Tại phòng khám chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc: Khởi đầu bé than đau họng nhưng sau đó phải đi khám những “bệnh nặng” như khớp, tim, thận hoặc phải xử trí Amidan đã bưng mủ.

Ba bước xử trí đúng đắn khi trẻ than “con đau họng quá”

28/11/2013, 10:53

Tại phòng khám chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc: Khởi đầu bé than đau họng nhưng sau đó phải đi khám những “bệnh nặng” như khớp, tim, thận hoặc phải xử trí Amidan đã bưng mủ.

Bác sĩ Phan Quốc Bảo, Bệnh viện Đại học y dược TP. HCM cơ sở 2 cho biết:
Các bậc cha mẹ thường nghe con trẻ than phiền "con bị đau họng", liền đánh giá về mức độ nặng nhẹ (hoàn toàn chủ quan) mà có cách xử lý, thường sẽ là: cho trẻ súc miệng nước muối, hoặc tự cho trẻ uống thuốc giảm đau nào đó có sẵn, hoặc ra hiệu thuốc gần nhà "mua một liều thuốc ho, đau họng", và cuối cùng mới là đưa trẻ đến cho bác sĩ khám.

Nói tóm lại, trong hầu hết trường hợp thì đa số cha mẹ đều cho rằng đau họng ở trẻ em chỉ là bệnh vặt thông thường, không quá đáng ngại, thuận tiện thì đến cho bác sĩ khám, không thì tự mua ít thuốc uống cũng khỏi. Vậy sự thật là như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần biết rằng "đau họng" là bị đau khi nuốt hoặc khi nói, là triệu chứng chung của khá nhiều bệnh lý của các bộ phận ở khu vực hầu-họng-thanh quản.

Tình trạng bệnh có thể chỉ là nhẹ nhàng nếu là viêm họng hoặc Amiđan do thay đổi thời tiết, do trẻ la hét nhiều hoặc uống nước đá quá nhiều.

Thế nhưng đằng sau than phiền đau họng chung chung có thể là một tình trạng nhiễm trùng nặng hơn của họng hoặc Amidan. Trong các trường hợp này, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm và đúng thì hậu quả không chỉ dừng lại ở múc độ sốt cao-đau họng mà độc tố vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận ở xa hơn như gây tổn thương lâu dài ở các khớp, van tim, hoặc thận.
Đặc biệt nguy hiểm là các trường hợp áp-xe thành sau họng hoặc viêm thanh quản cấp phù nề ở trẻ em, nhất là trẻ em nhỏ.
Khởi đầu, chỉ là sốt và đau họng chung chung như một ca viêm họng đơn giản nhưng nếu không được phát hiện và điều trị tích cực sớm thì sự sưng nề của khối mủ (trong áp-xe thành sau họng) hoặc của thanh quản sẽ nhanh chóng bít tắc đường thở. Lúc đó thì khả năng tử vong sẽ cực kỳ cao, trẻ càng nhỏ thì tỉ lệ tử vong càng lớn.

Và một sự thật hiển nhiên là những bệnh lý nặng nề "nấp" sau biểu hiện "đau họng" đơn giản vừa nói trên đây chỉ có thể được phát hiện và chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa, những người được đào tạo và có dụng cụ để thăm khám.

Như vậy, "đau họng" ở trẻ em không phải hoàn toàn lúc nào cũng là loại bệnh vặt không đáng lo ngại, mà có khả năng nó là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh nghiêm trọng hơn. Vậy đâu là cách xử trí đúng đắn, thưa bác sĩ?

Chính vì vậy, cách thức đúng đắn nhất khi trong gia đình có trẻ than phiền "đau họng" là chúng ta có thể cho trẻ:

  1. Súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý (Natri Chloride 0.9%, có bán trong các nhà thuốc) hoặc các loại thuốc súc miệng phù hợp lứa tuổi của trẻ, hoặc đơn giản là súc họng với nước lọc sạch.
  2. Tạm thời có thể cho trẻ uống Paracetamol với liều phù hợp để giảm đau hạ sốt.
  3. Và sau đó nên thu xếp sớm đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng hoặc chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Không để tình trạng đi xa hơn.

Thưa bác sĩ, còn những việc không được làm là gì?

Tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh - kháng viêm nếu cha mẹ không phải là nhân viên y tế.

Cũng vậy, không nên nói sơ qua triệu chứng "đau họng" của trẻ với nhân viên bán thuốc để họ bán vài loại thuốc gì đó rồi về cho con uống, vì bản thân người bán thuốc không hề được đào tạo về khám chữa bệnh. Đây là tình trạng rất rất phổ biến ở nước ta, thói quen này rất có hại cho trẻ và cả người lớn, chẳng hạn như lờn thuốc.

Cuối cùng, quý cha mẹ có thể nhớ: Vừa rồi chúng ta nói về chuyện "đau họng ở trẻ em" nhưng các kiến thức đó cũng đúng và hoàn toàn có thể áp dụng với cả người lớn.

Cám ơn bác sĩ.

Dư Khanh thực hiện (Theo BS Phan Quốc Bảo, Bệnh viện Đại học y dược TP. HCM cơ sở 2).
Ảnh bìa: "Cuối tháng 11 là thời điểm xuống thấp của các bệnh về đường hô hấp nhưng nay các bệnh về hô hấp lại tăng khoảng 12%”, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết. (Ảnh: Hồ Quang)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba bước xử trí đúng đắn khi trẻ than “con đau họng quá”