Tình cờ nghe được bài hát do mình chấp bút sáng tác sau nửa thế kỷ, người nhạc sĩ bồi hồi xúc động về những hồi ức về một thời trai trẻ với niềm đam mê sáng tác…

Bài hát thất truyền nửa thế kỷ và nỗi niềm ông nhạc sĩ 'miệt vườn'

01/06/2017, 07:47

Tình cờ nghe được bài hát do mình chấp bút sáng tác sau nửa thế kỷ, người nhạc sĩ bồi hồi xúc động về những hồi ức về một thời trai trẻ với niềm đam mê sáng tác…

Những hình ảnh kỷ niệm của ông Quản cùng nhạc sĩ Thanh Sơn (áo trắng)

Cội nguồn của bài hát hơn nửa thế kỷ trước

Một chiều năm 2017, ông Dương Văn Quản (80 tuổi, ngụ ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang nằm đong đưa võng, tận hưởng không khí miệt vườn mát mẻ giữa những ngày nắng nóng. Bỗng đâu từ dưới sông vọng lên giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Tuyền, bài hát Dư âm ngày cũ vừa được cất lên: “…Những người bạn thân ái tôi ngày xưa…”.

Vừa nghe, ông Quản bàng hoàng rồi ngạc nhiên ngồi bật dậy. Tại sao lại có ca khúc này? Đó là 1 bài hát do chính ông sáng tác, đứng đồng tác giả với 1 người bạn là nhạc sĩ nổi tiếng tưởng chừng đã quên lãng hơn 50 năm qua.

Ông Quản sinh tại Sóc Trăng. Ông và ông Lê Văn Thiện (sau này là nhạc sĩ nổi tiếng Thanh Sơn) là bạn bè nối khố cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Thủa nhỏ, 2 người học cùng với nhau, cùng niềm đam mê âm nhạc nên lại càng thân thiết.

Ông Quản nhớ lại: “Lúc đó tôi và Thanh Sơn mê nhạc lắm, mỗi tuần đều có thầy dạy nhạc đến dạy. Chúng tôi mê mẩn, vừa học thầy vừa tự tìm học thêm. Mỗi đứa đều ôm ấp một hoài bão sau này. Sơn có giọng hát rất hay, mỗi lần ông ấy hát mọi người đều phải chú ý”.

Ông Quản (nhạc sĩ Sơn Tuyền) kể về nguồn gốc bài hát Dư âm ngày cũ

Năm 1955, ở độ tuổi thiếu niên, 2 người chia tay nhau. Thanh Sơn lên Sài Gòn, quyết tâm đi tìm thầy dạy nhạc để thỏa lòng mong ước. Ông Quản ở lại quê, tiếp tục việc học và vẫn duy trì niềm đam mê âm nhạc. Ông mày mò tự học đàn ghita cho đến khi thuần thục. Ông thường tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của trường Trung học Trần Văn.

Sau khi thi đậu Trung học đệ nhất cấp, ông ra làm giáo viên. Cũng từ đây, ông tập tành với công việc sáng tác. “Lúc đó mình trẻ trung, cảm xúc dạt dào lắm. Có khi ôm đàn, chỉ tầm 1 tiếng là sáng tác xong 1 bài hát. Bài hát đầu tay của tôi là vào năm 1963, bài Tìm lại người xưa, tôi lấy tên là Sơn Tuyền, đứng tên cùng nhạc sĩ Trường Hải.

Bài hát này được ca sĩ hát và phát trên sóng phát thanh tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ - PV). Ngày đó, mình có tiếng tăm gì đâu, phải nhờ người có tên tuổi đứng tên cùng thì bài hát mới phổ biến được”, ông Quản kể. Ông Quản còn sáng tác thêm 2 bài hát nữa là Anh ơi về đâyThanh niên Việt Nam, và với 2 sáng tác này ông đã đạt được một số giải thưởng lúc bấy giờ.

Năm 1964, ông Quản lên Sài Gòn, day học ở Trung tâm Giáo hóa thiếu nhi Thủ Đức. Thời gian này ông dò hỏi và tìm được địa chỉ của người bạn cũ. Ông kể: “Gặp lại nhau, tôi và Sơn vui lắm, cuối tuần nào tôi cũng sang nhà ông ấy chơi. Chúng tôi ôn lại chuyện cũ, kể cho nhau nghe những kỷ niệm của tuổi học trò. Lúc này Sơn đã là 1 ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Tôi cầm bản nhạc “Dư âm ngày cũ” đề nghị Sơn đứng tên cùng. Sơn gật đầu luôn, ông ấy chỉ muốn giúp đỡ bạn bè, muốn nâng đỡ cho tôi. Vậy là bài hát “Dư âm ngày cũ” của tác giả Sơn Tuyền và Thanh Sơn được xuất bản. Bản nhạc này được ca sĩ Thanh Tuyền hát và phát sóng trên sóng phát thanh Sài Gòn”.

Sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi của ông chỉ vỏn vẹn 6 - 7 bài hát, trong đó có 3 bài được xuất bản, gồm: Về thăm trường cũ, Tìm lại người xưa (đứng tên cùng Trường Hải), và Dư âm ngày cũ (đứng tên cùng Thanh Sơn). Ông kể, thời ấy chỉ với 3 bài hát này ông đã thu về được gần 10.000 đồng.

