châu Âu và trên thế giới đang lên án hoặc ca ngợi ông, đồng thời tỏ ra mệt mỏi và thờ ơ với các động thái của ông, thì người đứng đầu Điện Kremlin đang vẽ lại bản đồ quan hệ, lợi ích và cán cân quyền lực trên trường quốc tế.

Đồng thời, chúng ta không thể bỏ qua những lỗ hổng chiến lược, những đánh giá sai lầm và tác động tàn phá của chiến tranh, cũng như những hậu quả lâu dài về địa chính trị, an ninh và kinh tế của nó. Sự thật lạnh lùng phải được nói ra thành tiếng. Cuộc chiến ở châu Âu không phải là cuộc chiến chiếm đóng, cũng không chỉ giới hạn trong vấn đề an ninh của Ukraine và các nước khác trong khu vực. Đó là cuộc chiến tiêu hao mà Tổng thống Putin đang khởi xướng đồng thời trên nhiều mặt trận nhằm chống lại quyền bá chủ của Mỹ cũng như sự thống trị và ảnh hưởng toàn cầu của nước này.

Đây là hành vi chấn động thế giới, phá tung trật tự mà phương Tây duy trì sau Thế chiến thứ 2.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Gertrud von der Leyen đã tìm cách giải quyết vấn đề này vào tháng trước tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Bà còn tuyên bố vào cuối phiên họp với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý và Tổng thống Zelensky ở Kyiv, rằng EU sẽ chính thức hỗ trợ Ukraine, cũng như công nhận quyền ứng cử thành viên EU.

Các dữ kiện cho thấy gì. Khi chiến tranh leo thang và Nga tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự, hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nghìn người Ukraine bị tổn thất, hàng triệu công dân Ukraine đã phải rời khỏi đất nước (cho đến nay, 6,5 triệu người tị nạn và 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vô thời hạn, chiếm 1/3 dân số cả nước).

Đây là cuộc khủng hoảng địa chính trị, an ninh và nhân đạo thảm khốc chiếm tỷ lệ cao nhất, những cuộc khủng hoảng mà chúng ta chưa từng thấy kể từ năm 1945. Nó đe dọa sự ổn định của các mối quan hệ quốc tế theo định nghĩa của phương tây. Nó đã đạt đến mốc lịch sử không thể quay lại, trong đó nhiều nước châu Âu, bao gồm Gruzia và Moldova, đã nộp đơn xin gia nhập EU, và các nước như Thụy Điển và Phần Lan đang chuẩn bị gia nhập NATO.

Điều quan trọng là phải giải thích rằng ngoài sự thay đổi mô hình sâu sắc trong nhận thức truyền thống của các quốc gia châu Âu, phương tây đang đối phó với một hiệu ứng domino cực kỳ sâu rộng. Cuộc chiến này đã kích hoạt một tốc độ quân sự hóa và triển khai vũ khí đến chóng mặt, dẫn đến tăng ngân sách quốc phòng, lên tới 2% GDP ở tất cả các quốc gia này, với tổng chi tiêu quân sự là 200 tỷ euro.

Hơn nữa, sự tăng cường quân sự này đang rò rỉ bên ngoài biên giới của châu Âu và đang dẫn đến sự leo thang của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân toàn cầu, như đã thấy trong các vụ thử hạt nhân do Triều Tiên tiến hành nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế.

Ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thế giới

Cuộc chiến ở Ukraine và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga đang có tác động mạnh mẽ đến thị trường thế giới, và gây tổn hại đáng kể cho các nước yếu thế ở châu Âu và Trung Á.

Theo số liệu được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 4, thay vì phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và tăng trưởng với tốc độ 3%, các nền kinh tế này dự kiến ​​sẽ giảm sút với tốc độ trung bình -4,1% trong năm nay. Điều này cộng với sự suy giảm của nền kinh tế Ukraine, vốn được dự đoán sẽ giảm sút -45% do thiệt hại về con người và các thành phố, trung tâm công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy.

Ngược lại, vai trò chiến lược quan trọng của Nga trên thị trường hàng hóa toàn cầu, bao gồm dầu, khí đốt, kim loại và các sản phẩm nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do cuộc chiến tại Ukraine. Nền kinh tế Nga đã suy thoái 8,5% và đi vào suy thoái sâu do những cấm vận nghiêm trọng về năng lượng, bao gồm giảm 60% lượng dầu xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy nhiên, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu cho toàn châu Âu. theo một công bố gần đây ở Phần Lan, doanh thu của Nga từ các nguồn năng lượng này và từ than trong một trăm ngày đầu tiên của cuộc chiến, đã đạt 93 tỉ euro, đủ để tài trợ cho việc tiếp tục phát triển bộ máy quân sự của Nga.

