Ông Ban Ki Moon chính là vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên công khai ủng hộ cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2006, ông thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xóa bỏ nạn kỳ thị và phân biệt đối xử nhắm vào người LGBT trên toàn thế giới.
Ngày 26 tháng 6 năm 2015 là thời khắc trọng đại đối với cộng đồng LGBT Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi Tòa án tối cao chính thức thông qua đạo luật kết hôn đồng giới trên toàn lãnh thổ. Đó cũng là ngày mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đến thành phố San Francisco để dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc và nhận huân chương Harvey Milk Honors cho "sự ủng hộ vô điều kiện của ông dành cho mọi quyền lợi của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới".
|
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận huy chương Harvey Milk Honors từ Stuart Milk - cháu trai của Harvey Milk |
Trong bài phát biểu của mình, ông Ban Ki Moon tuyên bố quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là một "bước tiến ngoạn mục trong vấn đề nhân quyền ở Mỹ", Ông cho rằng "việc từ chối hợp pháp hóa quan hệ của các đôi đồng tính sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử tràn lan" và chỉ đạo của Tòa án tối cao sẽ giúp khóa chặt cánh cửa ấy lại.
Bên cạnh đó, ông Ban Ki Moon cũng nhắc tới những khó khăn mà người LGBT trên toàn thế giới đang phải trải qua.
"Hàng triệu người LGBT từ khắp mọi ngóc ngách trên thế giới đang bị ép phái sống trong vỏ bọc của mình, trong nỗi sợ bị bạo hành, phân biệt đối xử, thậm chí bị bắt nhốt, chỉ vì bản dạng giới thật của mình, hoặc người mà họ yêu thương. Những gì mà cộng đồng LGBT đang phải gánh chịu chính là một sự xúc phạm trắng trợn đối với những giá trị mà Liên Hiệp Quốc đã từ lâu gầy dựng, cũng như với lý tưởng về nhân quyền trên khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng mức độ khó khăn trong việc chấm dứt tệ nạn này cũng ngang bằng với những trở ngại trong phong trào đấu tranh chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và sự kì thị chủng tộc", ông nói.
Ông Ban đã thực hiện lời nói của mình và nhiều lần nói ra sự thật cho những người cần được nghe nhất. Điển hình là tại khai mạc Thế vận hội Mùa đông Sochi năm 2014, ông đã có một bài phát biểu thể hiện rõ thái độ phản đối nạn kì thị LGBT ở Nga cũng như kêu gọi tất cả mọi người hãy "lên tiếng chống lại những trường hơp tấn công nhắm vào người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính... Chúng ta phải chống lại mọi sự bắt giữ, giam cầm, phân biệt đối xử mà họ phải gánh chịu".
|
Vào đầu nhiệm kì của mình, sau khi gặp một nhân viên Liên Hiệp Quốc từng cảm thấy sợ hãi khi công khai đồng tính, ông Ban Ki Moon đã tuyên bố mình "sẽ biến Liên Hiệp Quốc thành một nơi làm việc tốt nhất trên thế giới, nơi mà mọi người có xu hướng tính dục khác biệt sẽ không phải chịu bất kì trở ngại hay phân biệt đối xử nào". |
Dưới sự lãnh đạo của ông Ban Ki Moon, Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận hôn nhân đồng giới. Theo đó, những nhân viên đồng tính của tổ chức này nếu kết hôn vẫn sẽ được hưởng những lợi ích tương tự như các đôi dị tính.
Đầu năm nay, vị Tổng Thư kí 71 tuổi đã đến Ấn Độ trong bối cảnh Tòa án Tối cao nước này đang bàn luận về việc không thừa nhận những tàn dư còn sót lại của luật cấm quan hệ đồng tính từ thời còn là thuộc địa của Anh. Ông Ban Ki Moon khẳng định rõ quan điểm của mình: "Tôi hoàn toàn phản đối mọi hành động quy tình dục đồng giới là một loại tội phạm. Tôi nói ra vì những điều luật như vậy xâm phạm những quyền cơ bản về sự riêng tư. Ngay cả khi chúng không có hiệu lực thì những điều luật này cũng thật sự hẹp hòi, không khoan dung, độ lượng".
|
Năm 2013, Liên Hiệp Quốc cho ra mắt chiến dịch Free & Equal với mục đích chống lại nạn kì thị người LGBT. |
Trong một chuyến viếng thăm Malawi vào năm 2010, ông Ban Ki Moon đã đại diện cho cộng đồng LGBT tiếp xúc với Tổng thống Malawi trong một cuộc họp kín, buộc ông phải trả tự do cho Steve Monjeza và Tiwonge Chimbalanga - hai người đồng tính Malawi đã bị tuyên án 14 năm tù giam sau khi công bố lễ đính hôn của mình.
Sau khi cặp đôi trên được thả vào ngày hôm sau, ông Ban Ki Moon công khai tuyên bố rằng "những bộ luật hình sự lỗi thời cần được cải cách ngay lập tức". Vào một dịp khác, ông Ban đã bổ sung rằng hầu hết những điều luật như vậy đều "không xuất phát từ bản thân đất nước đó mà kế thừa từ thế lực đô hộ trước đây."
Hai năm sau, trong khuôn khổ sự kiện "Ngày Nhân quyền thế giới 2012", ông Ban Ki Moon tiếp tục củng cố quan điểm của mình: "Thật sự là một sự xúc phạm khi trong thời hiện đại, vẫn còn nhiều quốc gia xem yêu thương một người cùng giới là một tội hình sự".
|
Steve Monjeza và Tiwonge Chimbalanga sau khi được tại ngoại |
Năm 2013, tại Hội nghị Nhân quyền Quốc tế ở thành phố Oslo (Na Uy), ông Ban Ki Moon công nhận những khó khăn của cộng đồng LGBT là "một trong những thách thức lớn lao về nhân quyèn trong thời đại ngày nay". Ông còn cho hay những kẻ đối lập "sẽ viện lý do văn hóa, truyền thống hoặc tôn giáo để biện minh cho hiện trạng này. Nhưng những lý lẽ như vậy cũng đã từng dùng để bào chữa cho chế độ chiếm hữu nô lệ, tảo hôn, cưỡng hôn và tập tục cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ. Tôi tôn trọng văn hóa, truyền thống và tôn giáo, nhưng lấy chúng làm lý do bào chữa cho hành vi vi phạm nhân quyền là không thể chấp nhận được".
Tổng thư ký Ban Ki Moon vốn không phải là một nhà hoạt động nhân quyền cho cộng đồng LGBT nhưng lại vô cùng ủng hộ họ nhờ vào "một chuyến hành trình". Ông lớn lên vào những năm 50-60 ở Hàn Quốc, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng. "Xu hướng tính dục và bản dạng giới là những vấn đề không được đề cập đến", ông nói, "Mặc dù vậy, tôi học được cách lên tiếng khi tôi nhận ra cuộc sống con người đang bị đe dọa. Đơn giản thế thôi".
Bằng cách ủng hộ cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT, ông Ban Ki Moon đã nhắc nhở với toàn thế giới rằng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vốn bắt đầu với câu: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền lợi và phẩm chất.". Ông cũng nhấn mạnh rằng tuyên ngôn này áp dụng với "tất cả mọi cá nhân, không chỉ một vài, hay đa số, mà là tất cả."
Quan Lê (theo Huffington Post)