Sài Gòn ngày trước từng tồn tại một tòa thành bát quái đồ sộ (thành Quy) được xây trên một gò đất cao khá rộng ở thôn Tân Khai cũ, nay thuộc khu vực trung tâm TP.HCM khoảng gần dinh Độc Lập, hồ Con Rùa xuống sát chợ Bến Thành, vòng lên Thảo Cầm Viên và vùng kề cận…
Sài Gòn – Miền đất hưng long…
Thành này do Nguyễn Ánh ra lệnh xây năm 1790 – sau 15 năm bôn ba và quần nhau với quân Tây Sơn để giành đi giật lại Sài Gòn. Trong những năm đó, ông đã 4 lần bị Nguyễn Huệ đánh bật ra khỏi mảnh đất này. Lần thứ nhất vào năm 1777, Nguyễn Huệ đuổi bắt giết chết Thái-thượng-vương và Tân-chính-vương, Nguyễn Ánh chạy thoát. Lần thứ hai năm 1782, Tây Sơn kéo hơn 100 chiến thuyền chiếm cửa Cần Giờ, Nguyễn Ánh phải bỏ Sài Gòn chạy về đất Ba Giồng (Tiền Giang) rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc. Trận này, tướng Phạm Ngạn của Tây Sơn rơi vào ổ phục kích do cánh quân Hòa Nghĩa của người Hoa vây đánh và bị giết chết ở cầu Tham Lương.
Nguyễn Nhạc tức giận ra lệnh tàn sát hơn một vạn người Hoa, quăng xác xuống sông: “số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm, chết lụi kể con số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước (…) lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường dân gian nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rờ đến miếng thịt tôm, thịt cá!” (1)
Sơ đồ thánh Bái Quái
Lần thứ ba và thứ tư (1783 và 1785), Nguyễn Ánh bị đuổi chạy ra tận các đảo nhỏ heo hút ngoài vịnh Thái Lan. Nhưng cuối cùng, ông cũng đã quay lại được bờ Nam, tái chiếm đất Sài Gòn xưa – nơi ông chính thức xưng vương từ năm 1780 (lúc mới 18 tuổi) – và đôn đốc xây tòa thành kiên cố đầu tiên của mình trên đất phương Nam với hình hoa sen 8 cạnh, mở ra 8 cửa, tương ứng với 8 quẻ (bát quái) trong dịch lý phương Đông nên gọi: Từ thành Bát Quái.
Gia Định thành thông chí chép, thành này có 8 con đường ngang dọc từ đông sang tây dài 131 trượng 2 thước (khoảng 648m), từ Nam đến Bắc cũng có chiều dài giống như thế. Về bề cao là 13 thước (6,3m), dưới chân phình ra 7 trượng 5 thước (36,5m). Bảo vệ quanh thành Bát Quái là hệ thống hào lũy dài 794 trượng (3820m). Nhìn bao quát cả tòa thành Từ thành Bát Quái hiện lên trên đất Sài Gòn xưa “kiên cố và tráng lệ” như Trịnh Hoài Đức mô tả thời đó.
Ngày nay “vị trí thành Quy nằm giữa 4 đường mang tên Đinh Tiên Hoàng (Đông), Nam Kỳ khởi nghĩa (Tây), Lê Thánh Tôn (Nam), Nguyễn Đình Chiểu (Bắc). Mặt tiền thành Quy hướng về phía Đông Nam. thành do Nguyễn Ánh chỉ đạo xây dựng khi thấy có thể đứng vững lâu dài trên đất Gia Định làm bàn đạp tiến ra Trung, Bắc đánh bại Tây Sơn. Hai kỹ sư Pháp là Théodore Lebrun và Olivier de Puymanel cùng Trần Văn Học thiết kế và đôn đốc thi công xây dựng thành Quy theo kiểu Vauban –nguyên soái Pháp, tác giả nhiều thành lũy Pháp cuối thế kỷ XVII – (…) như vậy là Dịch kinh phương Đông kết hợp với kỹ thuật quân sự phương Tây nhằm cố ý đem lại uy vũ cho Nguyễn Ánh đối với nhân dân Gia Định lúc bấy giờ (…) trong thành, xẻ 4 đường ngang dọc, trung tâm là đền vua (vị trí ngã tư đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng ngày nay), phía sau và hai bên đền vua là các cung điện, dinh thự, thái miếu.,.. xây dựng với gỗ quý, ngói tốt vùng Gia Định” (2).
