Đây là những dòng tâm sự chân thật về chặng đường công khai đồng tính với mẹ của Hoàng Nguyên - một người đồng tính nam hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.

'Bác sĩ tâm lý nói với tôi, đồng tính là bệnh'

Một Thế Giới | 11/01/2015, 02:28

Đây là những dòng tâm sự chân thật về chặng đường công khai đồng tính với mẹ của Hoàng Nguyên - một người đồng tính nam hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.

Tôi tên là Hoàng Nguyên, 24 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh
Tôi, ở Sài Gòn và lớn lên như hầu hết những đứa trẻ nơi đây, được bảo bọc và chăm chút đủ đầy đến mức ngột ngạt. Tôi đã chẳng được đụng tay đến việc bếp núc. Tôi đã chẳng được hội hè với bạn bè. Dù gì thì, tôi cũng là một thằng con trai duy nhất, sống gần gũi với họ ngoại toàn… phụ nữ.
Tôi nhận ra sự khác biệt trong bản thân mình lúc chỉ mới 11 tuổi. Chỉ đơn giản là do tôi thấy việc ngắm nghía các anh chàng thật thú vị! Dĩ nhiên, tôi cũng chẳng đủ tò mò để tìm hiểu cảm giác đó là gì. Nên cứ để mặc thế, mãi đến khi bước chân vào cấp 3 và bắt đầu hẹn hò với nhiều bạn gái. Những gì tôi trải qua trong thời gian đó, nếu nhìn từ bên ngoài thì cũng khá đẹp đẽ. Chỉ là tôi đã chẳng có bất kỳ cảm giác nào với các bạn ấy cả!
dong tinh
Thế là, tôi bắt đầu tìm hiểu, với tất cả những phương tiện thông tin hạn hẹp lúc bấy giờ, về những cảm xúc lạ lùng bên trong mình. Ban đầu thi tôi cũng ngại, cũng chẳng dám nói ai và chẳng biết làm gì, cũng chẳng chấp nhận nổi bản thân mình. 
Rồi thì tình cảm đầu đời cũng đến. Với những cảm xúc của thằng con trai 18 tuổi, tôi quên bẵng mọi thứ xung quanh, quên ngại, quên sợ, và quên luôn việc để ‘công khai’ cái blog Yahoo360 đầy ắp những thông tin đó. Thế rồi, lời truyền lời, và truyền đến tai mẹ tôi.
Mẹ đã chẳng mất nhiều thời gian để hỏi tôi một vài câu đơn giản như: “Có phải con thích con trai không? Có phải con không thích con gái không? Có phải (nhiều thứ khác tương tự vậy) không?”
Trong cái đầu vốn dĩ nhiều suy nghĩ, khi ấy lại ngập đầy những lo lắng và sợ sệt, bất ngờ và căng thẳng chen lẫn cùng những câu hỏi như “Nhận hay chối?”, “Phải cư xử với mẹ ra sao?” rồi cả “Mình sẽ sống sao?”, “Mình có bị tống cổ ra khỏi nhà không?”… Và khi mớ hỗn độn đó chưa thấy đường giải quyết, thì sự liều lĩnh đâu đó bên trong tôi đã kịp áp đảo. Tôi thừa nhận.
Mẹ đã có một khoảng thời gian khó khăn, và không ngừng mong muốn “cải tạo” tôi. Đỉnh điểm là khi mẹ đẩy tôi vào tay một bác sĩ tâm lý với những lời giải thích hết sức vô lý. Bác sĩ bảo, nguyên do là vì tôi đã được bảo bọc quá đáng, là vì tôi không được gần gũi ba, là vì tôi lại quá gần gũi với các dì họ ngoại. “Nhưng đừng lo, đồng tính là bệnh, và có thể chữa được!”. Với những thông tin mà tôi thu thập được, và với cái ngông và sự háo thắng của tuổi trẻ, buổi tư vấn chẳng mấy chốc trở thành một trận khẩu chiến, và người thua không ai khác là vị bác sĩ tâm lý đáng kính ấy.
Thất bại trong công cuộc đó, mẹ và tôi hầu như chẳng chuyện trò với nhau nữa. Những lời phàn nàn về việc học hành dường như là những thứ duy nhất còn sót lại.
Lúc ấy, tôi mới có quyết định cứu vãn tình hình. Tôi đã đưa mẹ đến một cuộc họp của PFLAG (Hội Phụ huynh và người thân của người LGBT) trên danh nghĩa là dự hội thảo. Mẹ ban đầu có chút khó chịu. Nhưng sau những tâm sự, chia sẻ, và giải thích của những bậc phụ huynh khác, mẹ tôi đã bước ra khỏi đó với một tư tưởng hoàn toàn khác. Ngày đó, là 4 năm sau ngày tôi “bị ép” công khai. Đó là khoảng thời gian ngắn hay dài, lúc ấy tôi cũng chẳng còn bận tâm nữa vì tôi đã có kết quả mà mình hằng mong muốn.
Thú thật, tôi đã từng có những ý định công khai xu hướng tính dục với gia đình của mình. Đó là một bức tranh vô cùng hoàn hảo; lúc ấy tôi sẽ có công việc ổn định, có người yêu bên cạnh, có tiền chất đầy tủ! Với những gì đã xảy ra, tôi luôn thấy mình may mắn. Mọi thứ vẫn hoàn hảo đấy chứ, nhưng mà theo một cách tôi hoàn toàn chưa từng nghĩ đến.
Công khai xu hướng thật của mình lúc nào cũng khó khăn. Chỉ cần bản thân dám đương đầu. Dù mẹ tôi đã chẳng từ mặt, chẳng phản đối, hay chẳng ngày nào cũng cầu Trời khấn Phật cho một sự thật khác, nhưng tôi cũng đã phải cùng mẹ đi qua một số chướng ngại nhất định. Nhưng như thế cũng đáng. Giờ thì tôi có thể đứng trước mặt “chị ấy” mà nấu những món mình thích, dẫn những anh chàng mới mẻ về giới thiệu với “chị” để nhận được những cái lắc đầu hay bĩu môi rằng “Tôi không thích thằng này”, hay trải qua những cơn đau tim với “chị” để lại được nghe câu nói bất hủ: “Không có thằng này quen thằng khác. Gì cũng qua cả thôi”.
dong tinh
Ừ thì, cái gì cũng qua hết được cả!
Theo Attitude
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bác sĩ tâm lý nói với tôi, đồng tính là bệnh'