Cứ mỗi dịp tết đến các tai nạn thường tăng lên, nhất là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thậm chí cả pháo nổ... Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề, những hiểm họa trên đang bắt đầu rình rập cuộc sống con người.

Bác sĩ mách người dân cách xử trí tai nạn thường gặp trong dịp tết ​

13/01/2020, 21:05

Cứ mỗi dịp tết đến các tai nạn thường tăng lên, nhất là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thậm chí cả pháo nổ... Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề, những hiểm họa trên đang bắt đầu rình rập cuộc sống con người.

Những nạn nhân giao thông đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: P.V

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) những tai nạn trong ngày tết như: pháo nổ, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm... xảy ra nhiều và đã khiến không ít trường hợp để lại những di chứng hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong. Vì vậy cách tốt nhất là hạn chế không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc trên. Tuy nhiên, nếu chẳng may xảy ra điều đó, người bị nạn và gia đình phải biết cách để xử lý tốt nhất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, theo bác sĩ Hà, để xử lý những trường hợp trên, người dân cần nắm vững những kiến thức sau:

Đối với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm

Trong các dịp lễ tết, việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Khi ăn phải những thực phẩm này, cơ thể của chúng ta sẽ bị ngộ độc. Đây cũng là mối lo ngại của nhiều người trong mỗi dịp lễ tết.

Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ngộ độc. Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể do các độc tố của vi khuẩn (thường gặp vi khuẩn Salmonella, E.Coli); do nhiễm vi rút hay ký sinh trùng; hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hóa học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất sinh ra). Hậu quả của ngộ độc thực phẩm thường gặp trong trường hợp nhẹ là bị mất nước, mệt mỏi; trường hợp nặng gây sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Các biểu hiện khi cơ thể bị ngộ độc thực phẩm gồm: buồn nôn, nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt... Dấu hiệu mất nước bao gồm mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ. Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và biểu hiện bằng các dấu hiệu báo động như tiêu phân lỏng trên 6 lần/ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ C không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội… Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, người bệnh nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tai nạn do pháo nổ

Thống kê của ngành y tế trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay...

Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch. Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay. Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Tai nạn giao thông

Trên thực tế, các dịp lễ tết thường ghi nhận số ca tai nạn giao thông cao gấp nhiều lần so với ngày thường mà nguyên nhân xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, trong những ngày tết, lượng người đi lại nhiều, lưu lượng xe cao khiến các phương tiện rất dễ va chạm. Về mặt chủ quan, các thói quen không tốt cho sức khỏe của người tham gia giao thông trong dịp tết như uống rượu bia quá nhiều, thức quá khuya… cũng là những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn.

Tai nạn giao thông xảy ra do va chạm giữa các phương tiện giao thông, giữa người và phương tiện giao thông, do người điều khiển phương tiện giao thông bị ngã vào vật cứng… Các lực đè, nén, giằng xé, nghiền xảy ra do tai nạn giao thông sẽ làm cho cơ thể tổn thương nặng. Các chấn thương hay gặp nhất do tai nạn giao thông là chấn thương sọ não (nguyên nhân dẫn đến 75% số ca tử vong do tai nạn xe máy), tiếp theo là chấn thương cột sống, gãy chi, chấn thương ngực bụng kín hay hở, chấn thương phần mềm... Hậu quả của chấn thương do tai nạn giao thông rất nguy hiểm, trường hợp nặng nạn nhân có thể tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Do đó, khi bị tai nạn giao thông cần di chuyển nạn nhân đến nơi an goàn để sơ cứu bằng cách kéo hai chân và luôn giữ cố định vùng đầu cổ. Không nên vận chuyển nạn nhân bằng xe máy, cõng, bế… vì nguy cơ gây tổn thương nặng hơn. Khi tai nạn xảy ra, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất và mô tả chi tiết số người, mức độ nặng của nạn nhân, vị trí chính xác của hiện trường vụ tai nạn. Sau khi gọi cấp cứu, những người hỗ trợ nên tiếp tục theo dõi và trợ giúp cho đến khi nạn nhân được đội cấp cứu tiếp nhận.

Nên đỗ xe ở vị trí an toàn, chú ý an toàn cho bản thân, kêu gọi thêm những người ở xung quanh hiện trường để hỗ trợ, đặt đèn hay biển cảnh báo nguy hiểm, mặc áo phản quang nếu có; đặt biển báo nguy hiểm cách hai đầu hiện trường ít nhất 45 mét; tắt máy xe đang gặp tai nạn, dập tắt các nguồn nhiệt để tránh cháy nổ; quan sát xung quanh đề phòng các phương tiện đang lưu thông trên đường… Sau đó, những người hỗ trợ cần giữ yên vị trí của người bị nạn, cố gắng giữ yên vùng cột sống cổ và gọi xe cấp cứu. Trong lúc chờ cấp cứu, có thể kiểm tra và sơ cứu nạn nhân bằng cách kiểm tra đường thở, nhịp thở và mạch ở vùng cổ của nạn nhân để có xử trí thích hợp; băng ép vết thương mạch máu; cố định cột sống, cố định xương gãy; băng vết thương bằng gạc hay vải sạch và không cố gắng rút bỏ dị vật cắm trên người nạn nhân.

Hồ Quang (ghi)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ mách người dân cách xử trí tai nạn thường gặp trong dịp tết ​