Bọc quanh thành còn có các đường hào rộng 15 trượng 2 thước (648m), sâu 14 thước (6,8m) có cầu bắc ngang để đi, đã được một tác giả người Mỹ là John White đến Sài Gòn năm 1819 viết đến rất cụ thể: “vòng thành là hào sâu và trong các thôn xóm khi qua lại phải dùng một chiếc cầu khỉ”. Chi tiết ấy cũng được Thái Văn Kiểm nêu ra trong cuốn Đất Việt trời Nam trích đoạn của John White: “vượt hào vào thành, thấy nơi đây là một chiến lũy đồ sộ và tường cao chừng 7 thước vây quanh một khoảng đất rộng 5 cây số, mỗi bề 1.200m, đó là dinh thự của ông Tổng trấn và các võ quan cao cấp, doanh trại có thể chứa được chừng 5 vạn lính (…) phía cửa Tây là nghĩa địa các quan theo kiểu Tàu, bia đá dựng làm mộ khắc chạm một cách thô sơ (…) về phía Bắc của thành là một nghĩa địa rộng lớn có nhiều mồ mả”. John White kể những điều thấy được phía ngoài Từ thành Bát Quái liên quan đến niềm tin phong thủy của dân Sài Gòn xưa: “Phía Tây tỉnh thành Gia Định, có một vùng mộ địa, mả đất xen với lăng vôi; tuy không có quy mô, thiếu vẻ mỹ thuật, lại vì dân tin theo địa lý, xác người chôn theo phương hướng, nên không thẳng lối ngay hàng: song có tính cách bình dân bất phân giai cấp” (3)
Thành Bát Quái còn gọi thành Quy vì có hình dạng giống con Rùa, được xây trên thế đất phong thủy như dạng “gối đầu rồng” nằm chủ yếu trên phần đất quận 1, TP. HCM, với mặt bằng bọc từ phía hồ Con Rùa và dinh Độc Lập chạy ra gần bờ sông khoảng đường Lê Thánh Tôn ôm lên khu vực Thảo Cầm Viên hiện nay, mà: “ở lối đường Mạc Đỉnh Chi và Trần Cao Vân (Massiges và Larclauze cũ), khoảng 1924 – 1925 là nơi đất trống (…) đêm đêm thường nghe nhiều tiếng hú lạ lùng (…) từng rởn ốc những đêm mưa dai gió rít, nặng nề những oan hồn ma lạnh hào thành xưa” (4)
Dinh Độc Lập nằm trong phạm vi thành Bát Quái xưa
Sở dĩ có “oan hồn ma lạnh” như cụ Vương viết là do những trận đánh máu lửa giằng co suốt 3 năm giữa quân triều đình vây chặt bên ngoài với quân tử thủ của Lê Văn Khôi trong thành Quy. Nguyên sau ngày Nguyễn Ánh (vua Gia Long) mất, mâu thuẫn trong nội tình của những vị “khai quốc công thần” như tổng trấn Lê Văn Duyệt với các đại thần đương thời đã bùng nổ dưới thời Minh Mạng. Và cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi quyết liệt nhất.
Khi Khôi chết vì bệnh và Từ thành Bát Quái bị hạ (tháng 7.1835) dẫn đến cuộc trừng phạt khắc nghiệt: “Mặc dầu Khôi chết rồi cũng bị quật mồ lên lấy thủ cấp bỏ vô củi đem về Kinh bêu ngoài chợ 3 ngày rồi nghiền xương đổ xuống sông. Còn vợ con của Khôi và vợ con các tướng nghịch đều bị chém rồi cắt tai đem về triều. Theo sử chép thì trong vụ này, quân giặc và vợ con bị giết tại trận hết 554 người, còn bị bắt hết cả là 1.278 người. Trừ 6 người bị giải về Kinh, còn bao nhiêu bị chém cả rồi kéo thây đổ xuống một cái hầm to, dập đất lại, tục kêu là mả Ngụy (ở Plaine des Tombeaux) trên có dựng bia đề rằng: “nghịch tặc biền tru xử”. Mả Ngụy ở gần trường đua cũ, làng Chí Hòa, tại góc đường Thuận Kiều, kêu là đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), và đường Général Lizé (nay là đường 3/2).
Đến mấy năm sau mà đất ở đó vẫn còn sình lên sụp xuống. Nấm mồ nay trài ra bằng mặt đất” (5). Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược viết: “ông J.Silvestre chép truyện Lê Văn Khôi khởi loạn ở Gia Định nói rằng trong 6 người thủ phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khách tên là Mạch Tấn Giai và một đứa con của Khôi, mới lên 7 tuổi (…). Đến khi về đến Huế thì ông Marchand và 5 người kia đều phải tội lăng trì. Thiết tưởng dẫu thế nào mặc lòng, đem một đứa con vô tội và hai người ngoại quốc ra làm cái tội thảm hình ấy, thì thật gớm ghê quá. Tục Á Đông ta trước hay dùng những nhục hình như là tội lăng trì (tùng xẻo), tội ngựa xé, tội voi dày… thì thật là dã man vô cùng, ngày nay ai nghĩ đến cũng phải ghê mình”.
Như vậy, thành Bát Quái tồn tại được 45 năm (1790 – 1835) đánh dấu sự hưng long của nhà Nguyễn trên đất Sài Gòn xưa.
Sài Gòn với sòng bạc Đại Thế Giới
Sài Gòn xuất hiện sòng bạc Đại Thế Giới vào cuối đời Nguyễn, vô hình chung trở thành hình ảnh tương phản đầy nghiệt ngã so với quá khứ vang bóng của thành Quy vào thời kỳ khởi nghiệp của triều đại này. Đó là nơi diễn ra những canh bạc nhà giàu mà Phó thủ tướng Nam kỳ quy định: “chỉ những người chịu thua 100.000 đồng trở lên vào mỗi đêm mới được cho phép ngồi vào sòng bạc này” (giá mỗi chuyến xe từ Rạch Giá lên Cần Thơ thời ấy chỉ có một đồng hai mỗi người khách).
Sòng bạc Đại Thế Giới ngày trước
Sòng bạc này lớn nhất Đông Dương do hai người Hoa là Mạnh Xường ở Campuchia và Mạc Xây Cầu ở Sóc Trăng hợp tác lập nên và bắt đầu hoạt động từ năm 1937 với sự bảo trợ của Cao ủy Pháp ở Đông Dương trong thời kỳ đầu. Đến năm 1950, cựu hoàng Bảo Đại hồi hương với tư cách Quốc trưởng đã từ thủ phủ Đà Lạt xuống Sài Gòn lui tới sòng bạc này.
Lúc đó tướng Bình Xuyên là Bảy Viễn rời hàng ngũ kháng chiến về đầu hàng Pháp đã được giao quản lý trung tâm cờ bạc, hút sách, mại dâm công khai này. Theo tài liệu để lại, Đại thế giới có một khoảng đất rộng hơn 30.000m2 (nằm tại địa điểm của Nhà văn hóa Q.5 TP.HCM, số 105 Trần Hưng Đạo B hiện nay). Hằng đêm khoảng 9 – 10g tối đã có hàng ngàn người tụ về sát phạt nhau quanh hàng trăm sòng bạc của Đại thế giới với đủ loại: sòng đánh ru-lót, đánh me, đánh ba quan, đông nhất là những bàn đánh tài xỉu đặt trong những nhà căng bạt giữa trời.
Tướng Bảy Viễn
Càng về khuya, sòng bạc Đại thế giới càng rộn ràng bởi tiếng cười, tiếng hát từ các phòng ẩm thực đặc sản, các phòng rượu sang trọng, các phòng hút thuốc phiện công khai… tạo thành một âm thanh quái đản, bên cạnh mùi nước hoa và khói thuốc quyến rũ. Quanh sòng bạc các nhân viên đặc vụ đi đi lại lại với súng ngắn giấu trong người sẵn sàng nhã đạn vào bất cứ ai cản trở cuộc chơi. Khi được báo động, trạm cảnh sát đặc biệt của Đại thế giới sẽ phát lệnh cho những tay súng chuyên nghiệp lập lại trật tự. Khi cần thiết, trạm phát điện riêng của Đại thế giới sẽ hoạt động để bảo đảm nguồn điện sáng suốt đêm. Nếu đôi vợ chồng nào đó muốn vui chơi thoải mái trên sòng bạc sẽ có thể gởi các cháu bé của mình vào một khu vực riêng.
Vị trí của sòng bạc ngày trước, nay là Trung T6am Văn Hóa Quận 5
Nhân sự xuất hiện và bị triệt hạ của thành Bát Quái với sự kiện: đời trước xây (Gia Long), đời sau đập bỏ (Minh Mạng), gọi là: Gia Định phế thành – cũng như việc mở khu ăn chơi Đại Thế Giới về hướng Tây của thành này trong thời kỳ suy sụp của nhà Nguyễn, cụ Đỗ Đình Truật đã nhận định trong một báo cáo khoa học: “Ngô Nhân Tịnh từng cho đất Gia Định là đất của trăm lộc, trù phú, nhưng nó chỉ giúp ta phồn vinh một thuở mà thôi, xem ra không lâu bền như vùng đất Thuận Quảng của Hoàng Tổ (chỉ Nguyễn Hoàng lập cơ nghiệp ngoài Trung). Đất Gia Định chưa bao giờ giữ ngôi hoàng đế được lâu, xem ra từ các vua chúa Chân Lạp đến nay thì rõ. Vì vùng đất Gia Định là “khuyết Kim”nên không thịnh cho vua chúa, mà chỉ thịnh về kinh tế, giàu có mà thôi”. Tuy vậy, Sài Gòn – Gia Định nhìn chung, nhất là đất Đồng Nai về mặt phong thủy mà xét, là đất “Rồng còn nằm dưới đất (sẽ bay lên) và Phụng còn ấp trứng trên cây (về sau sẽ nở)”…
Chú thích:
(1) và (4): Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn 1961.
(2): Nguyễn Hữu Thái – Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên, NXB TP. HCM 1989.
(3): Ưng Trình, Việt Nam ngoại giao sử cận đại, Văn Đàn xuất bản, Sài Gòn 1970.
(5): Đào Văn Hội, Nam Kỳ danh nhân, nhà in Lý Công Quan 1943.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Nguyên Trương , Tư liệu