Sau khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, một số tòa án địa phương đã có những quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) gây tranh cãi.

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS 2015: Cần được hướng dẫn

HỒ NGỌC DIỆP | 01/08/2017, 16:41

Sau khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, một số tòa án địa phương đã có những quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) gây tranh cãi.

Đáng chú ý là trường hợp Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa cấm xuất cảnh đối với ông Nguyễn Minh Hùng (57 tuổi, quốc tịch Mỹ, tạm trú TP.Nha Trang, Khánh Hòa) vì liên quan đến một vụ án dân sự mà tòa này đang thụ lý giải quyết (báo Pháp luật TP.HCM ngày 6.3 đã có bài phản ánh). Và trường hợp thứ hai là việc TAND quận 5, TP.HCM ra quyết định buộc báo Giao thông không được tiếp tục đăng bài viết về hoạt động của Công ty Thành Bưởi liên quan đến vụ kiện tranh chấp về hoạt động nghiệp vụ báo chí giữa hai đơn vị này.

Cấm xuất cảnh trong trường hợp nào?

Theo tinh thần quy định tại Điều 128 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì biện pháp cấm xuất cảnh chỉ có thể được áp dụng khi (và chỉ khi) việc xuất cảnh của đương sự có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm cho việc thi hành án.

Vậy, thế nào là “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án”?

Mặc dù cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể, thế nào là “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, theo tinh thần chung của điều luật, cụm từ“có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” được hiểu là những trường hợp mà nếu đương sự xuất cảnh thì việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không thể thực hiện được.

Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi ly hôn, trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về việc nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Trong trường hợp này, nếu người cha hoặc mẹ xuất cảnh mang theo cả con đã trên 7 tuổi thì khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ không xác định được nguyện vọng của con. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

Một ví dụ khác, trong vụ án “Xác nhận cha cho con”, để có cơ sở giải quyết vụ án, tòa án cần phải tiến hành việc trưng cầu giám định ADN đối với người cha. Trong trường hợp này, nếu người cha xuất cảnh thì việc lấy mẫu ADN sẽ không thực hiện được. Vì vậy, Tòa án cần phải áp dụng biện pháp KCTT “Cấm xuất cảnh” đối với đương sự để phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Như vậy, nếu việc xuất cảnh của đương sự không thuộc những trường hợp nêu trên (hoặc có tính chất tương tự) thì Tòa án không thể lấy lý do “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” để áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với họ.

Mặt khác, nếu xét thấy việc xuất cảnh của đương sự sẽ ảnh hưởng đến quá trình xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án, thì sau khi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh để xác minh, thu thập chứng cứ xong, tòa án cũng cần áp dụng điểm e khoản 1 Điều 138 BLTTDS để hủy bỏ việc áp dụng biện pháp KCTT, chứ không thể kéo dài cho đến khi kết thúc vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng.

Riêng đối với vấn đề đảm bảo cho việc thi hành án thì có thể thấy rằng, mặc dù BLTTDS năm 2015 quy định rất nhiều biện pháp KCTT để đảm bảo cho việc thi hành án, nhưng nghĩa vụ dân sự, tựu trung chỉ có hai loại. Một là, nghĩa vụ về tài sản, hai là nghĩa vụ "làm hoặc không làm một việc".

Thực tiễn xét xử cho thấy, để đảm bảo cho việc thi hành án đối với các nghĩa vụ về tài sản, tòa án thường áp dụng các biện pháp KCTT liên quan trực tiếp đến tài sản, như: phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ hoặc kê biên tài sản đang tranh chấp… mà không áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Bởi lẽ, việc cấm xuất cảnh không phải là cơ sở để đảm bảo cho việc thi hành án liên quan đến các nghĩa vụ về tài sản, mà biện pháp này chỉ có thể đảm bảo cho việc thi hành án đối với các nghĩa vụ thuộc dạng “làm hoặc không làm một việc” và công việc đó, có liên quan trực tiếp đến nhân thân của người có nghĩa vụ.

Chẳng hạn, A khởi kiện yêu cầu B phải xin lỗi công khai vì có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của A. Trong trường hợp này, nếu B xuất cảnh sẽ không đảm bảo việc thi hành án (xin lỗi A) nên tòa án cần phải ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với A.

Một ví dụ khác, B khởi kiện yêu cầu C phải trả lại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do UBND quận X cấp cho B. Vì đối tượng của nghĩa vụ trong trường hợp này là “làm một việc” và việc làm đó phải do chính C thực hiện, nên để đảm bảo cho việc thi hành án, tòa án phải ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với C.

Như vậy có thể thấy, đối với các vụ án mà việc xuất cảnh của đương sự không thuộc trường hợp có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án như đã nêu trên, cũng như nghĩa vụ dân sự của họ được xác định là một nghĩa vụ về tài sản, thì không thể lấy lý do mang tính chung chung là “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” hay đảm bảo cho việc thi hành án để ra quyết định cấm xuất cảnh đối với họ.

Hoạt động xuất bản báo chí có thuộc đối tượng áp dụng biện pháp KCTT?

Điều 43 Luật báo chí quy định: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án.

Trường hợp không nhất trí với ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình.

Sau ba lần đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì cơ quan báo chí có quyền ngừng đăng, phát; cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng, phát thông tin của các bên có liên quan.

Từ các quy định nêu trên cho thấy, chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí mới có thẩm quyền yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng, phát thông tin của các bên có liên quan. Và, việc yêu cầu ngừng đăng, phát thông tin này, chỉ được thực hiện khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi bằng văn bản gửi đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí hay cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí trước khi khởi kiện vụ việc ra tòa.

Như vậy, khác với những hành vi của các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, việc xuất bản tin, bài của cơ quan báo chí nói chung, không phải là đối tượng để tòa án có thể áp dụng các biện pháp KCTT theo quy định của BLTTDS, mà nó chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp theo quy định của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tất nhiên, những quan điểm trên đây, cũng chỉ là ý kiến chủ quan của người viết, còn trên thực tế, để có một cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật, thiết nghĩ TAND Tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn đối với việc áp dụng các biện pháp KCTT theo quy định của BLTTDS 2015 nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP, Đoàn luật sư TP.HCM

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS 2015: Cần được hướng dẫn