Tại phiên họp thứ 48, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Bùi Trí Lâm | 16/09/2020, 11:41

Tại phiên họp thứ 48, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Có tiến hành tách các luật khác?

Chính phủ đã có Tờ trình số 394/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trong đó đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Các đại biểu đặt câu hỏi nếu tách luật này thành hai luật thì có tiến hành tách các luật khác trong lĩnh vực giao thông như Luật Hàng không, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng hải?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị Chính phủ giải thích rõ vì sao phải tách thành hai luật. Trên thế giới có tách thành hai luật hay không? Bởi trên thực tế hệ thống luật pháp hiện hành cũng có trường hợp trong một tổng thể có hai luật do hai bộ khác nhau quản lý nhưng sau đó rất khó thống nhất trong công tác quản lý.

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ việc tách thành hai luật nhằm dễ quản lý hay để điều chỉnh tổng thể trong một lĩnh vực và Chính phủ có nhiệm vụ điều phối các bộ ngành để thực hiện luật đó. Trả lời được câu hỏi này thì sẽ đảm bảo sự liên thông, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, tránh tình trạng thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giao thông đường bộ là kết hợp của hai yếu tố giao thông tĩnh và giao thông động. Trong đó, giao thông tĩnh bao gồm cơ sở hạ tầng, hành lang an toàn giao thông, dải phân cách, biển hiệu... Giao thông tĩnh gắn kết với giao thông động (phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, quy tắc an toàn giao thông, biện pháp xử lý, tai nạn giao thông, hành vi vi phạm pháp luật về giao thông..).

“Nếu tách hai vấn đề này thì không còn là tổng thể của giao thông đường bộ. Nếu ban soạn thảo đề cập quan điểm hạ tầng giao thông là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, như vậy các quy định này cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ, mà thuộc luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước… Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự án luật không chỉ là là đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, mà việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ phải gắn với mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, ông Lưu nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng băn khoăn về sự trùng lắp, chồng lấn giữa Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, ông Lưu lưu ý ban soạn thảo cần nghiên cứu đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay. Đặc biệt, điều cốt lõi không phải là tách thành hai luật, mà cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể như thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một tổng thể thống nhất, khó có thể tách rời.

Bà Nga nêu dẫn chứng về Điều 4, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nêu nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ: Đảm bảo trật tựn an toàn thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động giao thông đường bộ phải đảm bảo trật tự, an toàn. Nếu tách riêng thành hai luật sẽ không phù hợp.

Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, bất cập thời gian qua như tai nạn giao thông nghiêm trọng, hạn chế liên quan đến BOT, thu phí không dừng, vận tải đường bộ… có phải do không tách thành hai luật riêng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm không nên tách để đảm bảo kết cấu tổng thể; đồng thời phân công rõ trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành, địa phương và có thể bổ sung thêm một chương riêng quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Bộ GTVT, Bộ Công an đã thống nhất các điều khoản

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh cho biết, việc xây dựng một hay hai luật không có vấn đề về mặt kỹ thuật lập pháp. Hiện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã thống nhất các điều khoản của hai dự án luật, mặc dù có một số điều khoản giao thoa giữa giao thông tĩnh và giao thông động. Tuy nhiên, với các quy định giao thoa này thì cũng có các biện pháp kỹ thuật để quy định, tránh sự chồng chéo.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an nhận thấy cần có luật riêng về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức thực hiện luật pháp một cách nghiêm minh và đồng bộ hơn.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết về phạm vi điều chỉnh, cơ bản dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã phân tách đảm bảo mức độ riêng biệt so với Dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra và các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục rà soát, tránh chồng chéo giữa hai luật.

Theo đó, các vấn đề liên quan giữa hai lĩnh vực cần có quy định đảm bảo tính liên thông, đồng bộ trong chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông nói chung. Hai dự án luật tuy điều chỉnh hai nội dung khác nhau nhưng đều phải nằm trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Nhiều quy định có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, do đó vừa phải đảm bảo tính cụ thể nhưng cũng cần đảm bảo tính tương trợ, tương hỗ giữa các quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ cần báo cáo làm rõ, nếu tách Luật Giao thông đường bộ, thì các Luật khác như Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không có tách vấn đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thành một luật riêng?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án luật. Ông Việt cho rằng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, từ đó tách thành hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật