Liệu các gói lãi suất vừa được tung ra có giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) kịp hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% khi mà đến ngày 25.11, mức tăng chỉ mới 7,54%?
Các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục công bố các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi. ACB cho vay lãi suất từ 8% trở lên, MBB cho vay cá nhân lãi suất từ 9% và doanh nghiệp từ 7% trở lên, HDBank cho vay lãi suất 0% tháng đầu tiên và cố định 11,86% trong 11 tháng tiếp theo. Nhiều NHTM khác cũng đang đưa ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7 – 8%/năm trở lên.
Nguồn vốn giá rẻ dư thừa, lãi suất cho vay thấp
Với việc các NHTM đưa ra nhiều gói kích thích và nhu cầu vay vốn thường tăng mạnh vào cuối năm để tích trữ hàng hóa, thanh toán công nợ, nhiều khả năng, tín dụng trong tháng 12 sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Điều này cũng đã từng xảy ra trong năm năm 2012 khi mà 11 tháng đầu năm, tín dụng mới chỉ tăng 4,15% trong khi hết tháng 12, đã ở mức 8,91%.
Theo báo cáo quý 3/2013 của các NHTM đang niêm yết, tỉ lệ cho vay của nhiều ngân hàng cũng đang ở mức rất thấp và đều có thể tiếp tục đẩy mạnh cho vay ra để tăng tỉ lệ này lên.
Đặc biệt là trong năm 2013, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, nguồn vốn huy động dồi dào, các nguồn vốn giá rẻ nhiều, thì việc đẩy mạnh tín dụng là cần thiết để đảm bảo hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.
Lãi suất cho vay thấp có thể từ các nguồn sau:
Thứ nhất là từ nguồn vốn huy động giá rẻ và từ nguồn vốn liên ngân hàng. Nguồn vốn huy động dồi dào trong khi lãi suất duy trì ở mức thấp và liên tục giảm từ đầu năm đến hay. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 tháng của các NHTM chỉ dao động từ 5- 7%/năm, các kỳ hạn dưới 1 năm phổ biến ở mức 7-8%/năm. Nguồn vốn huy động bình quân của 7 NHTM đang niêm yết từ đầu năm đến nay đã tăng 20% trong khi tín dụng chỉ tăng gần 6%. Lãi suất đi vay trên thị trường liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp khiến cho các ngân hàng có thể tìm các nguồn vốn giá rẻ để tài trợ cho vay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND liên ngân hàng bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,72%, kỳ hạn 3 tháng là 5,58% và kỳ hạn 6 tháng là 5,92%.
Thứ hai, các NHTM đưa ra nhiều sản phẩm mới với lãi suất cạnh tranh. Ngoài những sản phẩm cho vay VND lãi suất USD thì hiện nay, các NHTM đang chào nhiều sản phẩm cho vay VND khác lãi suất rất thấp, chỉ bằng mức lãi suất huy động. Lãi suất thấp thường được duy trì trong một vài kỳ đầu tiên, sau đó, lãi suất thường được điều chỉnh tương ứng với lãi suất thị trường tại thời điểm đó. Cạnh tranh giữa các NHTM với nhau khuyến khích các NHTM phải đưa ra những sản phẩm tốt hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, các khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi thường sẽ sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác của ngân hàng như chuyển tiền, mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế… Do vậy, biên lợi ích mà NHTM thu được từ các khách hàng đó sẽ tăng lên đảm bảo lợi ích bình quân trên dư nợ của mỗi ngân hàng không bị sụt giảm, việc thu phí dịch vụ sẽ bù đắp sự sụt giảm lãi suất.
Ngoài ra, các NHTM vẫn còn một số nguồn vốn giá rẻ khác như nguồn vốn vay từ NHNN qua thị trường mở, nguồn vốn vay NHNN khi chiết khấu trái phiếu VAMC. Tính đến 26.11.2013, VAMC đã mua trên 18.000 tỉ đồng nợ gốc của 21 ngân hàng, tương đương 14.700 tỉ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào thực hiện tái cấp vốn tại NHNN dù tỉ lệ chiết khấu tối đa lên tới 70% giá trị trái phiếu và lãi suất chiết khấu trái phiếu của VAMC tại NHNN thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ (tương ứng khoảng 5%/năm). Điều này có nghĩa là các NHTM đang có được các nguồn vốn giá rẻ hơn để cho vay.
Vẫn khó hoàn thành chỉ tiêu 2013
Mặc dù các gói lãi suất liên tục được đưa ra nhưng khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 ở mức 12% như định hướng của NHNN sẽ khó có thể thực hiện được. Điều này một phần do kinh tế Việt Nam trong năm 2013 vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, theo đánh giá của Chính phủ, GDP dự kiến ở mức 5,4%, chỉ cao hơn một chút so với năm 2012 là 5,03%.
Đồng thời, các chính sách được NHNN đưa ra cũng ảnh hưởng tới việc tăng tưởng tín dụng như yêu cầu các NHTM tăng cường xử lý nợ xấu bằng nguồn từ quỹ dự phòng rủi ro và bán nợ xấu qua VAMC. Đối với việc xử lý nợ xấu, việc sử dụng quỹ dự phòng nợ xấu sẽ làm giảm số dư cho vay trên báo cáo tài chính và tương ứng làm giảm tỉ lệ nợ xấu. Theo báo cáo tài chính của các NHTM trong chín tháng đầu năm, VCB, CTG, ACB, SHB, STB,.. đều đang trích dự phòng cho các khoản vay rất nhiều. Tuy nhiên, nếu sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu thì mới chỉ có MBB và VCB là sử dụng nhiều nhất làm giảm tỉ lệ nợ xấu tương ứng là 1,32% và 0,46%.
Bên cạnh đó, các NHTM sẽ tiếp tục thực hiện việc bán nợ qua VAMC. Trong năm 2013, VAMC sẽ có thể mua về khoảng 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu (tương ứng với việc dư nợ cho vay và nợ xấu có thể giảm 1%), thay vào đó, khoản mục đầu tư trái phiếu VAMC sẽ tăng lên. Dự kiến năm 2014, VAMC sẽ xử lý sẽ xử lý 100.000 - 150.000 tỉ đồng nợ xấu để đến năm 2015 chỉ còn 3% nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng, tương đương với dư nợ toàn hệ thống sẽ sụt giảm 3,3-5%. Do vậy, áp lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 sẽ rất lớn nếu các NHTM tiếp tục đẩy mạnh tín dụng trong tháng 12.2013 này. Có lẽ vì vậy mà Vietinbank là ngân hàng đầu tiên đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 11% xuống còn 8% trong năm 2013.
Tín dụng năm 2013 có thể sẽ không tăng được ở mức 12% như kỳ vọng của NHNN. Tuy nhiên bù lại, hệ thống NHTM sẽ có điều kiện để kiểm soát tốt hơn rủi ro, xử lý được các khoản nợ xấu. Song song với đó, hệ thống NHTM đã đưa ra được nhiều sản phẩm mới làm nâng cao khả năng cạnh tranh hơn, tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nguyên Minh Cường/Người Đô Thị (còn tiếp)
Ảnh từ Baotintuc