Sự căng thẳng và biến động lớn trên thị trường tài chính và hàng hóa do chiến tranh đã khiến giá cả tăng vọt. Do đó, trong khi thị trường chứng khoán đang phản ứng gay gắt với các chính sách của Tổng thống Putin tại Ukraine, thì thị trường năng lượng toàn cầu có sự biến động lớn, và giá dầu và khí đốt tự nhiên đang tăng vọt. Giá một thùng dầu trong tháng 3 tăng lên 139 USD, mức cao kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 2008. Hơn nữa, do dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 bị tạm dừng, giá khí đốt hiện cao gấp 5 lần mức bình thường.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự gián đoạn nguồn cung cấp dầu và khí đốt, cùng với những thay đổi trong hạn ngạch sản xuất do thắt chặt các biện pháp trừng phạt, sẽ không chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn hoặc chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga mà thôi. Những nguồng năng lượng thô này đang được Nga sử dụng như một phương tiện răn đe chống lại các nước châu Âu và Bắc Mỹ buộc phương Tây phải đi tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm cả nỗ lực cải thiện quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh mà cụ thể là Ả Rập Saudi.

Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, người cho đến nay vẫn bị Washington không coi là lãnh đạo tương lai chuẩn mực.

Hơn nữa, sự tiếp tục và leo thang của cuộc chiến đang dẫn đến sự gia tăng bất ổn và nỗi sợ hãi tột độ về sự suy thoái mạnh trên toàn cầu, từ đó dẫn đến sự gia tăng giá cả, tỷ lệ lạm phát tăng vọt và đói nghèo trên toàn cầu. Tất cả những yếu tố này có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm hơn nữa trong tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia ở châu Âu và trên thế giới, và tăng mạnh khủng hoảng vật giá do nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn và việc ngừng cung cấp khí đốt sang các nước châu Âu, cụ thể là Đức, Pháp và Ý.

Khi cảm thấy về sự gián đoạn cung cấp năng lượng và giá cả tăng vọt, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục cuộc chinh phạt Ukraine. Nga hiện nắm quyền kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine và đang phong tỏa các cảng quan trọng chiến lược trên Biển Đen, vốn không thể thiếu để xuất khẩu ngũ cốc, gồm lúa mì, ngô và hạt hướng dương.

Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong thị trường lương thực toàn cầu. Nga chịu trách nhiệm về 17% xuất khẩu lúa mì thế giới, và Ukraine cung cấp 80% tất cả các loại dầu ăn, chẳng hạn như ngô và cải dầu, cũng như 17% lượng ngô xuất khẩu trên thế giới. Ukraine cũng là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc, với 12% thị phần. Kết quả là, ngoài việc làm tổn hại đến sản lượng nông nghiệp của khu vực, xung đột giữa Ukraine và Nga đang tạo ra sự biến động trên thị trường lương thực toàn cầu, có thể làm gián đoạn nguồn cung của hơn 1/4 lượng lúa mì trên toàn thế giới.

Tình trạng hỗn loạn này, thể hiện ở việc giá cả tăng cao và gián đoạn hậu cần tại các cảng, cũng khiến chi phí vận chuyển tăng vọt, cũng như ảnh hưởng đến chuỗi lương thực toàn cầu và việc phân phối ngũ cốc trên toàn thế giới. Do đó, các nước nghèo ở Nam Á, Châu Phi và Trung Đông, chẳng hạn như Ai Cập, Syria và Lebanon, những nước nhập khẩu 90% lúa mì từ Nga và Ukraine, không đủ khả năng chi trả với mức giá tăng cao như lúc này và đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực hữu hình, có thể dẫn đến nạn đói và mất an ninh lương thực trên toàn quốc.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, đã có mức tăng giá tổng thể 30%, điều này chủ yếu ảnh hưởng đến các nước đang phát triển và các cộng đồng dễ tổn thương. Điều này sẽ dẫn đến khoảng cách thậm chí còn bị nới rộng hơn và sự phân cực giữa các nước này và các nước phương Tây, và do đó dẫn đến việc tăng giá hơn nữa và tỷ lệ lạm phát cao hơn.

Nga đang chiến thắng và hưởng lợi

Các quy trình và xu hướng được thảo luận ở trên không còn chỗ để nghi ngờ. Không dễ để thừa nhận, nhưng đối với câu hỏi bên nào đang chiến thắng trong cuộc chiến ở châu Âu và hưởng lợi từ thực tế là cuộc đấu tranh không có hồi kết, câu trả lời rõ ràng là Nga. Và do đó, là một phần của các cuộc thảo luận xung quanh cuộc tấn công quân sự của người Nga vào Ukraine, phương Tây phải tăng cường và gia tăng đáng kể khối lượng nguồn lực mà họ đang phân bổ cho việc củng cố an ninh và quân sự của Ukraine.

