Các chuyên gia cho rằng lạm phát cả năm 2023 vẫn ở mức 3,5 - 3,8%, thấp hơn nhiều so với dự tính 4,5% của Chính phủ.
Theo đánh giá mới nhất của HSBC, trong khi tăng trưởng ghi nhận một số tin vui, các rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại. Đà lạm phát đã tăng nhanh trong 2 tháng qua, đẩy tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước tiến gần hơn đến mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Áp lực tăng đến từ đợt tăng giá liên tục trên thị trường dầu và gạo, vốn chiếm phần lớn trong rổ CPI của Việt Nam.
Mặc dù HSBC không kỳ vọng lạm phát bình quân sẽ vượt mức trần 4,5%, nhưng lạm phát tăng cao cũng làm thay đổi quan điểm của HSBC về động thái tiếp theo của NHNN.
Theo đó, mặc dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0%, HSBC nâng dự báo lạm phát bình quân lên 3,4%, từ mức 3,2%.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá dầu tăng trở lại như xu hướng những tháng gần đây chưa gây trở ngại đối với việc kiểm soát lạm phát. Với giả định giá dầu ở mức bình quân 95 USD/thùng trong quý 4/2023 thì giá dầu bình quân cả năm 2023 vẫn thấp hơn 14,2% so với năm trước.
Ngoài ra, yếu tố tăng giá đẩy lạm phát chung trong tháng 9 tăng cao (ngoài việc giá xăng dầu và giá gạo tăng) thì còn có thêm ảnh hưởng của chi phí giáo dục, vốn có tính mùa vụ và mức tăng cao trong tháng 9 sẽ không tiếp diễn trong các tháng tiếp theo.
Nhìn về sức cầu trong nước, VDSC cho rằng lạm phát do cầu kéo trong giai đoạn hiện tại là không đáng kể.
Do đó, đơn vị này cho rằng lạm phát cả năm 2023 vẫn ở mức 3,5 - 3,8%, thấp hơn nhiều so với dự tính 4,5% của Chính phủ.
Tổng cục Thống kê nhận định các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong các tháng cuối năm có thể kể đến như: Lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1.7.2023 tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm cùng với các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng. Thiên tai và dịch bệnh diễn ra có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị ảnh hưởng.
Ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng áp lực lạm phát những tháng còn lại năm 2023 không quá lớn, nhưng cũng không thể chủ quan. Lý do là kinh tế thế giới vẫn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới lạm phát Việt Nam, ví dụ lạm phát toàn cầu vẫn cao, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ… tăng có thể thúc đẩy cầu về tiêu dùng tăng.
Vì vậy, theo ông Thịnh, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội thì cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ông Thịnh dự báo, nếu các cân đối vĩ mô vẫn giữ ổn định, các điều kiện không phải quá tốt, thì lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%, tăng trưởng 6,3 - 6,7%. Còn nếu thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và các chi phí khác không tăng quá cao thì có thể đạt mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5 - 3,8%.
Dự báo lạm phát giai đoạn 2023 - 2025, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng các yếu tố hỗ trợ đang chiếm ưu thế.
Với kịch bản cơ sở, CPI bình quân thời kỳ 2023-2025 tăng 3,5 - 3,7% (giá xăng dầu trong nước giảm, giá hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định; giá hàng hóa tiêu dùng gia đình tăng nhẹ 5 - 7%; giá hàng hóa do nhà nước quản lý tăng bình quân khoảng 5%; yếu tố tiền tệ dự kiến tương đương năm 2023 và trong tầm kiểm soát).
Với kịch bản tích cực, CPI bình quân thời kỳ 2023-2025 tăng 3 - 3,3% (giá xăng dầu giảm mạnh nhờ giá hàng hóa thế giới thấp hơn dự kiến; giá nhiều hàng hóa thiết yếu giảm; giá các mặt hàng do nhà nước quản lý tăng thấp hơn dự kiến (dưới 5%), tăng trưởng tín dụng thấp hơn kịch bản cơ sở (chỉ khoảng 9 - 10%)…).
Với kịch bản tiêu cực, CPI bình quân thời kỳ 2023-2025 tăng 3,5 - 4% (hoặc có thể cao hơn) nếu tính đến giá xăng dầu trong nước tăng (do dư địa giảm thuế phí thu hẹp, giá dầu thế giới ở mức cao hơn dự báo hoặc mức giảm chỉ dưới 5%); giá một số mặt hàng tiêu dùng gia đình tăng (nhu cầu tăng, thu nhập tăng cùng với đà phục hồi kinh tế; chi phí vận tải, logistics tăng trở lại...); giá các mặt hàng do nhà nước quản lý tăng mạnh hơn dự kiến (cao hơn 5% và tăng cùng một thời điểm); cung tiền, tỷ giá tăng cao hơn kịch bản cơ sở, tác động làm CPI tăng thêm 0,4 - 0,6 điểm % hoặc cao hơn.