Đến 16 giờ ngày 12.9, tâm áp thấp nhiệt đới còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Các tỉnh miền Trung đang mưa rất to, nhiều phương án phòng chống đã được các địa phương dồn dập triển khai.

Áp thấp nhiệt đới sắp thành bão, các tỉnh miền Trung dồn dập phòng chống bão

Lê Đình Dũng | 12/09/2016, 18:52

Đến 16 giờ ngày 12.9, tâm áp thấp nhiệt đới còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Các tỉnh miền Trung đang mưa rất to, nhiều phương án phòng chống đã được các địa phương dồn dập triển khai.

Đà Nẵng họp khẩn

Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, chiều 12.9, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Từ sáng hôm nay, nhiều tuyến đường ở thành phố này đã ngập sâu, Sở GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ sáng ngày mai (13.9).

Đường phố Đà Nẵng đã ngập sâu từ trưa nay.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở đã quán triệt học sinh, phụ huynh hạn chế đi lại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho học sinh trước, trong và sau khi bão vào. Cho phép học sinh nghỉ học ngày 13.9, nếu tình hình diễn biến phức tạp thì thủ trưởng các đơn vị, trường học theo dõi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của các cấp có thẩm quyền để tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Thông báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủyvăn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 12.9,vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 12.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Ảnh hưởng mạnh do áp thấp nhiệt đới, từ sáng nay, các tuyến phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu ngập diện rộng như Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Núi Thành, Phan Đăng Lưu…

Quảng Nam: Đề phòng lũ quét, sạt lở

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công điện yêu cầu huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó với bão.

Các địa phương phải khẩn trương rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt tại các vị trí có khả năng có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh); sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân triệt để đến nơi an toàn.

Nông dân Quảng Nam đang thu hoạch mì trước khi bão vào.

Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tàu thuyền tránh bão; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản đến nơi an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Tàu thuyền của các tỉnh miền Trung đã vào bờ tránh trú bão.

Sở GD-ĐT, các địa phương và các trường ĐH, CĐ chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học cho đến khi bão tan.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt.

Quảng Ngãi: Tạm dừng tất cả hội họp chống bão

Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tính đến 10 giờ ngày 12.9 cho hay, số tàu cá của Quảng Ngãi còn đang hoạt động trên các vùng biển là 1.182 tàu/9.982 lao động, cụ thể vùng biển quần đảo Hoàng Sa: 79 tàu/821 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa: 190 tàu/3.251 lao động; các tỉnh phía Bắc: 399 tàu/2.557 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam: 171 tàu/1.060 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi: 343 tàu/2.293 lao động.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đã có công điện yêu cầu tạm dừng tất cả các cuộc hội, họp chưa cần thiết để tập trung triển khai các biện pháp ứng phó. Nghiêm cấm các tàu thuyền xuất bến ra biển, kể cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại từ 14 giờ ngày 12.9; yêu cầu 343 tàu thuyền với 2.293 lao động đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương vào bờ trước 15 giờ ngày 12.9.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chỉ đạo các sở ngành địa phương triển khai ngay phương án ứng phó, trong đó nhấn mạnh đến việc theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ để kịp thời thông tin, cảnh báo và chủ động phòng tránh, ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

Các địa phương ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ tàu thuyền, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu hoạt động ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng,vào bờ tránh trú an toàn.

Khả năng mưa lớn kéo dài nên cần tăng cường theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển, các khu vực có nguy cơ ngập úng, vùng hạ du các hồ chứa nước để chủ động triển khai các biện pháp di dời, sơ tán nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để xử lý các sự cố do thiên tai khi có yêu cầu...

Tin phát đi lúc 16 giờ 30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủyvăn Trung ương cho hay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa giông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài ra, từ 12.9 đến khoảng ngày 14.9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa giông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Lê Đình Dũng-Sông Lam-D.X
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp thấp nhiệt đới sắp thành bão, các tỉnh miền Trung dồn dập phòng chống bão