Đài CNN cho biết Anh có cả một “đội quân” tháp canh và máy bay không người lái trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) giám sát eo biển Manche, nhưng vẫn không thể ngăn thảm kịch người tị nạn thiệt mạng.

Anh dùng UAV, AI giám sát eo biển Manche

Cẩm Bình | 01/08/2023, 08:35

Đài CNN cho biết Anh có cả một “đội quân” tháp canh và máy bay không người lái trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) giám sát eo biển Manche, nhưng vẫn không thể ngăn thảm kịch người tị nạn thiệt mạng.

Eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp là một trong số tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới. Khu vực chỉ rộng khoảng 33km này có hàng trăm tàu các loại, từ tàu chở dầu, phà chở khách đến tàu đánh cá nhỏ di chuyển qua.

5 năm qua khi các tuyến đường sắt lẫn đường bộ được kiểm soát chặt chẽ hơn, eo biển Manche trở thành tuyến đường phổ biến cho người tị nạn. Mỗi năm có hàng nghìn người vượt biên chỉ bằng xuồng cao su bơm hơi, vài trường hợp phải trả giá bằng mạng sống.

Số người tị nạn tăng lên qua từng năm khiến hoạt động vượt biên bị phản đối mạnh mẽ. Chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố sẽ chỉnh đốn tình trạng này.

Biên giới số

Để chỉnh đốn tình trạng vượt biên nguy hiểm, đảo quốc sương mù đầu tư hàng triệu bảng Anh sắm thiết bị giám sát gồm UAV và tháp canh. Tất cả đều sở hữu công nghệ AI giúp phát hiện xuồng cao su.

Một trong số đơn vị cung cấp thiết bị là công ty Tekever của Bồ Đào Nha. UAV được huấn luyện bằng AI của công ty chủ yếu bay tuần tra ở phần eo biển phía Anh, nhưng có ít nhất 35 lần vượt qua biên giới vào Pháp, theo dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận OpenSky trong giai đoạn tháng 10.2019 đến tháng 4.2023.

an00.jpg
UAV của Tekever - Ảnh: Tekever

Đài CNN thì cho biết Anh đặt các tháp canh có gắn camera AI dọc bờ biển phía nam, mỗi tháp có phạm vi giám sát 15km. Đảo quốc sương mù không công bố số lượng cụ thể.

Tháp canh do công ty khởi nghiệp Mỹ Anduril Industries cung cấp. Đây chính là đơn vị phát triển hệ thống AI giám sát biên giới Mỹ - Mexico. Chưa rõ loạt công nghệ đắt tiền như vậy có hiệu quả trong công tác phát hiện xuồng vượt biên, cứu sống người gặp nạn trên biển hay không.

Theo CNN, Anh đi theo xu hướng sử dụng công nghệ AI để số hóa an ninh biên giới trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ năm 2020 (dưới thời Tổng thống Donald Trump) đặt hàng Anduril Industries thiết lập bức tường biên giới “ảo” kết hợp với hàng rào thép vật lý với công nghệ giám sát AI. Liên minh châu Âu (EU) cũng dự định triển khai phần mềm nhận dạng khuôn mặt và dấu vân tay ở biên giới, đồng thời phát triển “công nghệ phát hiện cảm xúc” sẽ hoạt động như máy phát hiện nói dối tự động.

Có ý kiến cho rằng công nghệ tiên tiến không thể ngăn dòng người tị nạn và đe dọa quyền xin được tị nạn. Luật sư nhân quyền Petra Molnar nói với CNN: “Công nghệ có thể dễ dàng được sử dụng cho hoạt động tìm kiếm - cứu nạn, tìm kiếm tàu thuyền, ngăn thảm kịch xảy ra. Nhưng thật không may, tình hình thực tế lại trái ngược. Các chính phủ siết chặt kiểm soát biên giới khiến mọi người khó tiếp cận hơn”.

an01.jpg
Tháp canh Anduril Industries - Ảnh: CNN

Thảm kịch mùa đông

Ngày 14.12.2022, một chiếc xuồng cao su gửi tin nhắn WhatsApp cầu cứu cho tổ chức từ thiện Utopia 56. Họ lập tức chuyển thông tin vị trí cùng thông tin liên lạc cho giới chức Pháp và Anh.

Trong đêm đen như mực và trời lạnh cóng, trên xuồng có hàng chục người chen chúc nhau. Biển động và gió rất mạnh. Xuồng đến giữa eo biển Manche thì bắt đầu chìm.

Khoảng 2 giờ đến 2 giờ 30 sáng, giới chức Pháp không thể phát hiện xuồng trên radar hàng hải nhưng yêu cầu 2 tàu đánh cá cùng 1 tàu thương mại ở gần tiến hành tìm kiếm. Cảnh sát biển Anh cho biết họ dự định triển khai tàu cứu hộ.

Ngư dân Ray Strachan cùng thủy thủ đoàn tàu đánh cá nghe tiếng la hét, sau đó thấy nhiều người không mặc áo phao bơi về phía mình. Ông gọi cho cảnh sát biển Anh rồi đưa người tị nạn lên tàu, thủy thủ đoàn kinh hãi phát hiện một người đàn ông đã chết.

Tổng cộng 39 người được cứu, 4 người thiệt mạng sau đó.

Công nghệ ở đâu?

Theo trang theo dõi chuyến bay Flightradar24, UAV Tekever AR5 mà Anh sử dụng không hề xuất hiện lúc xuồng cao su chìm mặc dù hoạt động ở eo biển Manche vào một ngày trước và vài giờ sau thảm kịch.

Phía Anduril Industries và Sirius Insight từ chối cho biết tháp canh của họ có hoạt động hay có phát hiện xuồng gặp nạn hay không. Giới chức Anh và Pháp cũng từ chối phản hồi vì sao lại chậm chạp tiến hành cứu nạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh dùng UAV, AI giám sát eo biển Manche