“Những lần khai quật khảo cổ cả khu vực được canh giữ rất nghiêm ngặt, dân thường không được vào xem. Nhưng sau những đợt khai quật, tui nghe nói các nhà khảo cổ lấy được rất nhiều báu vật bằng vàng, được chế tác tinh xảo”, ông Tư Bảo cho biết.

Bài 5: Hàng loạt ‘kho vàng bí ẩn’ lộ diện theo dấu chân các nhà khảo cổ

Hùng Anh | 24/08/2019, 06:11

“Những lần khai quật khảo cổ cả khu vực được canh giữ rất nghiêm ngặt, dân thường không được vào xem. Nhưng sau những đợt khai quật, tui nghe nói các nhà khảo cổ lấy được rất nhiều báu vật bằng vàng, được chế tác tinh xảo”, ông Tư Bảo cho biết.

Xuất lộ nhiều đền đài cổ xưa trong lòng đất

Ông Tư Bảo năm nay gần 60 tuổi, là cư dân của xã Mỹ Hòa, nhưng từ nhỏ đã rành khu vực Gò Tháp như lòng bàn tay, vì thường xuyên vào đây giăng câu, thả lưới mưu sinh. Ông Tư nói, suốt một thời gian dài chuyện những “kho vàng bí ẩn” ở Gò Tháp các bậc cao niên xứ Tháp Mười ai cũng biết, nhưng chỉ khề khà bàn luận với nhau trong những buổi trà dư tửu hậu, chứ chẳng ai dám xâm phạm khu vực di tích để tìm vàng vì sợ… thần linh quở phạt.

Mãi đến thập niên 1980, các cơ quan hữu trách của tỉnh Đồng Tháp mới phối hợp với các nhà khảo cổ học ở TP.HCM (chủ yếu là Viện Khoa học xã hội và Viện Khảo cổ) tiến hành thám sát, khai quật nhiều nơi trong khu vực di tích Gò Tháp. Từ năm 1984 đến nay, những đợt khai quật khảo cổ tại Gò Tháp đã làm xuất lộ nhiều di tích đền đài, miếu mạo cổ xưa của Vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo.

“Ngoài câu chuyện người dân tìm được nhiều hiện vật bằng vàng khi đào ao lấy nước tại khu Đìa Vàng ở Gò Tháp vào thập niên 1970, trong những đợt khai quật khảo cổ sau này người ta thu được rất nhiều hiện vật bằng vàng trong các phế tích đền đài, nên người dân trong vùng tin chuyện “những kho vàng bí ẩn” ở Gò Tháp là có thật”, ông Tư Bảo nói.

Các cán bộ của Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp cũng xác nhận, trong những đợt khai quật khu vực Gò Tháp vào những năm 1984, 1993, 1996, 1998 và năm 2013, các nhà khảo cổ đã phát hiện 14 di tích đền đài, miếu mạo cổ xưa của người Phù Nam. Nổi bật nhất là các phế tích đền thờ thần Mặt Trời ở gò Miếu bà Chúa Xứ và chùa Tháp Linh cổ tự, đền thần Vishnu ở gò Tháp Mười tầng, đền thờ thần Shiva ở Gò Minh Sư…

Khi đào xuống lòng đất ở những khu vực này, các nhà khảo cổ học rất bất ngờ khi phát hiện các phế tích đền đài cổ xưa đều được xây bằng gạch cổ nhiều tầng rất chắc chắn dù đã bị chôn vùi nhiều năm. Sau khi kiểm tra bằng các phương pháp khoa học hiện đại, những nhà khảo cổ xác định toàn bộ các phế tích đền đài, miếu mạo trong khu Gò Tháp đều có niên đại từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ XII sau Công nguyên.

Di tích đền thờ thần Shiva ở gò Minh Sư, nơi các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật bằng vàng quý hiếm - Ảnh: Thanh Anh

Trong các phế tích đền đài cổ, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật quý giá là các tượng thần, tượng Phật. Nhưng điều kỳ lạ nhất chính là việc các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm hiện vật quý giá là những đồ vật bằng vàng với đủ mọi kiểu dáng, được người xưa chế tác khá tinh xảo, nên chuyện “Gò Tháp có nhiều kho vàng” lại được người dân quanh vùng tiếp tục thêu dệt ly kỳ.

Những “kho vàng” trong phế tích

Các cán bộ của Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp cho biết, trong 2 đợt khai quật khảo cổ vào các năm 1984 và 1993, lúc đầu những nhà khảo cổ đã phát hiện 9 phế tích nghi là mộ cổ. Những phế tích này được xây dựng với quy mô khá lớn, có khuôn viên bao quanh, vật liệu chủ yếu là gạch.

Ở trung tâm phế tích có xây 1 trụ hình khối vuông cao từ 5 - 11 lớp gạch, mỗi lớp có 4 viên gạch xếp thành hình vuông, có chừa lỗ ở giữa. Trong lỗ, phần bên trên được lấp bằng cát xám có chất kết dính, phần bên dưới là cát trắng mịn có lẫn than tro.

