“Lúc đầu tui sợ con bị người ta trả thù nên không muốn nó chạy xe hút đinh ra đường chống nạn đinh tặc. Nhưng sau này nhiều người dân ủng hộ, lực lượng của xã cũng bảo vệ nó, nên tui yên tâm”, bà Hoa nói.

Anh cán bộ xã và ‘cuộc chiến’ chống ‘đinh tặc’

Hùng Anh | 09/01/2018, 08:38

“Lúc đầu tui sợ con bị người ta trả thù nên không muốn nó chạy xe hút đinh ra đường chống nạn đinh tặc. Nhưng sau này nhiều người dân ủng hộ, lực lượng của xã cũng bảo vệ nó, nên tui yên tâm”, bà Hoa nói.

Chế xe chuyên hút đinh chiến đấu với “đinh tặc”

Đang ngồi làm việc tại trụ sở UBND xã Thạnh Đức (H.Bến Lức, tỉnh Long An) thì điện thoại di động của anh Nguyễn Lê Duy (SN 1985, cán bộ đài Truyền thanh xã) đổ chuông dồn dập. Bấm máy, đầu dây bên kia có người thông báo: “Duy hả, đem xe hút đinh ra quốc lộ 1A giúp mọi người, mới có mấy trường hợp đi xe máy cán đinh bị chặt chém, tội lắm”. Nghe vậy, Duy thu xếp công việc, vào kho kéo chiếc xe hút đinh ra, hì hụi gắn vào sau chiếc xe gắn máy rồi chạy ra hướng quốc lộ 1A.

Hơn 1 giờ sau, Duy chạy xe về, gỡ từ dàn nam châm mấy chục chiếc đinh thép hình thoi bén ngót. “Loại đinh này do bọn “đinh tặc” tự chế chứ không thể nào tự nhiên xuất hiện trên mặt đường. Xe gắn máy mà cán phải những miếng thép này thì vỏ, ruột đều tiêu tùng, nhưng nguy hiểm nhất là nếu bánh trước cán đinh, tai nạn trọng thương, chết người dễ xảy ra vì xe cộ chạy trên quốc lộ 1A rất nhiều”, Duy nói.

Duy cho biết, anh và chiếc xe hút đinh tự chế để chống nạn “đinh tặc” gắn bó với nhau đã được 7 năm. Việc anh chế xe hút đinh là hoàn toàn tự nguyện, không ai giao anh phải làm nhiệm vụ này.

“Trên địa bàn xã có hơn 5km quốc lộ 1A chạy qua và có hơn 10 điểm vá, sửa xe, trong đó theo tôi biết chỉ có 2-3 điểm do người tại địa phương làm chủ làm ăn đàng hoàng, còn lại là người nơi khác đến thuê mặt bằng mở tiệm. Cứ thứ bảy, chủ nhật, những ngày lễ, tết công nhân từ TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ chạy xe gắn máy về quê nhiều thì nạn “đinh tặc” lại rộ lên”, Duy cho biết.

Nhiều lần tham gia cùng lực lượng trật tự của xã tuần tra trên quốc lộ, chứng kiến những nạn nhân bị cán đinh và bị các tiệm sửa xe chặt chém không thương tiếc, Duy suy nghĩ mãi rồi nảy ra ý định chế xe hút đinh để chống nạn “đinh tặc”, góp phần giúp người đi đường bớt âu lo.

Duy đi mua sắt về thuê thợ hàn khung và trục xe, xin bánh xe cũ về gắn vào, rồi lấy… mặt bàn inox gắn bên dưới, cách mặt đất khoảng 20cm. Sẵn trong kho có mấy chiếc loa truyền thanh bị hư hỏng, Duy tháo lấy nam châm ở đuôi loa gắn vào mặt bàn inox, sau đó mượn xe máy của cha móc vào chạy thử.

“Lúc chạy thử thì nam châm hút đinh, sắt thép, kim loại rơi rớt trên đường rất tốt, nhưng chiếc xe chạy không ổn định. Phải mày mò nghiên cứu, cải tạo, thay mặt bàn inox bằng khung sắt, chạy thử đến lần thứ tư chiếc xe mới hoạt động ổn định như ngày nay. Phía sau xe, tôi làm thêm tấm bảng ghi rõ “Mô hình truyền thanh vì cuộc sống cộng đồng, xe hút đinh, vá xe lưu động miễn phí” và treo 1 lá cờ Tổ quốc”, Duy kể.

Suốt 7 năm qua, bất cứ lúc nào nếu có người gọi điện báo tin xuất hiện nạn rải đinh trên quốc lộ 1A là Duy lại cho xe hút đinh ra đường hoạt động. Còn thứ bảy, chủ nhật, những ngày lễ, tết, trong lúc mọi người nghỉ ngơi, vui chơi thì Duy và chiếc xe hút đinh cứ chạy tới chạy lui trên đường để ngăn chặn tai họa cho người đi đường và vá xe miễn phí cho mọi người.

