Đến thời điểm này những cánh đồng lúa ở H.Thoại Sơn giáp ranh H.Tri Tôn đang vào vụ chín rộ thì giá lúa rớt từng ngày. Nông dân kêu trời, còn nhiều thương lái mua lúa đã bỏ cả tiền đặt cọc và… “biến mất dạng”.
Lúa vào vụ, lái bỏ cọc, ép giá.. câu chuyện muôn thuở
Sáng 1.8, nhiều nông dân ngụ H.Thoại Sơn, Tri Tôn, tỉnh An Giang phản ánh với phóng viên Một Thế Giới rằng họ đang vào vụ hè thu lúa chín rộ nhưng giá lúa thì rớt từng ngày. Nông dân kêu trời, còn nhiều thương lái mua lúa đã bỏ cả tiền đặt cọc và… “biến mất dạng”.
Chị Trương Thị Nga (46 tuổi, ngụ ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) – hiện đang canh tác 350 công đất trong vụ lúa hè thu. Chị Nga "than thở" rằng đang bị thương lái bỏ cọc và ép giá lúa.
“Tuần trước, lúc chưa thu hoạch tui có kêu giá là 5.600 đồng/kg, khi chuẩn bị đến thời gian thu hoạch là 30.7 thì họ vào tới nhà trả 5.300 đồng/kg. Sau đó, tui đồng ý và cắt lúa (trước khi cắt tui còn cẩn thận nói "không mua thì để lúa trên cây cho chị" - PV), nhưng sau khi cắt xong thì họ không chịu mua, lúa thì để giăng giăng ngoài đồng. Quá giận tui điện thoại hối thúc thì họ đem ghe vô cân chỉ một mớ và nói giảm xuống 4.900 đồng/kg, không bán thì thôi!”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho biết thêm, thấy việc giá lúa bị ép giá, gia đình chị không bán. Sau đó gia đình chị thuê ghe để chở về lò sấy. Nếu để ngoài đồng từ 2 đêm là lúa lên mộng, sẽ hư gạo và coi như bỏ.
“Tui thường xem ti vi có nói giá lúa hiện không giảm, bình quân 5.600 đồng/kg. Tui thắc mắc tại sao thương lái lại “ép giá” nông dân như thế. Anh tính thử đi, thương lái lúc chưa cắt họ trả 5.600 đồng/kg, bây giờ cắt xong chỉ trả 4.900/kg, nông dân lỗ nặng, chỉ những ai làm lúa ít thì bóp bụng bán và coi như mất trắng vụ này (vì khi nhận được tiền phải trả tiền phân, thuốc và tiền đất mướn, nhân công -PV). Như vậy sao nông dân sống nổi trong mùa vụ tới. Nói chung bà con nông dân lúa cắt xong thì bà con chỉ mong bán được, nếu giá lúa bị ép sâu, người dân không bán thì hàng trăm tấn lúa bỏ đống, phải làm gì đây. Hồi tối, tui mới thuê ghe chở 70 tấn lúa về nhà, số còn lại đang bỏ đống trên bờ nằm chờ thời”, chị Nga nói thêm.
Anh Phan Tấn Khanh (ấp Tân Bình, xã Tân Tuyến. H.Tri Tôn) chia sẻ hình ảnh vụ lúa mới vừa cắt xong và than: “Chú thấy không, năm nay lúa trúng, nông dân chúng tôi ai ai cũng vui mừng. Mới tuần trước, nhiều thương lái đến hỏi mua với giá 5.300 đ/kg và đặt cọc trước.
Gia đình tôi có khoảng 200 công lúa hè thu, nhưng lái chỉ đặt cọc làm tin có 1 triệu đồng, chưa tới 200.000 đồng/công. Chúng tôi đòi thêm tiền cọc thì thương lái nói đã đặt cọc rất nhiều hộ nên hết tiền.
Dù vậy, vài hôm trước đến ngày cắt lúa và lái đến lấy lúa, nhưng khi cho ghe vào tới nơi thì họ xin bớt xuống 4.900 đồng/kg nếu bán thì mua, không thì thôi. Sau đó, thấy khó khăn quá nên tui đồng ý bán, lập tức gọi điện thoại nhưng không ai bắt máy liền hỏi một số “cò” gần đó và được giải thích là giá lúa hiện thời chỉ còn 4.800/kg, sụt 500 đồng/kg nên tụi nó bỏ chạy là phải. Lúa đã chín rục, buộc gia đình tôi phải cắt về phơi chờ thương lái khác ra giá cao hơn nhưng việc này chắc không khả thi. Hôm qua, tui nhờ một số anh em vác lúa về nhà để phơi, trên đường về họ bị công an bắt vì vi phạm Chỉ thị 16, năn nỉ trình bày lắm công an mới cho qua”.
