Người dân bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm thường điều trị bằng phương pháp dân gian, trong đó chủ yếu là bấm huyệt, nắn xương, đắp thuốc...Đây là phương pháp mà các chuyên gia y tế cho rằng không có tác dụng chữa bệnh, phản khoa học...

Bấm huyệt, nắn xương, đắp thuốc...không chữa được thoát vị đĩa đệm

11/12/2018, 19:54

Người dân bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm thường điều trị bằng phương pháp dân gian, trong đó chủ yếu là bấm huyệt, nắn xương, đắp thuốc...Đây là phương pháp mà các chuyên gia y tế cho rằng không có tác dụng chữa bệnh, phản khoa học...

Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) - Ảnh: N.P

Trong thời gian gần đây, căn bệnh thoát vị địa đệm đang tăng nhanh một cách chóng mặt, không chỉ những người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi không hề bị chấn thương cũng mắc phải căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Mỗi năm, tại Việt Nam số người mới mắc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm chiếm từ 5 - 10% dân số.

Chỉ tính riêng tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y dược(TP.HCM), từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận và điều trị hơn 1.000 trường hợp bị thoát vị đĩa đệm, trong đó có 10% phải chỉ định phẫu thuật.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nhân - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là do người bệnh bị thoái hóa, chấn thương hoặc có bệnh lý về cột sống. Bên cạnh đó, người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút,…đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.

“Đĩa đệm là tấm đệm nằm giữa hai thân đốt sống, có tác dụng như lò xo giảm chấn, giảm áp lực lên cột sống. Theo thời gian, các đốt sống và đĩa đệm dần bị mất nước, trở nên giòn và dễ vỡ. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một trong các thành phần cấu tạo của đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí và chèn ép vào tủy sống, dây thần kinh”, bác sĩ Nhân giải thích.

Theo bác sĩ Nhân, người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thường khởi phát sau một thời gian dài đau lưng âm ỉ, hoặc khởi phát đột ngột sau khi cúi người xuống làm việc nặng. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường là đau lưng dữ dội, cơn đau giảm khi nằm nghỉ nhưng sẽ tái phát khi ngồi, đi lại hoặc thậm chí khi hắt hơi.

Những cơn đau do thoát vị đĩa đệm làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trường hợp nặng có thể khiến người bệnh yếu liệt, không kiểm soát được khả năng tiêu tiểu.

Các chuyên gia y tế cho rằng thoát vị đĩa đệm là căn bệnh dễ mắc nhưng khó điều trị. Điều này khiến không ít bệnh nhân mắc phải căn bệnh này điều trị sai phương pháp, thậm chí phản khoa học khiến tiền mất tật mang.

“Hiện tại trong dân gian đang tồn tại một số quan điểm sai lầm về điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm như đắp lá, đắp thuốc, nắn xương, bấm huyệt, đau đâu chích đó… Các phương thức này thường không có tác dụng điều trị hoặc chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, những quan điểm tập luyện sai lầm như khuyên người bệnh đi bộ nhiều, khom cúi nhiều hay xoay bẻ cột sống có thể làm cho tình trạng thoát vị nặng thêm”, bác sĩ Nhân chia sẻ.

Bác sĩ Nhân dẫn chứng trường hợp bệnh nhân P.P.H.(ngụ ở TP.HCM) - nhân viên công ty đô thị TP.HCM bị thoát vị đĩa đệm nhưng điều trị bằng cao dán, nắn xương, kèm bấm huyệt khiến tình trạng đau buốt ngày càng nặng hơn, lan xuống cả sau mông, đùi và bàn chân bên phải.

Sau đó, bệnh nhân H. đến Bệnh viện Đại học Y dược kiểm tra thì phát hiện bị đau thần kinh tọa phải do thoát vị đĩa đệm tầng L4-L5.

Do bệnh nhân này bị thoát vị đĩa đệm khá nặng, khối thoát vị lớn chèn ép nặng rễ L5 bên phải nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật để điều trị triệt để. Sau phẫu thuật, hiện anh H.giảm đau tê nhiều và đang tích cực tập vật lý trị liệu để phục hồi cột sống lưng.

Để điều trị hiệu quả bệnh thoát vị đĩa đệm, bác sĩ Nhân cho biết trước hết người bệnh điều trị bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, sử dụng các thuốc đặc trị kèm theo chế độ tập vật lý trị liệu thích hợp. Nếu đáp ứng tốt, người bệnh có thể giảm các triệu chứng trong vòng 1 - 2 tháng. Đa phần người bệnh cần ít nhất 1 năm để trở lại tình trạng bình thường. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng thì cần chỉ định phẫu thuật dù phát hiện bệnh sớm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh khi có các triệu chứng ở trên thì nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh việc tự ý chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm. Người dân cần phải tránh làm việc mang vác nặng, khom cúi không đúng tư thế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn đủ chất bổ dưỡng, uống đủ nước, có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, phù hợp tình trạng sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe nói chung, tránh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm nói riêng.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bấm huyệt, nắn xương, đắp thuốc...không chữa được thoát vị đĩa đệm