Con sông Đăkđrinh (Quảng Ngãi) nghèo tôm cá đã bị "cụt ngọn" từ khi đập thủy điện chắn ngang. Ở đó, có ba người đàn ông mưu sinh trên hồ nước, hơi thở nghèo nàn còn ám vào những lớp sương núi giăng tràn buổi tinh mơ.

Ba người đàn ông nghèo trên một dòng sông ‘cụt ngọn’

Một Thế Giới | 12/03/2016, 06:00

Con sông Đăkđrinh (Quảng Ngãi) nghèo tôm cá đã bị "cụt ngọn" từ khi đập thủy điện chắn ngang. Ở đó, có ba người đàn ông mưu sinh trên hồ nước, hơi thở nghèo nàn còn ám vào những lớp sương núi giăng tràn buổi tinh mơ.

Đời nghèo, sông nghèo
Sông Đăkđrinh chảy từ huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, ngoằn ngoèo về bên ngả tây bắc huyện lỵ Sơn Tây (Quảng Ngãi). Năm 2014, đập thủy điện Đăkđrinh chính thức ngăn dòng phát điện và chuyển nước sang hướng khác. Từ đó sông bị chặn khúc. Hạ du của đập trồi lên cơ man nào là đá cuội, đá tảng; lộ luôn cái nghèo của dòng sông.
Ấy là những lúc tôi lên xứ Sơn Tây, ngửa lên trời xem cây trái thì chỉ thấy cau, nhòm xuống sông thì có con cá niên. Bạn tôi bảo cá niên là đặc sản của sông Đăkđrinh, cũng là miền tây Quảng Ngãi này. Con cá vừa ăn ngon to chừng 2-3 ngón tay chụm lại. Bạn bày, ăn nguyên con cá, cả cái ruột đắng đầy vị rêu bám đá dưới sông mới là ăn cá niên. Ngoài ra, sông chẳng có con cá nào ngon hơn cả. Thế nên mới nói sông nghèo.
Ba nguoi dan ong ngheo tren mot dong song ‘cut ngon’-hinh-anh-1
 Hồ thủy điện Đăkđrinh- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Hồ thủy điện Đăkđrinh là dự án điện có công suất lớn nhất trong quy hoạch bậc thang thủy điện sông Trà Khúc, con sông lớn nhất Quảng Ngãi, với tổng công suất 125MW. Từ khi hồ thành hình, nước dâng nhấn chìm núi thành đảo, Kon Tum gần Quảng Ngãi hơn. Trên sông xưa không mấy cảnh đò chèo ngang dọc thì nay đã có những ngư ông đúng nghĩa dong thuyền thả lưới. Lác đác trên vài hòn đảo là vài người dân trú ngụ để đánh cá mưu sinh.
Người Sơn Tây bảo tôi, ở đây một ngày có đủ các mùa trong năm: sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông. Tranh thủ "mùa hè", chúng tôi leo lên chiếc đò có gắn máy tròng trành ra hòn đảo giữa hồ, nơi có 3 người đàn ông đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá.
Ba người đàn ông đó là anh em ruột, khăn gói kéo nhau từ thôn Đông Hòa (xã Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lên giữa hồ sâu trong các lớp núi này kiếm ăn đã hơn một năm. Anh cả tên là Hạ Văn Tĩnh (SN 1983), anh thứ tên Hạ Văn Trưởng (SN 1986), em út là Hạ Văn Minh (SN 1988).
Ba nguoi dan ong ngheo tren mot dong song ‘cut ngon’-hinh-anh-2
 Ba anh em Tĩnh (bìa phải), Trưởng (bìa trái) và Minh (giữa) trong giấc ngủ trưa- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Gần như con sông và những người đàn ông đều nghèo, nên quấn lấy nhau. Anh Tĩnh kể: “Ở quê nghèo lắm, nhà ba mẹ đông con, mấy đám ruộng cày cấy không đủ nộp sản phẩm chứ chưa nói có dư. Cha mẹ cho học được chừng nào hay chừng ấy, có đứa xong 12, có đứa thêm tí trung cấp”.
Học xong, không có việc nên Tĩnh ở nhà đi bán gà bán heo, 33 tuổi mới lấy được vợ. Trưởng được đi học trung cấp tàu thủy nhưng không xin được việc làm nên cũng đành gác kiến thức lên giàn bếp mà khăn gói lên Tây Nguyên đi "nhảy hồ" đánh cá. “Em theo người quen lên hồ thủy điện Yaly đánh bắt. Trên đó cơ man nào là cá, người ta lập làng luôn, đêm trên hồ đèn sáng trưng. Cũng có lúc qua Sa Thầy, Kon Tum đánh bắt. Nói chung chăm chỉ nên có chút dư. Nhưng xa quê, xa vợ con quá nên được hai năm cũng phải quay về, đó là khoảng vào năm 2011”, Trưởng kể.
Lại theo nghề anh trai, Trưởng ra chợ thu mua gà, heo lên các xã vùng cao Quảng Ngãi bán buôn. Lời lãi đâu chẳng thấy mà chân tay rụng rời trên những quãng đường xa cơ cực.
Thấy có hồ thủy điện Đăkđrinh mới thành, vậy là hai anh em rủ nhau bỏ gà lợn, gom tiền sắm lưới sắm thuyền, về quê kéo luôn đứa em út đang không có việc lên dựng chòi trên đảo quyết chí làm ăn.