Khi khai quật, các nhà khảo cổ còn thu được nhiều hiện vật bằng vàng, đá quý, nên lúc đầu nghi đó là đồ tùy táng của người chết. Những hiện vật bằng vàng này gồm các nhẫn vàng, lá vàng dát mỏng, có loại hình chữ nhật, hình tứ giác, hình tròn, nửa hình tròn... có kích thước nhỏ. Trên bề mặt các lá vàng đều có chạm dập các hình trang trí là con người, các loại động vật, thực vật và các loại vật thể như bánh xe, đinh ba, vũ khí hay vật cầm tay của các vị thần linh.

Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khảo cổ khẳng định: các phế tích không phải là mộ cổ mà chính là đền thờ thần của người Phù Nam xưa. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Thắng (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), ông khẳng định các phế tích chính là đền thờ thần vì khi tham gia khai quật Gò Tháp bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều tượng thần, hiện vật bằng vàng khắc hình thần hoặc biểu tượng, hóa thân của thần, vợ của thần, vật cưỡi của thần….

Ví dụ, tại phế tích phía nam chùa Tháp Linh, các nhà khảo cổ tìm được 2 mảnh vàng có hình mặt trời, nên xác định đó là ngôi đền thờ thần Mặt Trời. Trong khi đó tại phế tích ở gò Miếu bà Chúa Xứ, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm thấy những hiện vật bằng gạch xếp hình mặt trời, nên xác định đây là phế tích của ngôi đền thờ thần Mặt Trời thứ 2.

Còn ở khu vực các phế tích đền thờ thần Vishnu và thần Shiva, các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 220 hiện vật bằng vàng và 5 viên đá quý, chuỗi mã não màu đỏ cam. Các hiện vật bằng vàng này đều chạm khắc hình bánh xe Chakra là biểu tượng của thần Vishnu, hình lợn Vahara, rùa Kurma (là hóa thân của thần Vishnu), đinh ba Vajra (biểu tượng của thần Shiva), rắn Sesa, chim thần Garuda (là những vật cưỡi của thần Vishnu), bò thần Nandin (vật cưỡi của thần Shiva), hoa sen (biểu tượng nữ thần Lakshmi)…

Đặc biệt tại khu vực đền thờ thần Shiva ở gò Minh Sư, các nhà khảo cổ tìm thấy 1 nhẫn vàng nặng 5 chỉ 8 phân có khắc chìm hình con ốc Sankha là biểu tượng của thần Vishnu; 1 khuyên tai bằng vàng nặng khoảng 2 chỉ, 4 vòng đeo tay bằng đồng và nhiều hiện vật quý khác. Từ đó các nhà khảo cổ mới có cơ sở xác định phế tích chính là đền thờ thần Vishnu và thần Shiva.

Ông Võ Tấn Nghĩa, cán bộ Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, kể: “Sau khi nghe thông tin người dân tìm thấy nhiều hiện vật bằng vàng ở khu Đìa Vàng năm 1978, vào các năm 1984, 1996 và 2013 những nhà khảo cổ của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM tiếp tục đào thám sát 2 khu vực Đìa Phật, Đìa Vàng và phát hiện thêm 1 phế tích trong khu vực này”. Phế tích này xây bằng các loại gạch cổ kích thước lớn nhỏ khác nhau, nhưng được xác định không phải đền thờ mà là mộtkhu dân cư.

Tại di tích này, các nhà khảo cổ tìm thấy thêm nhiều mảnh vàng sợi nhỏ, xâu chuỗi bằng thủy tinh. Đáng chú ý là tại đây ngoài các hiện vật bằng vàng, gạch ngói, đất nung, mảnh vàng, chuỗi thủy tinh… các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 20 bức tượng Phật bằng gỗ và một số tượng đá.

Khu di tích đền thờ thần Shiva gò Minh Sư đã được xây dựng mái che để bảo vệ - Ảnh: Thanh Anh

Đặc biệt, tại Đìa Vàng các nhà khảo cổ đã phát hiện 1 tượng Phật cổ bằng gỗ cao 123cm rất có giá trị, sau đó được bổ sung vào kho tàng hiện vật độc đáo của khu di tích Gò Tháp. Theo ông Nghĩa, với hơn 300 hiện vật bằng vàng xuất lộ, khu di tích Gò Tháp đã cung cấp 1 bộ sưu tập di vật độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu nến văn hóa Óc Eo cổ xưa.

“Những lá vàng, hiện vật bằng vàng được tìm thấy phần lớn đều có trọng lượng từ 2,7 phân đến 3,4 phân. Nhưng đây được xem là bộ sưu tập hiện vật có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt quý hiếm, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc vàng của nền văn hóa Óc Eo xưa, nên gọi là… kho báu cũng không ngoa”, ông Nghĩa khẳng định.

Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Thắng, các kết quả nghiên cứu cho thấy toàn bộ các phế tích đền đài và hiện vật cổ xưa ở Gò Tháp đều phục vụ cho việc thờ cúng thần Mặt Trời, thần Vishnu và thần Shiva có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, là nền văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa. Các hiện vật bằng vàng cổ xưa thu giữ được ở Gò Tháp là xứng đáng là những báu vật, nhưng quý giá nhất tại khu vực này chính là 2 hiện vật đã được Chính phủ công nhận “bảo vật Quốc gia”.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 5: Hàng loạt ‘kho vàng bí ẩn’ lộ diện theo dấu chân các nhà khảo cổ