Theo Duy, rất khó bắt quả tang những người rải đinh nên anh thường cho xe hoạt động liên tục. Ngoài việc hút đinh trên quốc lộ 1A, xe của Duy còn chạy vào khắp các tuyến đường trong xã để hút những vật kim loại rơi rớt trên mặt đường, bảo đảm an toàn cho người tham gia lưu thông.

“Đập bể nồi cơm” của bọn “đinh tặc” thì có sợ bị trả thù hay không? Anh chàng cười, nói: “Dù có đai đen tam đẳng Thái cực đạo nhưng lúc đầu tôi cũng sợ lắm. Nhưng tôi nghĩ mình làm việc có ích cho cộng đồng thì người dân sẽ bảo vệ mình, nên sau này không sợ nữa. Bây giờ rất nhiều người biết việc tôi làm và số điện thoại của tôi, nên nạn rải đinh xuất hiện là bà con điện báo ngay. Nhiều lúc tôi còn phải cho xe chạy qua địa bàn xã Nhị Thành của H.Thủ Thừa để hút đinh”.

Lắp ráp xe chuẩn bị ra đường hút đinh - Ảnh: Thanh Anh

Bà Lê Thị Hoa (55 tuổi, mẹ của Duy) cho biết: “Lúc đầu tui sợ con bị người ta trả thù nên không muốn nó chạy xe hút đinh ra đường chống nạn “đinh tặc”. Nhưng sau này nhiều người dân ủng hộ, lực lượng của xã cũng bảo vệ nó, nên tui yên tâm. Chỉ buồn một điều, nó là con trai lớn trong nhà, 32 tuổi rồi chứ còn nhỏ nhít gì, vậy mà không chịu cưới vợ, tối ngày chỉ lo làm việc trong đài truyền thanh, hễ rảnh là kéo xe hút đinh ra đường.

Lương tháng chưa đến 2 triệu đồng đều đổ hết vào hoạt động của chiếc xe hút đinh và mua đồ nghề vá xe miễn phí cho người ta, tui và cha nó phải nuôi cơm, nhiều lúc phải cho thêm tiền để nó đổ xăng đi hút đinh. Cái xe gắn máy của nó dùng kéo xe hút đinh tui cũng phải mua trả góp, vừa trả xong đó”.

Hết lòng làm việc thiện

Nghe mẹ “mắng vốn”, Duy chỉ cười trừ, nói: “Chắc tại duyên chưa tới nên… chưa có ai thương mình. Nhưng nói thiệt, lâu nay tôi đang nghiên cứu cải tiến chiếc xe hút đinh của mình hoạt động bằng nam châm điện. Hiện nay mỗi lần đi hút đinh về phải ngồi gỡ từng chiếc ra khỏi những cục nam châm, rất tốn thời gian. Nếu sử dụng nam châm điện, chỉ cần tắt công tắc điện thì toàn bộ đinh sẽ tự rơi ra. Nhưng không biết loại nam châm này tốn bao nhiêu tiền”.

1 cán bộ của UBND xã Thạnh Đức cho biết, nhiều năm qua Duy còn nổi tiếng là người hết lòng làm việc thiện. Rảnh rỗi, Duy tìm đến những gia đình nghèo, người già neo đơn, khó khăn, học sinh nghèo khó… ghi nhận từng hoàn cảnh. Sau đó Duy đăng lên trang Facebook của mình kêu gọi bạn bè, những nhà hảo tâm giúp đỡ gạo, tiền, nhu yếu phẩm; tập vở, xe đạp, quần áo cho học sinh nghèo rồi đem trao tận tay cho từng hoàn cảnh.

Nếu mạnh thường quân nào muốn đến trao quà tận nhà thì Duy thu xếp công việc tình nguyện đưa họ tới nơi. Đặc biệt nhiều năm qua Duy còn vận động các giáo viên trong xã cùng mở lớp dạy vi tính, luyện viết chữ đẹp, dạy vẽ miễn phí cho tất cả học sinh ghi danh theo học.

Những chiếc dinh thép do Duy hút được trên đường - Ảnh: Thanh Anh

Hỏi Duy có nhớ trong 7 năm qua đã hút được bao nhiêu ký lô đinh và vận động giúp đỡ được bao nhiêu tấn gạo, mì, nhu yếu phẩm cho người nghèo, anh chàng cười xòa, đáp: “Mình làm chuyện thiện nguyện mà cân đong, đo đếm làm chi anh, cho nên đâu có nhớ được. Chỉ biết giúp được mọi người là trong bụng tôi thấy vui rồi”.

Theo ông Phùng Văn On, Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, việc tự bỏ tiền túi chế xe hút đinh chống nạn “đinh tặc” của Duy là việc làm rất thiết thực, xứng đáng biểu dương, nhân rộng trên những cung đường thường xuất hiện nạn rải đinh gây họa cho người đi đường.

“Tôi cũng đã biết thông tin về mô hình xe hút đinh tự chế của anh Duy và bản thân tôi rất ủng hộ việc làm này. Sắp tới Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ sắp xếp thời gian đến thăm Duy và sẽ có hình thức biểu dương, khen thưởng xứng đáng”, ông On nói.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh cán bộ xã và ‘cuộc chiến’ chống ‘đinh tặc’