Một phụ nữ ở Sóc Trăng đã mất tích 16 năm nay, gia đình cứ đinh ninh là đã chết nên đã lập bàn để thờ cúng. Mới đây, được sự trợ giúp của người dân và truyền thông, người phụ nữ này đã bất ngờ trở về.
Hai ngày qua, hàng trăm người dân là người thân, bạn bè và hàng xóm đã đến chia vui, thăm hỏi cùng với gia đình chị Sơn Thị Chằm Pa (30 tuổi, người dân tộc Khơme, ngụ ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - người phụ nữ đã mất tích 16 năm nay và vừa trở về từ “cõi chết” sau khi gia đình đã lập bàn thờ từ nhiều năm nay.
Ngày 25.8, một người xe ôm ở Rạch Giá (Kiên Giang) chở chị về Bạc Liêu theo gợi ý của chị, và nhờ phóng viên báo, đài đăng tin tìm người thân. Trước đó, có người bắt gặp chị Pa lang thang ở bến tàu, nên nhờ ông xe ôm coi sóc. Và chỉ một ngày sau khi truyền thông đưa tin, gia đình đã liên hệ và được người xe ôm cùng một số phóng viên đưa chị về, từ Bạc Liêu.
Ông Sơn Sanh - cha ruột chị Pa cho biết, qua lời kể của chị Pa, thì gia đình được biết chị này chỉ nói được tiếng Việt và tiếng Trung Quốc, còn tiếng mẹ đẻ (tiếng Khơme) thì chị này không nói được. “Tôi có nghe nó nói, trong thời gian mất tích nó từng sống và làm tiếp viên trong quán karaoke ở Trung Quốc nhiều năm”, ông Sanh thông tin.
Gặp lại con gái, gia đình ông Sanh rất vui mừng - Ảnh: Ngọc Anh
Một cán bộ ở xã Thạnh Phú nói: “Lúc đó chị Pa mới 14 - 15 tuổi thôi, nó từ nhà lội qua UBND xã đi lên nữa (khoảng 5km - PV) để xem khánh thành chùa Nhu Gia. Ở tuổi đó, nó biết đi, thì biết về chứ tại sao lại mất tích luôn cho tới giờ. Lúc đó, tôi làm công an xã nên có tham gia bảo vệ lễ khánh thành chùa đó mà. Mình chỉ nghi bị bắt cóc, chớ làm gì dám khẳng định”.
Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, tinh thần chị Pa không ổn định, ánh mắt cứ nhìn ngơ ngác rồi bất chợt nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Khi PV hỏi vì sao làm việc ở Trung Quốc mà lại lang thang ở bến tàu Phú Quốc? Lúc này, chị Pa như nhớ lại điều gì nên buộc miệng nói: “Người ta dắt đi”, nói được bấy nhiêu đó, chị Pa lại lơ ngơ, ánh mắt như vô hồn rồi quay sang chỗ khác.
“Hồi đi, tôi còn nhỏ lắm nên không nhớ rõ ai đưa đi và đi bằng đường nào. Chỉ nhớ qua đó, làm tiếp viên quán karaoke thôi”, chịPa nói. Khi được hỏi, từng ấy thời gian sống ở Trung Quốc chị có chồng con gì hay không, thì chị Pa chỉ lắc đầu, ra dấu không có.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Thạnh Phú, cho biết: “Địa phương rất trách nhiệm và rất quan tâm về trường hợp này, bởi chị Pa đã có hộ khẩu, khai sinh đầy đủ rồi nên chúng tôi chỉ bổ sung ngày tháng để làm mới lại giấy khai sinh cho chị Pa. Đồng thời, chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ với Công an H.Mỹ Xuyên để xuống nhà làm giấy CMND cho chị Pa, giúp chị ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.
Ngọc Anh