Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu, bia không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM: Mỗi người không nên uống quá 1 lon bia/ngày

Hồ Quang | 08/08/2022, 18:47

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu, bia không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc.

Ngày 8.8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra hướng dẫn cách xử lý và phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trước tình hình TP liên tục xuất hiện các trường hợp bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu, trong đó có nhiều trường hợp tử vong, nguy kịch.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm, sản phẩm rượu là đồ uống có cồn thực phẩm. Sản phẩm rượu được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (ethanol).

Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học theo danh pháp quốc tế IUPAC là ethanol, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tphcm-moi-nguoi-khong-uong-qua-1lon-bia-ngay-hinh-anh(1).png
Mỗi người trong 1 ngày không nên uống quá 300ml bia (5 độ) - tương đương với 1lon bia - Ảnh: PV

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật…).

Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn, hoặc ngộ độc rượu mạn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài.

Hiện nay có 2 loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol).

+ Ngộ độc rượu etylic (ethanol), bao gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Đối với ngộ độc rượu cấp tính ở giai đoạn đầu có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động. Giai đoạn sau có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, rãn mạch ngoại vi. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ; có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp…

Còn ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài, dẫn đến sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.

+ Ngộ độc rượu metylic (methanol) xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol là cồn công nghiệp được sử dụng trong công nghiệp hóa chất. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyde) và axit Fomic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Để xử lý ngộ độc rượu, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết đối với ngộ độc rượu etylic (ethanol) ở mức say rượu chỉ cần bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Ammonium acetate trong một cốc nước muối.

Trong trường hợp bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Đặc biệt khi bị ngộ độc rượu metylic (methanol) cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.

Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc rượu, Ban quản lý An toàn thực phẩm đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chỉ sản xuất, kinh doanh rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Đối với người tiêu dùng là phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Ngoài ra, người tiêu dùng tuyệt đối không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

“Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10g cồn) - tương đương 30ml rượu mạnh (40-43 độ), 100ml rượu vang (13,5 độ), 330ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ)”, Ban quản lý An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý ATTP TP.HCM: Mỗi người không nên uống quá 1 lon bia/ngày