Việc Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự chống tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh đã khiến một nửa dân số người gốc Armenia di tản sang nước láng giềng.

Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự khiến một nửa dân số khu tự trị di tản

Hoàng Vũ (theo Reuters) | 28/09/2023, 23:00

Việc Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự chống tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh đã khiến một nửa dân số người gốc Armenia di tản sang nước láng giềng.

Theo Reuters, chính phủ Armenia cho biết tính đến sáng ngày 28.9, đã có tới hơn 65.000 trong tổng số 120.000 người dân vùng Nagorno-Karabakh di cư tới lãnh thổ nước này, trong đó có khoảng 17.000 trẻ em.

di-tan.png
Những người di cư từ Nagorno-Karabakh trên một chiếc xe tải đến làng biên giới Armenia - Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin, khoảng 70.500 người đã vượt biên giới từ Karabakh sang Armenia vào chiều cùng ngày. Làn sóng di tản này bùng phát sau khi quân đội Azerbaijan tuần trước tiến hành một chiến dịch quân sự chớp nhoáng ở Nagorno-Karabakh khiến lực lượng ly khai đã hạ vũ khí và tiến hành giải tán.

Chính quyền người gốc Armenia ở Karabakh hôm 28.9 cho biết họ đang giải thể tiểu bang ly khai mà họ đã bảo vệ chống lại Azerbaijan trong ba thập kỷ. Ông Samvel Shahramanyan, lãnh đạo Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng đã ban hành sắc lệnh “giải thể tất cả các tổ chức nhà nước và các chi nhánh của chúng trước ngày 1.1 năm 2024”.

Theo sắc lệnh, cư dân trong khu vực, bao gồm cả những người đã rời đi, nên “làm quen với các điều kiện tái hòa nhập do Cộng hòa Azerbaijan đưa ra” và đưa ra quyết định độc lập về việc có nên quay lại Nagorno-Karabakh hay không.

Sắc lệnh nêu rõ việc giải thể “có liên quan đến tình hình quân sự - chính trị khó khăn hiện nay” và nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dân Nagorno-Karabakh, đồng thời tính đến thỏa thuận do Nga làm trung gian với Azerbaijan. Tuyên bố cho biết điều này cho phép cư dân của khu vực ly khai, bao gồm cả binh sĩ đã hạ vũ khí, được đi lại tự do.

Elin Suleymanov, đại sứ Azerbaijan tại Anh, cho biết hôm 28.9 rằng Baku không muốn một cuộc di cư hàng loạt của người dân tộc Armenia khỏi Nagorno-Karabakh và không khuyến khích bất kỳ ai rời khỏi khu vực "được giải phóng".

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Suleymanov cho biết Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát khu vực tự trị Karabakh vào tuần trước trong một chiến dịch quân sự song vẫn chưa có cơ hội để chứng minh cam kết thực sự của Azerbaijan trong việc cung cấp điều kiện sống an toàn và tốt hơn cho những người dân tộc Armenia đang sinh sống.

Ông Suleymanov cũng đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội mong muốn người dân tộc Armenia ở lại và trở thành một phần của Azerbaijan đa sắc tộc. Đại sứ Azerbaijan tại Anh nói rằng ông hiểu tại sao nhiều thường dân sợ hãi, nhưng những người chọn ở lại sẽ được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng lại theo kế hoạch.

“Azerbaijan nên làm gì? Chúng tôi không thể giữ họ bằng vũ lực, chúng tôi không muốn giữ bất kỳ ai bằng vũ lực, (nhưng) chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai rời đi. Chính quyền Azerbaijan đã cung cấp y tế, nhiên liệu theo yêu cầu cùng các vật dụng thiết yếu khác. Chúng tôi muốn mọi người ít nhất có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc họ có muốn ở lại hay không. Cho đến nay, Azerbaijan chưa có cơ hội nào để chứng minh bất cứ điều gì vì thời gian rất ngắn”, quan chức ngoại giao Azerbaijan cho hay.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan hôm 28.9 cũng kêu gọi người Armenia ở Karabakh không rời bỏ nhà của mình và trở thành một phần của xã hội Azerbaijan.

“Nếu bất kỳ bộ phận người dân Armenia nào không muốn sống và tuân theo luật pháp chính quyền Azerbaijan, chúng tôi không thể ép buộc họ làm điều này. Ngược lại, chúng tôi kêu gọi người dân Armenia không rời khỏi nơi cư trú của mình và trở thành một phần của xã hội đa sắc tộc Azerbaijan", Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết ngày 28.9.

Được biết, Nagorno-Karabakh nơi dân số đa phần là người Armenia đã tách khỏi Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã. Khu vực này chứng kiến một cuộc chiến tranh lớn giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai thân Armenia từ năm 1988 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn vào năm 1994.

Kể từ đó, lực lượng hai bên cũng đã nhiều lần đụng độ đẫm máu, với đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020 cũng dẫn đến việc hàng nghìn binh lính tử nạn. Nga sau đó đã triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến vùng Nagorno-Karabakh sau lệnh ngừng bắn năm 2020.

Sau khi Azerbaijan hoàn thành chiến dịch quân sự, Bộ Quốc phòng Nga hôm 20.9 đã thông báo vai trò trung gian của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh đã giúp đại diện Azerbaijan và các lực lượng người sắc tộc Armenia đạt thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.

Nga, phương Tây, và Armenia phản ứng ra sao?

Đức và Mỹ đã hối thúc đưa các quan sát viên độc lập vào khu vực ly khai này. Ngoại trưởng Đức Baerbock hôm 27.9 kêu gọi Azerbaijan cho phép các quan sát viên quốc tế vào Nagorno-Karabakh để chứng minh cam kết của Baku trong việc bảo vệ dân thường sống ở khu vực này.

anh-ve-tinh.png
Ảnh vệ tinh cho thấy hàng dài phương tiện giao thông của người gốc Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh - Ảnh: Reuters

Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng đã tới Azerbaijan để thảo luận về tình hình nhân đạo ở Nagorno-Karabakh cũng như việc Azerbaijan thực hiện các cam kết họ đã đưa ra.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 26.9 đã gặp gỡ người đồng cấp Ilham Aliyev của Azerbaijan. Tại cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan bày tỏ tin tưởng rằng tiến trình tái hòa nhập của người Armenia ở Nagorny-Karabakh vào xã hội Azerbaijan sẽ thành công.

Lý giải tình trạng di cư ồ ạt của người dân khu vực Nagorno-Karabakh, chính phủ Armenia cho biết, những người gốc Armenia đi khỏi vùng này do lo ngại bị trả đũa sau khi quân đội Azerbaijan đã kiểm soát được khu vực này thông qua chiến dịch quân sự.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trước đó đã cảnh báo về "sự thanh lọc sắc tộc" trong khu vực và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động. Ông Pashinyan chỉ trích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không can thiệp khi Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng để giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Phía Nga sau đó đã phủ nhận các cáo buộc.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28.9 đã bình luận về tình trạng những người dân tộc Armenia di tản ồ ạt khỏi Nagorno-Karabakh.

"Thật khó để nói bên nào chịu trách nhiệm về cuộc di cư, không có lý do trực tiếp nào cho những hành động như thế. Tuy nhiên, mọi người vẫn bày tỏ mong muốn rời đi... Những người đưa ra quyết định như thế phải được cung cấp điều kiện sống bình thường... Chúng tôi đã nắm bắt và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân", ông Peskov cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI
3 phút trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự khiến một nửa dân số khu tự trị di tản