“Sông nhiều cá không?”, tôi hỏi. “Chỉ có mỗi cá rô phi lưỡng tính, cá chép thôi; những con cá rô hằng năm được chính quyền thả giống đẻ nhanh lắm”, anh Tĩnh tiếp lời. “Không còn cá tôm gì khác à?”. “Có cá tràu, nhưng giờ cũng hết rồi”.
Ba nguoi dan ong ngheo tren mot dong song ‘cut ngon’-hinh-anh-3
 Ba anh em chuẩn bị cho buổi thả lưới buổi chiều.
Đúng cái con sông nghèo thật. Chả bù lúc tôi lên phía hạ lưu sông Sê San, con sông chằng chịt thủy điện nối đến tận biên giới Lào. Ở đó người miền Tây lên lập làng nổi, người Huế lên mưu sinh cụm thành những xóm đò, trên gò cao là những thôn nhỏ…họ đánh bắt đủ loại cá bống, cá anh vũ, cá lăng nhiều vô kể. Con sông trù phú như miền đất Tây Nguyên vậy. Nhìn lại dòng sông chảy về xuôi ở eo miền Trung này thấy thương đến tội nghiệp.
Những cuộc đời lặng lẽ như dòng sông
Cái đảo mà ba anh em Tĩnh, Trưởng, Minh cắm lều mưu sinh đã nhiều lần ngập nước do thủy điện chặn dòng. Hôm tôi lên cái trại 3 anh còn làm dang dở trên dốc đồi nham nhở cây cỏ. Ba anh em phải nằm võng, căng bạt che mưa nắng, nhường cái sàn nứa cho khách. Nấu nướng, giặt giũ, tắm rửa đều xuống dưới bến nước. Buổi chiều nhập nhoạng, ba anh em trên 3 chiếc thuyền lá chèo đi rải lưới ở xa bên kia Kon Tum. Tối nhá nhem, ai vớ thêm được củ sắn, con cá thì về có bữa ngon.
Ba nguoi dan ong ngheo tren mot dong song ‘cut ngon’-hinh-anh-4
 Ba người đàn ông chuẩn bị bữa cơm tối cho mình- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Anh Tĩnh kể khởi nghiệp lúc đầu của 3 anh em chỉ có 10 tấm lưới mười và chiếc thuyền nhôm. Sau tích cóp dần mua thêm được 20 tấm lưới và 2 chiếc thuyền nữa. Tổng chi phí cũng đã hàng chục triệu. Mỗi ngày, tùy vào hên xui mà bắt được khoảng 30-40kg cá rô. Trước đây chưa có nhiều người bắt bán thì 1kg cá rô có giá 40.000 đồng, mỗi ký cá chép 50 ngàn; nay giá không lên mà còn hạ xuống.
“Chiều đi thả lưới. Tối về nấu ăn. Xong thì nghe nhạc từ chiếc điện thoại của chú út. Còn không thì gọi điện về hỏi thăm vợ con một tí. Rồi ngủ. 2 giờ sáng dậy đi gỡ cá đến tảng sáng vào huyện lỵ bán cho người dân. Huyện ít người, nên bán cũng chẳng hết lại phải đi rong rảo khắp các khu tái định cư bán cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cứ thế, ngày nào cũng thế”, anh Tĩnh kể.
“Vậy cũng nhàng nhàng nhỉ?”, tôi không khỏi thắc mắc. “Thì vậy thôi, ngày qua ngày”. “Ba anh em chung một chí hướng lên đây, lại ngày qua ngày lặng lẽ với nhau, cũng hiếm!?”. “Thì nói chung nghèo đói cả, phải quấn lấy nhau mà kiếm ăn thôi. Tui với chú Trưởng còn có gia đình chứ chú út còn tuổi yêu đương mà xa nhà vất vả biệt tăm trong núi thế này cũng tội nó lắm”, anh Tĩnh trầm ngâm. “Ở nhà vợ con các anh sao?”. “Làm lặt vặt nuôi con. Thỉnh thoảng tháng, hai tháng chi đó, anh em lại đổi ca cho nhau, một người về, 2 người ở lại làm”.
Ba nguoi dan ong ngheo tren mot dong song ‘cut ngon’-hinh-anh-5
 Chuyến gỡ cá rạng sáng của 3 anh em. Cá ở đây chủ yếu là rô phi lưỡng tính được thả giống.
“Một ngày tính trung bình ra 3 anh em làm được mấy tiền?”. “Tùy theo tháng, nhưng chung lại thì người khoảng 150 ngàn đồng/ngày. Có ngày chẳng bắt được con cá nào. Tằn tiện cũng đủ mua gạo cho con. Chứ làm đây tiền chi phí cũng lớn, lưới rách thường xuyên vì dưới hồ cây rất nhiều”.
Chúng tôi ngủ trong cái chòi trên hòn đảo giữa lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, dưới chân là một đống củi rừng cháy rừng rực vậy mà cảm giác như có ai bật điều hòa chỉa thẳng dưới đất lên lưng mình. Tôi với anh bạn quay quắt vì lạnh thấu, chập chờn đến cả chục lần trong giấc ngủ đứt quãng.
Đêm trên núi về rất sâu. Mấy chòm sao sang canh cũng chuếnh choáng bởi lạnh. Giữa hồ đầy sương giá, tiếng con chim rừng mớ ngủ kêu khô khốc. 
Lúc này, ba người đàn ông đã bấm nhau trở dậy, lặng lẽ xuống thuyền cho mẻ cá ngày mới. Những cuộc đời lặng lẽ như dòng sông.

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba người đàn ông nghèo trên một dòng sông ‘cụt ngọn’