Một quán cơm 2.000 đồng vừa được khai trương đã giúp hàng trăm người nghèo, người khó khăn ở TP.Long Xuyên mỗi ngày cảm thấy ấm lòng khi đến quán.

An Giang: Quán cơm 2.000 đồng ấm bụng những vị khách 'dép lê'

Tô Văn | 05/04/2021, 17:50

Một quán cơm 2.000 đồng vừa được khai trương đã giúp hàng trăm người nghèo, người khó khăn ở TP.Long Xuyên mỗi ngày cảm thấy ấm lòng khi đến quán.

Hơn 100 suất ăn mỗi ngày cho người nghèo, khó khăn

Ngày 5.4, quán cơm Yên Vui 2.000 đồng tại 50 Trần Khánh Dư (chợ Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) chính thức khai trương, mở cửa đón khách. Người quản lý quán cơm đặc biệt này là chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (26 tuổi, ngụ P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên), Chị cho biết đây là quán cơm của quỹ từ thiện Bông Sen (TP.HCM) về TP.Long Xuyên để giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn.

1-com.jpg
Quán cơm Yên Vui 2.000 đồng/suất, sau một thời gian chuẩn bị đã chính thức khai trương, mở cửa đón khách - Ảnh: Tô Văn

“Ý tưởng mở quán cơm 2.000 đồng là sự ngẫu nhiên và tôi biết được qua mạng xã hội rằng Quỹ từ thiện Bông Sen cần mở quán cơm, cần người quản lý triển khai dự án. Do có thời gian rảnh nên tôi liền đứng ra tiếp mấy cô chú, anh chị để mở quán, trông coi giúp. Quán cơm 2.000 đồng mở cửa phục vụ vào các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần với dự kiến gần 100 suất ăn mỗi ngày. Thực đơn gồm cơm, canh, các món mặn (cá, thịt) và đồ xào, trái cây tráng miệng. Khi quán cơm 2.000 đồng này đi vào hoạt động ổn định sẽ nâng thêm số suất ăn”, chị Ngọc nói.

2-com.jpg
Quán hoạt động vào các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần, mở cửa lúc 11 giờ và chỉ kết thúc khi nào hết thức ăn - Ảnh: Tô Văn

Chị Ngọc cũng cho biết thêm, giá mỗi phần cơm là 2.000 đồng nhưng chi phí cho 1 suất ăn trung bình 20.000 đồng. Như vậy mỗi phần cơm, quỹ phải bù 18.000 đồng. Hôm nay 5.4 quán phục vụ hơn 100 phần cơm cho bà con. Có thể tính sơ sơ, để đủ chi phí bù cho quán cơm Yên Vui này hằng tháng là một số tiền lớn. “Vấn đề kinh phí trong mỗi bữa ăn đã có quỹ của từ thiện Bông Sen hỗ trợ. Nhưng hoạt động trong thời gian dài thì quỹ sẽ vơi đi. Vì vậy, cần sự chung tay của những nhà hảo tâm tại địa phương để hỗ trợ thêm cho quán hoạt động tốt hơn và lâu dài hơn”, chị Ngọc tâm tình.

3-com-2-.jpg
Đến với quán cơm 2.000 đồng, đa số thực khách là những người bán vé số, ve chai, chạy xe ôm... - Ảnh: Tô Văn

Nụ cười những vị khách mang dép lê vào quán

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới tại quán cơm Yên Vui, khi bước vào quán mọi người phải mua phiếu. Mỗi phiếu có giá 2.000 đồng. Sau đó, các vị khách cầm phiếu vào lấy phần cơm của mình. Khoảng 11 giờ trưa, quán cơm bắt đầu có những thực khách đầu tiên. Họ trật tự xếp hàng. Trên tay mỗi người cầm sẵn những tờ tiền 2.000 đồng, có tờ cũ kỹ, nhàu nát. Họ đưa tiền, nhận phiếu, lấy khay cơm nhiều ngăn có đủ những món ghi trong thực đơn.

4-com.jpg
Để khách không phải chờ đợi, quán chuẩn bị sẵn các khay cơm - Ảnh: Tô Văn

Em Trần Hồ Khanh (15 tuổi, bán vé số) vừa cùng mẹ và em mình đứng xếp hàng mua phiếu. Em Khanh cho biết thường ngày em cùng gia đình đi bán vé số lòng vòng trong TP.Long Xuyên, nếu ăn ở ngoài rẻ nhất cũng phải 20.000 đồng. Khi có quán cơm 2.000 đồng này thì mỗi ngày tiết kiệm 18.000 đồng cho mỗi bữa ăn. Gom gom phần đó đủ trả tiền nhà trọ.

5-com.jpg
Mỗi ngày quán phục vụ gần 100 suất ăn. Quán có 1 bếp chính, 2 bếp phụ và 5 tình nguyện viên - Ảnh: Tô Văn

Ngồi chung bàn với gia đình em Khanh, không ai nghĩ Nga là sinh viên năm nhất Trường đại học An Giang bởi cô gái vừa mới 20 tuổi vẫn mặc chiếc áo thể dục rất cũ của trường cấp 3 đến giảng đường. Nhà Nga ở H.Phú Tân. Nga ở trọ nên mỗi ngày phải tìm đến quán cơm bình dân có giá từ 20.000 đồng. “Khi biết quán 2.000 đồng mới mở, tụi em liền rủ nhau đến ăn. Tụi em ăn cơm ở đây để tiết kiệm mua dụng cụ học tập, và đỡ phải xin gia đình”, Nga cho biết.

6-com.jpg
Em Khanh bán vé số hay tin quán mở nên cùng gia đình vào ăn để tiết kiệm -Ảnh: Tô Văn

Hơn 12 giờ, quán bắt đầu thưa khách. Chị Đen (bán vé số) cùng gia đình trở thành những vị khách cuối cùng tới đây ăn trưa. Hằng ngày, chị Đen bế 2 đứa con nhỏ đi bán vé số ở khu vực các phường Mỹ Xuyên, Mỹ Hòa để kiếm sống. Đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Theo lời chị Đen, ngày nào hên bán được vài trăm vé. Dạo này, nắng nóng nên bán hơi ế. “Chồng tui làm phụ hồ. Vợ chồng cái con thuê trọ giá 700.000 đồng/tháng. Người ta chỉ tui, biểu đến đây ăn cơm cho rẻ. Mà công nhận, rẻ thiệt”, chị Đen cười.

Để duy trì hoạt động hằng ngày, quán cần 5 - 8 tình nguyện viên (đa số là sinh viên - PV). Người gọt rau củ, người lau khay, nấu bếp, chia cơm… Một tình nguyện viên cho biết làm công việc này không vì tiền mà cảm thấy rất vui, coi như đóng góp một chút ít cho xã hội. “Những vị khách đến quán, trên gương mặt họ không hề có biểu hiện của sự mặc cảm. Họ đường hoàng đến ăn, đường hoàng ra về, nhường chỗ cho người tới sau. Số tiền tiết kiệm được nhờ ăn cơm ở đây không nhiều, nhưng gom lại chắc cũng đủ để thêm thắt đóng tiền học, trả tiền trọ hay cũng có thể là để giúp đỡ người khác”, bạn tình nguyện viên nhận xét.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Quán cơm 2.000 đồng ấm bụng những vị khách 'dép lê'