Tokyo lo ngại các chính sách quân sự của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của tình hình quanh đảo Đài Loan và an ninh của Nhật Bản. Ngược lại Bắc Kinh lo Nhật Bản sẽ chọn Đài Loan

Bắc Kinh lo ngại Nhật Bản sẽ chọn Đài Loan

Hoàng Vũ | 18/07/2021, 15:07

Tokyo lo ngại các chính sách quân sự của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của tình hình quanh đảo Đài Loan và an ninh của Nhật Bản. Ngược lại Bắc Kinh lo Nhật Bản sẽ chọn Đài Loan

Trong những tuần gần đây, một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phá vỡ quan điểm trung lập truyền thống của Tokyo để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, chọc giận Bắc Kinh. Động thái này đã khiến các nhà quan sát Trung Quốc đặt ra câu hỏi liệu Nhật Bản có đang định chọn một bên hay không.

“Định hướng chiến lược của Nhật Bản đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Nhật Bản đã phóng đại xung đột về Biển Hoa Đông và nhấn mạnh nhiều hơn vào sự khác biệt của họ với Trung Quốc về các giá trị an ninh và dân chủ”, Hu Jiping, Phó chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, cho biết tại một cuộc hội thảo gần đây ở Bắc Kinh.

china-japan-flag.png
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường được mô tả là “kinh tế nóng, chính trị lạnh” - Ảnh: SCMP

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường được mô tả là “kinh tế nóng, chính trị lạnh”, phản ánh thực tế rằng dù quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia Đông Á ngày càng phát triển nhưng về mặt quan hệ chính trị vẫn không mấy “mặn nồng”.

Theo Hu, việc Tokyo có nhiều hành động chống lại Bắc Kinh gần đây cho thấy đất nước mặt trời mọc có thể sẵn sàng hy sinh các mối quan hệ kinh tế để củng cố hợp tác an ninh với Mỹ. “Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản dường như đang ở ngã ba đường. Đây là một điều đáng lo ngại”, chuyên gia Hu nói thêm.

Từ lâu, Trung Quốc và Nhật Bản đã có nhiều căng thẳng liên quan tới chủ quyền tại Biển Hoa Đông. Cụ thể, quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Việc Trung Quốc bắt đầu thực thi luật hải cảnh mới, cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài mà Bắc Kinh cho là xâm phạm các vùng biển mà trước đó Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền, đã làm dấy lên lo ngại ở Nhật Bản.

Và khi Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Đài Bắc, bao gồm việc thường xuyên đưa máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không hòn đảo này thì giới chức Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Đài Loan.

Cuối tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng do hợp tác Nga - Trung và cho rằng cần phải "thức tỉnh" trước sức ép của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan, bảo vệ hòn đảo "như một quốc gia dân chủ".

Quan chức quốc phòng Nhật đặt câu hỏi liệu quyết định của nhiều quốc gia, gồm Nhật Bản và Mỹ, công nhận chính sách "Một Trung Quốc" từ những năm 1970 có còn phù hợp? Ông Nakayama cũng lưu ý rằng Nhật Bản và đảo Đài Loan có khoảng cách địa lý gần nhau, và nếu điều gì đó xảy ra ở Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Okinawa của Nhật, nơi các lực lượng Mỹ đang đóng quân.

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1.7 khẳng định sẽ hoàn thành “tái thống nhất” với Đài Loan tự trị, Phó Thủ tướng Nhật Bản Tara Asok khẳng định việc Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ "đe dọa sự tồn vong" của Nhật Bản và Tokyo có thể triển khai vũ lực để tự vệ.

“Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Tokyo có thể coi động thái này là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhật Bản và triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) để thực hiện quyền tự vệ tập thể”, ông Taro Aso cho hay.

Trước đó, trong một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã ra tuyên bố chung. Họ đã đề cập tới một loạt vấn đề địa chính trị trong tuyên bố chung. Trong đó đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đã nói về "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".

Đáng chú ý, mới đây nhất, Nhật Bản lần đầu tiên bày tỏ lo ngại trực tiếp đối với an ninh Đài Loan trong sách trắng quốc phòng được công bố hôm 13.7.

“Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải chú ý đến tình hình Đài Loan một cách sát sao nhất… Cán cân quân sự tổng thể giữa Trung Quốc và Đài Loan đang nghiêng về phía Trung Quốc và khoảng cách dường như đang tăng lên qua từng năm. Cần chú ý đến các xu hướng như sự tăng cường của các lực lượng Trung Quốc và Đài Loan, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và việc Đài Loan tự phát triển các thiết bị quân sự chính của mình”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định trong sách trắng thường niên.

Tuy vậy, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về chính sách đối với Đài Loan. Một quan chức quốc phòng đưa ra thông tin tóm tắt rằng, không giống như Mỹ và các đồng minh châu Âu, Nhật Bản sẽ không công nhận Trung Quốc là một “mối đe dọa an ninh” nhưng quan ngại về các chính sách quân sự của Bắc Kinh.

“Chúng tôi đã tiến hành phân tích mạnh mẽ về khả năng của Trung Quốc trong sách trắng, đặc biệt là về tên lửa đạn đạo, năng lực hạt nhân và tình hình trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”, vị quan chức này tiết lộ.

Theo tờ Financial Times, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Nhật Bản cũng đang tiến tới tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao với các cường quốc khác như Anh và Đức. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết cuộc tập trận chung giữa Nhật và Anh sẽ được tổ chức ở vùng biển ngoài khơi khu vực Sừng châu Phi.

“Người Nhật hiếm khi biểu hiện thẳng thừng đối với các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương. Không phải ngẫu nhiên mà lần lượt các chính trị gia Nhật Bản đã lên tiếng về Đài Loan. Luôn luôn có một phe gồm các chính trị gia Nhật Bản - những người duy trì quan hệ chặt chẽ với các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan. Giờ đây, những người này đang nắm giữ chức vụ cao, nắm giữ quyền lực đối với các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản trong khi những người ủng hộ Trung Quốc trong nội các không có tiếng nói”, Liu Jiangyong, một chuyên gia về vấn đề Nhật Bản tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh lo ngại Nhật Bản sẽ chọn Đài Loan