Nhưng - và đây là một điều lớn nhưng – chúng ta không nói về số học thông thường đơn giản, trong đó bạn chỉ có thể tính toán số lượng xe tăng, khẩu pháo và thùng pháo hay công nghệ cao. Đây cũng không phải là một bài học lịch sử xem xét các động cơ chính trị và diễu võ dương oai đã diễn ra trong vài thập niên qua, để có thể làm sáng tỏ tình hình hiện nay.

Những gì chúng ta có là một tình thế mới trên trường quốc tế buộc phương Tây phải sửa đổi cách tiếp cận đối với Nga và áp dụng một quan điểm mới, thực dụng hơn nhằm đưa ra phản ứng thích hợp với các mối đe dọa và cơ hội mới, bên cạnh những lợi ích và mối quan hệ phức tạp trong đấu trường quốc tế. Mỹ và phương Tây phải chú ý và học hỏi từ cách ứng xử của Tổng thống Putin. Họ phải hành động để không còn tỏ ra yếu thế so với Nga. Họ tuyệt đối không thể phớt lờ sự tồn tại và tầm quan trọng của Nga, hoặc đánh giá thấp khả năng của nước này.

Nga là một quốc gia khổng lồ giàu tài nguyên và trải dài trên 11 múi giờ. Họ có quân đội lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới. Nước này có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với 6.000 đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, đây là một trong số ít quốc gia cho đến khi chiến tranh bùng nổ, có quan hệ tốt với hầu hết các quốc gia ở Trung Đông, bao gồm Syria, Iran, các quốc gia vùng Vịnh và Levant.

Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, nơi họ đã triển khai 60.000 quân, xây dựng các căn cứ quân sự gần các cảng, với lực lượng không quân và tên lửa đồn trú, cũng như triển khai các hệ thống phòng không. Hơn nữa, Nga đã phát triển quan hệ quân sự và ngoại giao với các quốc gia trong khu vực bất kể sự khác biệt về ý thức hệ và bất đồng giữa họ.

Nga cũng đã thiết lập quan hệ với Israel và các nước trên khắp châu Phi, bao gồm Ai Cập, Libya và Sudan. Những mối liên hệ này đã giúp Nga khẳng định vị thế của mình như một nguồn sức mạnh quân sự ngày càng mạnh mẽ, cũng như Mỹ đang giảm bớt sự hiện diện và hoạt động của mình ở Trung Đông.

Do đó, từ quan điểm địa chính trị rộng rãi, đã đến lúc phải thức tỉnh và hiểu rằng mặc dù Nga nằm ở ngoại ô châu Âu và đang trải qua những cú sốc về kinh tế và quân sự, nhưng Putin - người theo đuổi chủ nghĩa thực dụng - mới là người người đang thiết lập giai điệu và nhịp độ của các sự kiện trên trường quốc tế. Ông ta đang thực hiện một cách tiếp cận hư vô và săn mồi, và không tìm cách tiến hành một cuộc chiến khốc liệt về tiêu hao mà không cần đắn đo nhiều về cái giá phải đánh đổi.

Trong khi đó, cuộc chiến, làm nổi bật khoảng cách lớn giữa các bên, xung đột lợi ích và mâu thuẫn giữa lập trường và giá trị của họ, là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy phương Tây cần phải tính toán lại một con đường và xây dựng một nền tảng mạch lạc, rõ ràng và chính sách mềm dẻo đối với Điện Kremlin.

Một mặt, chính sách này phải tính đến những khoảng trống, cũng như những điểm mạnh và điểm yếu của Nga và Tổng thống Putin. Mặt khác, nó cũng phải tính đến vị thế toàn cầu của Nga, nước có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, cũng như cuộc đấu tranh chung của hai nước để vượt qua bá quyền của Mỹ. Chúng ta cũng không thể bỏ qua vị thế và tầm quan trọng của Nga ở Trung Đông, do Mỹ tiếp tục rút khỏi khu vực.

Sự kết hợp giữa tư duy tỉnh táo, kỹ năng quân sự và trí thông minh tinh anh sẽ giúp phương Tây hoạch định một chính sách tinh tế và phù hợp, đó là sự kết hợp giữa việc tránh đối đầu bạo lực với Moscow và sắp tới là sự lan rộng ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu. Tất cả những điều này đồng thời thể hiện một hình ảnh của chính quyền và một mặt trận gắn kết mạnh mẽ có sức mạnh làm suy yếu và thậm chí ngăn chặn Nga, đồng thời ngăn chặn tình hình xấu đi và chiến tranh có tác động hủy diệt đối với châu Âu và toàn thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Israel: Nga đang vờn phương Tây trong cuộc chiến Ukraine và rõ ràng Nga đang thắng