Điều 50 Hiệp ước Lisbon là cơ sở để khởi động các cuộc đàm phán rời EU giữa Anh và liên minh này.

Bài cuối: Điều 50 Hiệp ước Lisbon

04/07/2016, 05:33

Điều 50 Hiệp ước Lisbon là cơ sở để khởi động các cuộc đàm phán rời EU giữa Anh và liên minh này.

Kích hoạt điều 50 để rời khỏi EU là một quyết định nguy hiểm đối với Anh. Biếm họa của Jimmy Margulies

>> Bài 1: Hoàn cảnh ra đời Hiệp ước Lisbon

Trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23.6, cử tri Anh đã chọn rời khỏi EU. Tuy nhiên, kết quả này không phải là nền tảng pháp lý để Anh lập tức rời EU. Anh phải chính thức thông báo quyết định này lên Hội đồng châu Âu (European Council - EC). Khi EC được thông báo, điều 50 trong Hiệp ước Lisbon sẽ được kích hoạt.

Điều 50 là quy định quan trọng để Anh rời khỏi EU

Điều 50 Hiệp ước Lisbon không quy định cụ thể về cách thức một nước xin ra khỏi EU nhưng lại đưa ra các quy tắc chính thức cho việc ra đi. Những quy tắc bao gồm như sau:

Một nước thành viên có thể quyết định rút khỏi EU theo trình tự quy định bởi hiến pháp. Một nước thành viên quyết định rút phải thông báo ý định lên EC. Sau đó, dựa vào các chỉ dẫn EC đưa ra, EU sẽ tiến hành đàm phán và ký kết một thỏa thuận với nước muốn ra đi, đặt ra các sắp xếp cho việc ra đi và tính toán đến quan hệ trong tương lai giữa hai bên.

Thỏa thuận này nên được dựa vào điều 218 (3) thuộc Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (Treaty on the Functioning of the European Union), phần hai của Hiệp ước Lisbon. Thỏa thuận này phải được Nghị viện châu Âu thông qua, sau đó EC mới thay mặt EU ký kết thỏa thuận cho phép ra đi.

Các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu rời khỏi.

Tiến trình đàm phán dự kiến sẽ diễn ra trong vòng hai năm tính từ khi nước ra đi thông báo (theo khoản 2). Tiến trình này sẽ được kéo dài nếu cần thiết nhưng chỉ với điều kiện các bên liên quan cùng đạt được đồng thuận.

Theo mục đích của khoản 2 và 3, nước thành viên thuộc EC hay hội đồng có đại diện của nước ra đi thì sẽ không được tham gia vào các cuộc thảo luận của EC, của hội đồng hay của các quyết định liên quan.

Cuối cùng, nếu một nước đã rời khỏi EU muốn quay lại, nước này phải thực hiện theo thủ tục được quy định tại điều 49.

Toàn văn Điều 50 Hiệp ước Lisbon- ảnh: Lisbon-treaty.org
Toàn văn điều 50 Hiệp ước Lisbon - Ảnh: Lisbon-treaty.org

Có thể thấy, điều 50 chỉ đưa ra các quy tắc làm cơ sở cho đàm phán ra khỏi EU. Việc thực hiện điều 50 có phần rắc rối hơn khi trong điều này không đưa ra thời gian hạn định cho việc đưa ra thông báo ra đi. Nghĩa là nước muốn ra đi mới có quyền quyết định thời gian đưa ra tuyên bố chính thức.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán về quan hệ hai bên trong tương lai (quyền hạn của nước ra đi trong việc tiếp cận thị trường chung EU, tự do chuyển dịch lao động…) cũng không được nói rõ ràng.

Cuối cùng, nước ra khỏi EU nếu muốn trở lại sẽ phải làm theo quy định của điiều 49, nghĩa là quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ bắt đầu lại từ con số 0, một cái giá quá đắt cho nước rời khỏi EU.

Làm sao Anh có thể rời khỏi EU?

Từ trước đến nay, chưa có quốc gia EU nào viện dẫn đến điều 50 và Anh có thể là nước đầu tiên kích hoạt điều 50 để rời khỏi EU.

Để bắt đầu quá trình ra đi, Anh sẽ phải chính thức thông báo quyết định của mình lên EC. Do Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức và ông cũng từ chối viện dẫn điều 50 nên việc thông báo này phải do người kế nhiệm của ông thực hiện.

Việc ông Cameron từ chối kích hoạt điều 50 là một quyết định khôn ngoan. Điều này cho Anh thời gian chuẩn bị lập trường cũng như chọn nhóm đàm phán. Phe Brexit cũng có thời gian tiến hành thảo luận sơ bộ với các nước thành viên khác trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.

Việc ông David Cameron từ chối kích hoạt Điều 50 là một quyết định khôn ngoan- ảnh: Businessinsider.com
Việc Thủ tướng David Cameron từ chối kích hoạt điều 50 là một quyết định khôn ngoan - Ảnh: Businessinsider.com

Một khi Anh chính thức thông báo quyết định, Anh có thời gian 2 năm (hoặc có thể được kéo dài) để thực hiện một loạt các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề liên quan với 27 nước thành viên EU. Do Anh là nước đầu tiên rời EU nên rất khó cho nước này đạt được những thỏa thuận có lợi cho mình.

Trong thời gian tiến hành đàm phán, Anh vẫn phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tham gia các hoạt động thường xuyên của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại EC sẽ không tham gia vào các cuộc đối thoại hoặc biểu quyết liên quan đến Brexit.

Khi các cuộc đàm phán đã cho ra thỏa thuận cuối cùng, những thỏa thuận này phải được trình lên Nghị viện châu Âu và EC bỏ phiếu thông qua.

Nghị viện châu Âu gồm hơn 700 thành viên được bầu từ khắp cả khối sẽ xem xét và bỏ phiếu. Nếu thỏa thuận nhận được đa số phiếu thì sẽ được thông qua.

Thỏa thuận này sau đó sẽ tiếp tục được đưa đến EC với 27 lãnh đạo các nước thành viên. Nếu thỏa thuận được 20/27 thành viên (trừ Anh) bỏ phiếu ủng hộ thì chính thức được thông qua. Lúc đó, EC sẽ thay mặt EU ký kết theo quy định trong khoản 2 điều 50.

Như đã quy định trong khoản 5 điều 50, một khi ra đi mà muốn trở lại, Anh sẽ phải làm lại từ con số 0. Anh biết rất rõ gian nan của tiến trình xét tư cách thành viên khi đã từng bị thất bại đến hai lần trong quá khứ (năm 1960 và năm 1967), do đó lãnh đạo Anh nên suy nghĩ kỹ càng trước khi kích hoạt điều 50.

Ra khỏi EU quyết định “một đi không trở lại”- ảnh: Political Cartoons
Ra khỏi EU là quyết định “một đi không trở lại”. Biếm họa của Schot (Hà Lan)

Cẩm Bình (theo Macleans.ca, Lisbon-treaty.org, Nghiencuuquocte.org)

Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: Điều 50 Hiệp ước Lisbon