Trở lại vùng rốn lũ huyện An Phú, tỉnh An Giang vào những ngày đầu tháng 9, dọc theo những ngôi nhà sàn nằm san sát mép lộ, từ phía sau nhà hàng chục chiếc ghe, xuồng composite được kéo lên mép bờ. Xa xa, âm thanh nói chuyện của những nông dân than thở, kêu trời vì con nước lên quá chậm.

An Giang: Về đi lũ ơi!

Khang Duy | 04/09/2020, 09:16

Trở lại vùng rốn lũ huyện An Phú, tỉnh An Giang vào những ngày đầu tháng 9, dọc theo những ngôi nhà sàn nằm san sát mép lộ, từ phía sau nhà hàng chục chiếc ghe, xuồng composite được kéo lên mép bờ. Xa xa, âm thanh nói chuyện của những nông dân than thở, kêu trời vì con nước lên quá chậm.

Từ TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, chúng tôi phóng xe về xã Nhơn Hội huyện An Phú. Tại ấp Tắc Trúc, chúng tôi gửi xe bên lề đường và thuê chiếc xuồng của một người dân địa phương để vượt qua sông Bắc Đai để đến nhà ông Nguyễn Văn Tùng, người được coi là lão luyện trong nghề đặt dớn mưu sinh.

Nhiều cánh đồng tại xã Nhơn Hội còn khô hạn nên những người dân nơi đây đang thất nghiệp nằm ở nhà - Ảnh: Tô Văn

Vừa đưa chân bước từ chiếc xuống tròng trành để lên bờ, cái nắng tháng bảy hầm hập quất xuống như lửa. Thỉnh thoảng gió từ ngoài đồng thổi vào như những chiếc roi vỗ thẳng vào mặt. Tôi ì ạch bước đi, hai gầm giày bước trên con đường đất ghồ ghề hình như càng thêm nặng. Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng, ba bề bốn bên trống huơ trống huếch, người con trai cả của ông Tùng - tên Khiêm, đẩy ly trà về phía tôi rồi cặm cuội vá lưới lạnh lùng bảo: “Ở đây lũ chưa về”.

Một ngư dân địa phương đang vá lưới chờ lũ về mưu sinh - Ảnh: Tô Văn

Khiêm lẩm nhẩm nói: “Bây giờ tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, con nước năm nay kỳ lạ thế, kiểu này đói mọt gông cho coi”… Được một lúc ông Tùng đi về dưới sàn ông kéo một đống dớn, lưới ra coi để vá. Đó là một người đàn ông 52 tuổi, dáng khẳng khiu nhưng giọng nói rất khỏe khoắn - thường thấy ở người dân chuyên nghề đặt dớn.

Không đi đặt dớn được, người dân bàn tính chuyện mưu sinh cách khác - Ảnh: Tô Văn

Ông Tùng có 5 người con, 1 đứa cháu ngoài 4 tuổi, sống trong căn nhà sàn diện tích khoảng 56m2. Hai chiếc ghe đã cũ theo năm tháng, nhưng lâu nay nuôi sống cả nhà. Nhân lực đi đặt dớn chỉ có ông cùng Khiêm và người em trai. Những người còn lại hầu như không có việc gì để làm.

Hàng xóm ông Tùng đứng nhìn con nước rồi lắc đầu thở dài- Ảnh: Tô Văn

Ông Tùng bảo: “Sống bằng nghề “bà cậu” không sống giống như trên đất. Đất nuôi con người, còn nghề “bà cậu” này bạc bẽo với con người. Năm nay lũ chưa về thì làm gì có cua, tôm, cá để bắt thì sông sao nổi đây. Tôi sống với nghề theo cha truyền con nối từ lâu mà đến giờ chưa từng thấy cảnh nào như vậy.

Tháng này năm ngoái là tôi lên giáp ranh biên giới Campuchia để đặt dớn rồi nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 và con nước chưa lên nên một đống dớn dưới sàn nhà nằm chờ. Mà đâu riêng tôi, cả nguyên xóm này đang khóc ròng vì con nước đấy”, ông chia sẻ.

Số lượng thu mua ốc, cá, tôm quá thấp so với mọi năm - Ảnh: Tô Văn

Trên đường đến đây, tôi cũng đã kịp nhìn thấy một người phụ nữ giới thiệu tên Nương (49 tuổi, ngụ địa phương) đang cân cá bán cho chủ vựa, bà chia sẻ: “Hiện tại lũ chưa lên, mọi năm tháng này nước tới sàn nhà tui nhưng năm nay chưa lên tới cháinhà bếp. Năm rồi tui thu hoạch dớn hằng ngày khoảng vài chục kg, năm nay thì hai kg đổ lại. Con cá linh tui chưa thấy nó xuất hiện luôn. Trời ơi, sao kỳ lạ thiệt, kiểu này dân sao sống nổi?”

Theo ghi nhận của PV, nhiều cánh đồng còn khô hạn nên những người dân nơi đây đang thất nghiệp nằm ở nhà. Hiện tại lượng thủy sản đánh bắt rất thấp so với mọi năm.Anh Nghĩa (chủ vựa ốc, cá, ngụ địa phương) cho biết, con nước năm nay lên rất chậm, quá yếu nên lượng thủy sản đánh bắt hầu như rất ít.

Hàng chục chiếc lưới 12 cửa ngục được chủ vựa cho nằm trong kho vì không bán được - Ảnh: Tô Văn

“Ghe của người dân địa phương nằm bờ mấy tháng nay nên tui đâu có mua bán được đâu. Tui không hiểu sao lại như vậy? Thường mọi năm đến thời điểm này là nước tràn đồng rồi, lượng tôm, cá, cua không kịp cân. Còn bây giờ hầu như không có nước, khi gặp những người này là nghe họ than thở. Tui mua hàng trăm chiếc lưới (12 cửa ngục) về bán nhưng năm nay đành để nằm kho”, anh Nghĩa nói.

Một lãnh đạo UBND huyện An Phú cho biết đến thời điểm này mực nước lũ về trễ hơn năm rồi nên lượng cá, cua hay tôm cũng chưa có.Con cá linh non cũng chưa thấy xuất hiện nhiều.

Tô Văn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Về đi lũ ơi!