Cùng làm chung cánh đồng giáp ranh xã Tân Tuyến với anh Khanh, anh Nguyễn Văn Đen chạy đôn chạy đáo tìm thương lái: “Gia đình tôi có 150 công, lái đưa cọc trước 2 triệu đồng. Hiện số lúa anh đang được lái kêu 5.100 đồng/kg. Nhưng đây chỉ hứa bằng miệng, sáng mai (ngày 2.8) cắt lúa, không biết lái có lấy giá này nữa hay không?. Chúng tôi làm lúa nhưng không định được giá, chỉ trông chờ vào thương lái định giá. Đầu vụ thì mạnh ai nấy giành mua, nhưng đến lúc rộ thì họ kỳ kèo ép giá”, anh Đen than trách.
Một thương lái ở H.Thoại Sơn cho biết: “Thương lái chúng tôi không ai muốn bỏ tiền cọc cả, nhưng vì giá lúa rớt nhanh quá. Thà chúng tôi bỏ tiền cọc chứ nếu lấy lúa theo giá cọc thì vừa tốn công vừa lỗ nặng. Biết trước được giá lúa sẽ giảm nên chúng tôi cũng không dám đặt cọc đậm cho nông dân, trung bình khoảng 200.000 đồng/công, có mất cũng không đến nỗi”.
Hãy gọi đường dây nóng, doanh nghiệp sẽ xuống kết nối thu mua
Để trao đổi rõ hơn về việc thương lái ép giá, tiêu thụ lúa trong thời điểm giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Trương Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh An Giang cho biết, mấy hôm nay, rất nhiều nông dân đã điện thoại vào đường dây nóng phản ánh vấn đề này.
“Qua tìm hiểu thì thương lái có cho biết là do nhà máy đè giá nên lỗ nặng nếu mua lúa của nông dân. Vì vậy, sở đang tìm hướng gỡ với vấn đề này. Hiện các nhà máy trên địa bàn tỉnh thì do Sở Công Thương quản lý, ngành nông nghiệp không nhúng tay vào được. Ngành nông nghiệp chỉ tham mưu với ban ngành để gỡ vấn đề này thôi”, ông Thọ nói.
Ông Thọ thông tin thêm, thời điểm này, chỉ có tập đoàn hay doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời nếu cam kết với dân thì vẫn đảm bảo giá nhưng sức của tập đoàn này chỉ đảm bảo được 20%.
“Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với tỉnh để mở một gói tín dụng tài chính (lãi suất thấp hoặc không lãi suất) để cung cấp cho những doanh nghiệp lớn hay Tập đoàn Lộc Trời để họ tiếp tục thu mua lúa của nông dân. Theo tôi nắm thông tin thì được biết Tập đoàn Lộc Trời chỉ đủ tiền thu mua 20% diện tích lúa toàn tỉnh, nếu phát sinh thêm thì khọ không có khả năng”, ông Thọ cho biết.
Chúng tôi cũng đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Minh Hùng – Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang vào sáng 1.8 để trao đổi rõ hơn về tình trạng các nhà máy trên địa bàn tỉnh có phải đang ép giá thương lái dẫn đến thương lái lỗ và không thu mua lúa của nông dân để thông tin chính xác và khách quan, nhưng ông Hùng không bắt máy.
Ông Trần Anh Thư – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã công bố đường dây nóng trên báo đài, nếu nông dân gặp khó khăn thì hãy điện thoại đến người phụ trách các huyện thị. Ngay lập tức họ sẽ thông báo đến tỉnh và có cách xử lý kịp thời.
“Nông dân khi điện thoại đến đường dây nóng thì phải nói địa chỉ cụ thể, sản lượng bao nhiêu (VD: 100 tấn hoặc 200 tấn) giống lúa loại gì thì khi nhận được thông báo của người phụ trách huyện thị, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị xuống kết nối cung cầu để thu mua.
“Tỉnh đã tạo điều kiện cho thương lái lưu thông vào tất cả ngõ trên địa bàn tỉnh để thu mua. Trong quá trình thu mua thì một số thương lái nhân cơ hội này để ép giá để bù vào chi phí phát sinh tăng cao, chi phí test nhanh..Nhưng câu chuyện muôn thuở về thương lái, tỉnh đã lường trước và có trao đổi với tập đoàn T&T, tập đoàn Lộc Trời về việc hỗ trợ cho hệ thống thu mua. Đến thời điểm này, đại diện 2 tập đoàn này đã đồng ý. Vì vậy, nông dân gặp khó khăn hãy yên tâm”, ông Thư nhận định.
Như Một Thế Giới đã thông tin, vào ngày 23.7, ông Thư ban hành quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19.
Cụ thể, Tổ phản ứng nhanh gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang làm tổ trưởng. Bộ phận giúp việc gồm 11 thành viên, do ông Nguyễn Quang Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm trưởng bộ phận.
Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
Thông báo đường dây nóng của Tổ do ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang phụ trách để tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp, gián tiếp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến tình hình sản xuất, thu hoạch tiêu thụ nông sản tại các địa phương. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền thì Tổ báo cáo nhanh cho Thường trực UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Còn Bộ phận giúp việc có trách nhiệm và nhiệm vụ tham mưu cho Tổ phản ứng nhanh triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả và đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Ông Thư cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
“Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở sẽ là người tiếp nhận thông tin qua số điện thoại: 0913.886.380 và Email: [email protected]”, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đã chỉ định trong văn bản.