Gần đây, báo chí có nhiều bài viết phản ánh về công tác lựa chọn và công bố án lệ của TAND Tối cao. Theo đó, một số bản án cơ quan này dự kiến sẽ đưa vào án lệ đã không tạo ra được sự đồng thuận từ các chuyên gia pháp luật. Vậy, khi nào thì một bản án có thể trở thành án lệ? Và các án lệ đã công bố hiện nay đã hội đủ các yếu tố của một án lệ chưa?

Án lệ và tiêu chí lựa chọn án lệ

LS Hồ Ngọc Diệp (CTV anh Xuyên) | 29/07/2017, 08:08

Gần đây, báo chí có nhiều bài viết phản ánh về công tác lựa chọn và công bố án lệ của TAND Tối cao. Theo đó, một số bản án cơ quan này dự kiến sẽ đưa vào án lệ đã không tạo ra được sự đồng thuận từ các chuyên gia pháp luật. Vậy, khi nào thì một bản án có thể trở thành án lệ? Và các án lệ đã công bố hiện nay đã hội đủ các yếu tố của một án lệ chưa?

Theo Thông luật, không phải mọi bản án, quyết định của các tòa án đều trở thành án lệ. Một bản án chỉ trở thành án lệ khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó “Vấn đề pháp lý” và “Quan điểm pháp luật” là hai yếu tố căn bản, đòi hỏi phải có trong một án lệ.

Vấn đề pháp lý

Có thể nói, hầu hết các vụ án hay các tranh chấp được giải quyết tại tòa án nói chungít khi gặp phải những câu hỏi về vấn đề pháp lý, mà chủ yếu là những câu hỏi về sự kiện thực tế trong vụ án. Tức là, khi các vấn đề pháp lý đã rõ ràng, thì thẩm phán chỉ có việc xem xét áp dụng pháp luật đã có sẵn như thế nào để phù hợp với các sự kiện thực tế trong vụ án.

Nói cáchkhác, đó là những bản án mà vai trò của thẩm phán chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá chứng cứ hay áp dụng một hoặc một sốđiều luật (có sẵn) để giải quyết một quan hệ pháp luật tranh chấp cụ thể. Những bản án trong các vụ án này, theo Thông luật không phải là các án lệvì nó không tạo ra một tiền lệ mới mẻ nào trong việc xét xử.

Một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra án lệ là quyết định của thẩm phán trong vụ án cụ thể liên quan đến các vấn đề pháp luật mới nảy sinh, hoặc một nghi vấn pháp luật. Đó là các vấn đề nảy sinh trong các vụ án có liên quan đến câu hỏi: luật cần áp dụng đối với sự kiện thực tế nảy sinh trong vụ án là gì, và nó được áp dụng vào các sự kiện thực tế trong vụ án như thế nào? Nói khác, đây là những vụ án mà thực chất, vấn đề pháp luật chưa từng được đặt ra, chưa hề có lời giải đáp trong thực tiễn.

Vì vậy, khi xét xử,thẩm phán phải tìm ra lời giải đối với vấn đề pháp luật đặt ra trong vụ án. Và như vậythẩm phán đã sáng tạo ra pháp luật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phán quyết của thẩm phán trong vụ việc cụ thể này đã tạo ra một án lệ (tiền lệ pháp) cho các vụ việc tương tự trong tương lai.

Quan điểm pháp luật

Nếu như vấn đề pháp lýđược hiểu là câu hỏi đặt ra để thẩm phán đi tìm lời giải cho một sự kiện hay tình huống pháp luật mới nảy sinh trong thực tế, thì quan điểm pháp luật là sự khái quát hóa đường lối xét xử trong một vụ án cụ thể thành một nguyên tắc chung, mang tính tiền lệ để các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự.

Muốn vậy, quan điểm pháp luật hay nguyên tắc chung này phải hàm chứa trong nó “lời giải thích” về tính hợp lý trong đường lối xét xử đối với vụ án. Tức lànó cho phép người ta hiểu được vì sao thẩm phán xét xử vụ án theo chiều hướng này mà không phải là chiều hướng khác.

Ví dụ: Trong vụ kiện tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn yêu cầu tòa án hủy “Hợp đồng tặng cho nhà ở” giữa bị đơn với người thứ bavì cho rằngbị đơn có tài sản nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà lại đem tài sản đó tặng cho người khác để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Mặc dù pháp luật dân sự hiện nay không có quy định một người không được phép tặng cho tài sản khi bản thân họ chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người khác, tuy nhiên, khi xét xử, thẩm phán có thể dựa vào nguyên tắc lẽ công bằng cũng như các quy định về thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung, để tạo ra một án lệ với quan điểm pháp lý rằng: Khi một người chưa thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với người khác thì họ không có quyền tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình cho người thứ ba, để hủy bỏgiao dịch tặng cho nhà ở nói trên.

Như vậy, một bản án được xem là án lệ thì trước hết bản án đó phải thể hiện thái độ, quan điểm của thẩm phán về các vấn đề pháp luật được đặt ra. Nếu không có quan điểm, đường lối giải quyết trong bản án thì không thể trở thành án lệ (vì án lệ có thể hiểu ở góc độ là một đường lối xét xử).

Án lệ của ta dựa trên tiêu chí nào?

Theo tinh thần quy định tại Điều 2 nghị quyết 03/2015 ngày 28.10.2015 của HĐTP TAND Tối cao về tiêu chí lựa chọn án lệ thì án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.

2. Có tính chuẩn mực.

3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Như vậy có thể thấy, theo quan điểm của TAND Tối cao thì tiêu chí chọn lựa án lệ của ta chỉ mới dừng lại ở phạm vi “giải thích để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau…” chứ chưa phải là thông qua hoạt động xét xử, thẩm phán có thể sáng tạo ra pháp luật để áp dụng trong một số trường hợp luật không có quy định.

Đây cũng chính là lý dohầu hết các án lệ đã được công bố có nội dung chủ yếu thiên về các lập luận mang tính đánh giá chứng cứ hoặc giải thích về một (hay một số) điều luật để áp dụng vào một vụ án, một quan hệ pháp luật tranh chấp cụ thể, mà không đưa ra quan điểm hay đường lối xét xử mới trong trường hợp luật không có quy định.

Quan niệm về án lệ của TAND Tối cao với những tiêu chí “chừng mực” và thận trọng như trên là có thể hiểu được. Nhất là trong điều kiện chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện định chế pháp lý về án lệ như hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài, cần phải có sự thay đổi về tiêu chí của án lệ để phù hợp với quan niệm quốc tếcũng như đáp ứng được nhu cầu khắc phục các khoảng trống pháp lý mà luật pháp thành văn chưa dự liệu được.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn luật sư TP.HCM
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Án lệ và tiêu chí lựa chọn án lệ