“Bản nhạc của tôi in ra giấy rồi gửi tới quán nhạc Minh Phát ở Sài Gòn. Họ trả cho mình 2 đồng cho mỗi bài, trong đó 1 đồng tiền in rồi, mình chỉ còn 1 đồng. Mỗi bản tôi in 3.000 tấm, vậy là cũng thu về được 9.000 đồng. Lúc tôi đi dạy, lương chỉ hơn 2.000 đồng thì số tiền đó đã là gia tài. Hơn nữa, sáng tác chỉ là niềm đam mê, là nghề tay trái, nó giúp tôi kiếm tiền như thế đã là quá nhiều”, ông Quản hồi tưởng.

Hợp đồng mà ông ký với hãng băng dĩa trước đây

Dư âm ngày cũ cũng là bản nhạc cuối cùng được ông sáng tác. Dạy ở Sài Gòn được 1 năm, ông cùng vợ con trở về quê, tiếp tục nghề dạy học. Cuộc sống mưu sinh quay cuồng với đàn con ngày mỗi đông, ông không còn tâm trí nào để tâm tới việc sáng tác. Nhiều lúc nhìn cây đàn ghita bám đầy bụi, lòng ông buồn rười rượi.

Đoạn kết có hậu của người nhạc sĩ già

Sau năm 1975, ông nghỉ dạy, về quê vợ sinh sống. Vốn có tài vẽ, ông sắm sơn, cọ ra chợ Cái Tắc vẽ thuê những biển hiệu, chân dung để kiếm sống. Với công việc này, ông nuôi được vợ và 9 người con. Niềm đam mê sáng tác cũng từ đó phai dần trong người đàn ông tài hoa này.

Năm 2009, ông và người bạn cũ Thanh Sơn có cuộc hội ngộ sau bao năm xa cách tại nhà con gái ông ở Vũng Tàu. Tại đây, 2 người bạn mừng mừng tủi tủi ôn lại chuyện cũ. Họ lại lôi cây đàn ghita ra, cùng hát lên những bài hát ngày xưa.

“Tôi đàn cho Thanh Sơn hát bài Nỗi buồn hoa phượng, bài hát này là sáng tác nổi đình đám của ông ấy. Rồi Sơn đàn cho tôi hát bài Dư âm ngày cũ. Đó là những kỷ niệm tuyệt vời chúng tôi có với nhau. Mấy năm sau, tôi hay tin Thanh Sơn mất vì bạo bệnh”, ông Quản ngậm ngùi nhớ lại.

Từ lúc nghe lại bài hát của mình, tâm trạng của ông Quản lúc nào cũng buồn vui lẫn lộn. Ông vui vì bài hát của mình hiện vẫn còn lưu hành ở đâu đó và vẫn có người nghe. Ông buồn vì nhớ tới người bạn của mình và những ngày xưa cũ.

“Tôi không quan trọng người ta có biết tôi là Sơn Tuyền hay không, tôi chỉ muốn bài hát này tiếp tục được đón nhận. Tôi sáng tác nó lúc cảm xúc nhớ về những người bạn cùng chung dưới mái trường. Đó là tình cảm thiên liêng mà đời người ai cũng có”, ông tâm sự.

Bản nhạc Dư âm ngày cũ

“Lúc mới nghe bài hát này, tôi chạy xuống bến sông hỏi đứa con là từ đâu nó có bài hát này. Nó chìa cho tôi cái đĩa nhạc của Thanh Tuyền và Chế Linh, nó kêu mua ở 1 xe bán dĩa nhạc ở Cần Thơ. Như vậy, cái đĩa này là sao tôi không hiểu, nó có được phép bán như vậy không? Con tôi nói với tôi là mấy cái đĩa nhạc như vậy bán đầy ngoài đường từ bao lâu nay rồi, tôi nghe mà chua xót vô cùng”, ông nói.

Cuộc sống hiện tại của ông Quản khá an nhàn, ông và vợ sống bình yên trong 1 ngôi nhà ở ven bờ sông Tầm Vu hưởng tuổi già. Từ lúc phát hiện bài hát của mình sau nửa thế kỷ quên lãng, ông Quản tải bài hát Dư âm ngày cũ vào chiếc điện thoại và ngày ngày lại mở ra nghe với những nỗi niềm ngổn ngang.

Dù đã 80 tuổi, giọng hát đã đục khàn nhưng về nhịp điệu, ông Quản xử lý vẫn hết sức mạch lạc. Giọng ông đều đều cất lên: “… Những người bạn thân ái tôi ngày xưa, xa nhau mười năm anh quên được chưa? Mỗi lần nhắc đến thêm buồn, đâu còn giờ phút bên trường gần nhau ấp ủ yêu thương…!”.

Nhạc sĩ Thanh Sơn, người bạn thủa thiếu thời của ông Quản là 1 nhạc sĩ nổi tiếng với hơn 500 ca khúc trữ tình đề tài tình yêu, ca ngợi quê hương đất nước. Những tác phẩm phổ biến của ông có thể kể đến như: Nỗi buồn hoa phượng, Thương về Cố đô, Mùa hoa anh đào, Hồn quê, Ba tháng tạ từ… và một số sáng tác sau năm 1975 như Áo mới Cà Mau, Sóc sờ bai Sóc Trăng, Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non…

Nghe Thanh Tuyền hát bài Dư âm ngày cũ

Thanh Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài hát thất truyền nửa thế kỷ và nỗi niềm ông nhạc sĩ 'miệt vườn'