Chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam, việc xếp trà vào nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng nên cân nhắc, vì đây là hàng hóa rất cần thiết và thông dụng trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trà có lợi cho cơ thể và Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất được rất nhiều chè.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, rau quả có 100% tự nhiên) là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, Bộ đề ra 2 phương án (Phương án 1: mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng là 10% từ năm 2019 và phương án 2 là 20% từ năm 2019).
Bộ Tài chính lý giải đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu dùng đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường.
Dẫn ra thống kê, Bộ Tài chính cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm đến 25% dân số. Ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì đã tăng nhanh từ 0,6% năm 2.000 đã tăng lên 5,3% vào năm 2015, tức hơn 8 lần sau 15 năm. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ… mà việc lạm dụng nước ngọt là căn nguyên.
Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, Bộ Tài chính cho biết các nước trong khu vực đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Như ở Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440 cc. Lào hiện cũng thu thuế TTĐB với nước ngọt khoảng 5 – 10% còn Campuchia hiện áp thuế với nước ngọt là 10%.
Ba nước ASEAN cũng đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso/lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah/lít).
Ở châu Âu, theo Bộ Tài chính mức thuế còn cao hơn. Ví dụ nước ngọt được chính phủ Pháp áp thuế với mức tuyệt đối là 0,72 eu/lít, ở Phần Lan là 0,75 eu/lít, Hungary là 0,04 eu/chai hoặc lon nước,…
Việc Bộ Tài chính đưa nhiều mặt hàng thông dụng như trà, cà phê đóng gói vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có nhiều ý kiến không đồng tình. Hầu hết ý kiến cho rằng đây là những mặt hàng rẻ tiền, thông dụng, góp phần tỉnh táo trước mỗi ngày làm việc chứ không phải xa xỉ phẩm hay có hại cho sức khỏe nên không cần thiết phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, xét ở một số phương diện thì trà, cà phê cũng có thể xem nó là hàng hóa đặc biệt với môt bộ phận dân cư chứ không phải đại trà. Trên thế giới cũng có một số nước xếp trà vào dạng hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, còn cà phê thì rất nhiều quốc gia áp dụng.
Chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam, việc xếp trà vào nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt cũng nên cân nhắc, vì đây là hàng hóa rất cần thiết và thông dụng trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trà có lợi cho cơ thể. Hơn nữa, Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất được rất nhiều chè. Cho nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà thì cần có những xem xét, cân nhắc hợp lý. Một số quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà chủ yếu là họ phải nhập khẩu mặt hàng này.
“Chúng ta cũng có một thời gian xem chè như một hàng hóa đặc biệt. Thời bao cấp, giá trị của chè cũng tương đối lớn, thậm chí những người buôn chè hay mang nhiều chè trong người có thể bị bắt”, ông Thịnh chia sẻ.
Hoài Phong