Luật sư cho rằng cơ quan công an cần điều tra (lấy lời khai, đối chất) để làm rõ những người trong ê kíp tổ chức livestream, các youtuber… có vai trò thế nào trong vụ án.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, ê kíp cùng livestream có liên đới?

Lam Thanh | 25/03/2022, 12:50

Luật sư cho rằng cơ quan công an cần điều tra (lấy lời khai, đối chất) để làm rõ những người trong ê kíp tổ chức livestream, các youtuber… có vai trò thế nào trong vụ án.

Chiều 24.3, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, CEO CTCP Đại Nam) về những hành vi kể trên. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Cơ quan công an cho biết bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.

ekip-2.jpg
Bà Nguyễn Phương Hằng liên tục thực hiện các buổi livestream nhắm vào nhiều cá nhân, tổ chức - Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 1 Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, người phạm tội sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo khoản 2 điều này, trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

"Căn cứ theo quy định trên thì tùy tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả mà có thể áp dụng khung hình phạt khác nhau, hình phạt cao nhất có thể đến 7 năm tù", luật sư Hùng nói.

Cũng liên quan đến vụ án này, các chuyên gia cho rằng ngoài khởi tố, điều tra làm rõ hành vi của bà Hằng, cơ quan công an có thể mở rộng vụ án. Theo đó, nếu cơ quan điều tra thấy hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng có tính tổ chức thì có thể điều tra, xác minh làm rõ thêm vai trò của những người liên quan.

Luật sư Trần Minh Hùng cho biết, pháp luật quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Theo ông Hùng, đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Ông Hùng cho rằng cơ quan công an cần điều tra (lấy lời khai, đối chất) để làm rõ những người trong ê kíp tổ chức livestream, các youtuber… có vai trò thế nào trong vụ án để đưa ra kết luận.

Trả lời báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), cũng cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò liên quan của những người trong ê kíp của bà Nguyễn Phương Hằng. Qua thu thập chứng cứ và tài liệu liên quan, nhà chức trách có thể làm rõ ai đã thu thập các nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác để bà Hằng phát ngôn trên mạng.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ đánh giá những hệ lụy mà hành vi của bà Hằng gây ra đối với xã hội, với Nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Theo luật sư Cường, nhiều buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đã tiết lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, cuộc sống đời tư của một số cá nhân. Ông Cường cho rằng ê kíp của bà Hằng đã thu thập, sử dụng trái phép và đưa các thông tin này lên mạng xã hội.

Do đó, ngoài khởi tố bà Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan điều tra có thể xem xét dấu hiệu của các hành vi vu khống, làm nhục người khác hay đưa, sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, ê kíp cùng livestream có liên đới?