Sau tất cả những rắc rối mà Anh gây ra cho EU bằng việc tách khỏi liên minh thông qua cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 23.6, có lẽ khó có thể hy vọng EU nhẹ tay với Anh trong quá trình đàm phán đầy phức tạp sẽ kéo dài 2 năm.
Chính phủ mới của nước Anh chắc chắn là chính phủ đang phải chịu nhiều sức ép nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Quả thực, chính phủ của tân Thủ tướng Theresa May đang phải chịu sức ép từ mọi hướng, trong đó việc tạm ngưng dự án điện hạt nhân Hinkley Point đang khiến Anh chịu sức ép lớn từ Trung Quốc và Pháp, một nước góp 1/3 trong tổng số vốn 18 tỉ bảng và một nước chịu trách nhiệm thi công. Nhưng đó vẫn chưa là gì đối với sức ép đến từ Liên minh châu Âu (EU), khi quá trình đàm phán về các điều khoản để Anh rời khỏi EU (vẫn được gọi với cái tên Brexit) kéo dài trong 2năm tới được dự báo sẽ không suôn sẻ chút nào. Sau tất cả những rắc rối mà Anh gây ra cho EU bằng việc tách khỏi liên minh thông qua cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 23.6, có lẽ khó có thể hy vọng EU sẽ nhẹ tay với Anh trong quá trình đàm phán kéo dài những 2 năm này.
Quả thực, về mặt pháp lý, vấn đề Anh rời khỏi EU là một quá trình vô cùng phức tạp mà trong đó đảo quốc sương mù chỉ có phân nửa quyền hạn. Đúng là nước Anh có quyền tự quyết trong việc có rời EU hay không, thông qua kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý hôm 23.6; nhưng kết quả bỏ phiếu khá sít sao đó (52% ủng hộ ra đi so với 48% ủng hộ ở lại) không có nghĩa là Anh đã có thể phủi tay rời khỏi EU mà không vướng bận gì. Về mặt thủ tục pháp lý, quy định thủ tục rút lui mà Anh phải tuân theo sẽ do Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu quy định, trong đó các quy định chi tiết và cụ thể sẽ do Hội đồng châu Âu (gồm những người đứng đầu chính phủ các nước EU) sẽ đưa ra những “hướng dẫn” cho các cuộc đàm phán với quốc gia muốn ra đi. Nói cách khác, Anh tự quyết định việc ra đi hay ở lại, nhưng chi tiết cụ thể về thủ tục thì lại do Hội đồng châu Âu quyết định. Và kể cả những người lạc quan nhất cũng cảm thấy không có nhiều lý do để kỳ vọng rằngcác cuộc đàm phán này sẽ diễn ra theo một cách dễ chịu với Anh.
Và dù quá trình đàm phán giữa Anh và EU do Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu quy định sẽ diễn ra vào đầu năm sau, thì những dấu hiệu khó khăn dành cho nước Anh đã bắt đầu xuất hiện. Trong một động thái gây sốc với toàn bộ giới tài chính và chính phủ Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã quyết định bổ nhiệm ôngMichael Barnier, một chính trị gia Pháp rất am hiểu tình hình nước Anh, để dẫn dắt lực lượng đặc biệt về Brexit thuộc Ủy ban châu Âu. Ngay lập tức, báo chí Anh vốn nổi tiếng với khả năng hoạt ngôn của mình đã cho rằngsự bổ nhiệm này không khác gì một “tuyên bố chiến tranh” mà Juncker đưa ra với nước Anh.
Michael Barnier được xem là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với các vấn đề của Anh thuộc diện giỏi nhất, đồng thời vị chính trị gia người Pháp này cũng nổi tiếng vì những bất đồng của mình với nước Anh trong quá khứ. Khá nhiều người dân Anh biết về câu chuyện trong một cuộc hội đàm với Barnier, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mervyn King nổi tiếng hòa nhã đã có một trong những lần giận dữ hiếm hoi đến mức đập mạnh xuống bàn. Dù về lý thuyết, người chịu trách nhiệm chính trong các cuộc đàm phán với Anh về các thủ tục rời khỏi EU sẽ là Didier Seeuws do Hội đồng châu Âu bổ nhiệm, thì việc Michael Barnier giữ vị trí đại diện cho Ủy ban châu Âu cũng sẽ khiến các cuộc đàm phán trở nên căng thẳng hơn rất nhiều.
Ngoài sự khó khăn trong quá trình đàm phán, thời gian và khối lượng các vấn đề đàm phán cũng đang không đứng về phía nước Anh. Theo Điều 50, thì thời gian tiến hành đàm phán rời khỏi EU của một quốc gia chỉ là 2 năm, và đây được xem là một khoảng thời gian quá ngắn để Anh có thể đàm phán tất cả những vấn đề cần thiết, từ kinh tế-thương mại cho đến an ninh-chính trị và các vấn đề quan trọng khác. Dù về lý thuyết Anh có thể đề nghị quá trình đàm phán kéo dài hơn 2 năm, nhưng theo nguyên tắc có đi có lại, Anh cũng sẽ phải chịu thiệt thòi trong một số vấn đề nếu muốn châu Âu nhân nhượng để cho phép kéo dài thời gian đàm phán.
Những khó khăn mà Anh sẽ phải đối mặt trong quá trình đàm phán rời khỏi EUsẽ có thể tăng thêm khi mà các cuộc bầu cử nhà lãnh đạo và chính phủ mới sẽ diễn ra ở Đức và Pháp trong năm sau. Hiện tại hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất EU là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều chưa tỏ ra cứng rắn và khắc nghiệt với Anh sau sự kiện Brexit, nhưng không có gì đảm bảo điều này sẽ tiếp tục diễn ra sau kỳ bầu cử vào năm tới. Nếu chiếc ghế quyền lực nhất nước Đức và Pháp đổi chủ, thì khó khăn được dự báo sẽ tăng lên với Anh, khi một chính trị gia mới nổi có thể sẽ trở nên cứng rắn trong quá trình đàm phán với Anh để tạo dựng uy tín cho mình. Kể cả khi bà Merkel và ông Hollande vẫn tại vị, thì sức ép trong nước đang gia tăng cũng sẽ khiến hai nhà lãnh đạo này trở nên quyết đoán hơn với nước Anh.
Theo các cuộc khảo sát, hơn 50% người dân EU cho rằng những vấn đề hiện nay thì lỗi chủ yếu thuộc về nước Anh do nước này đã tự quyết định ra đi, và chính phủ Liên minh châu Âu cần cứng rắn với Anh như một sự trừng phạt nghiêm khắc.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Nghiencuuquocte)