Việc giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, có thể vượt 30.000 đồng/lít vào ngày mai (11.3) chắc chắn tác động lớn đến đời sống người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp, làm trì trệ, kìm hãm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

An Giang: Người dân lao đao vì giá xăng sắp tăng cao

Tô Văn | 10/03/2022, 20:08

Việc giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, có thể vượt 30.000 đồng/lít vào ngày mai (11.3) chắc chắn tác động lớn đến đời sống người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp, làm trì trệ, kìm hãm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Xăng nguy cơ tăng trên 3.000 đồng/lít

Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 đang có giá là 26.070 đồng; RON 95 là 26.830 đồng. Dầu hỏa là 19.970 đồng một lít. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít. Dầu mazut là 18.460 đồng một kg.

Ngày mai (11.3) là kỳ điều chỉnh tiếp theo của giá xăng dầu, theo dự báo từ xu hướng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước ngày mai có thể tăng đến trên 3.000 đồng/lít.

Nếu đúng dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước lần thứ 7 sẽ tăng giá liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong năm nay.

Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8.3 tăng khá cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 1.3).

Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 133,83 USD/thùng, chu kỳ trước là 110,53 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 135,5 USD/thùng, kỳ trước là 113,36 USD/thùng. Như vậy, giá xăng RON 92 và giá xăng RON 95 ở chu kỳ này đều tăng 18-20% so với chu kỳ trước.

Và vào ngày 8.3, xăng RON 92 đã chạm mốc 150 USD/thùng, cao nhất trong 14 năm qua.

Tương tự, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8.3 cũng tăng cao so với kỳ tính giá trước đó.

2-xang-tang.jpg
Từ ngày 11.3, giá xăng nguy cơ tăng trên 3.000 đồng/lít - Ảnh: Tô Văn

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng. Trong phiên giao dịch sáng 7.3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7.2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7.2008.

Hiện giá dầu thế giới đã hạ nhiệt. Lúc 7 giờ 34 phút ngày hôm nay (10.3, giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,73% lên 110,6 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 4 giảm 13,16%, xuống mức 111,1 USD/thùng.

Nhiều chuyên gia nhận định sau lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ, giá dầu sẽ còn leo thang với mức giá khó đoán định.

Do giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng nên giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (11.3) cũng sẽ tăng theo giá xăng thế giới: dầu trong nước có thể sẽ tăng trên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng gần 4.000 đồng/lít.

Một số doanh nghiệp ở An Giang cho biết, sau kỳ điều chỉnh giá ngày 1.3, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng/lít. Hiện chênh lệch giá xăng, dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%.

1-xang-tang.jpg
Khó khăn mà các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang gặp là việc các nhà phân phối, thương nhân cung ứng không rót đủ lượng hàng để cung cấp cho người dân - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, góp ý cho dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị giảm 50% số thuế, thay vì chỉ giảm 500-1.000 đồng/lít như Bộ Tài chính đề xuất.

Hôm nay (10.3), Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 31.12.2022.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỉ đồng/năm, từ đó làm giảm thu ngân sách cả năm khoảng 31.938 tỉ đồng/năm. Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1.4.2022 thì số giảm thu ngân sách sẽ khoảng 23.954 tỉ đồng.

Xăng tăng giá... hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, trong ngày 10.3, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn hoạt động bình thường, không có cảnh người dân lái xe máy, ô tô đến chực chờ đổ xăng dầu. Cảnh treo biển hết xăng hoặc đóng cửa hầu như không có.

Các cửa hàng thuộc các hệ thống doanh nghiệp xăng dầu lớn thuộc quản lý nhà nước như Saigon Petro, Petrolimex, Satra vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu. Giá bán xăng tại các cửa hàng đồng loạt niêm yết giá xăng E5 RON 92-II là 26.270 đồng/lít, giá xăng RON 95 là 27.070 đồng/lít.

3-xang-tang.jpg
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn An Giang vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân cũng như chấp hành quy định bán hàng - Ảnh: Tô Văn

Tuy nhiên, một số người dân lại lo lắng việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ tạo đà cho hàng loạt hàng hóa khác tăng theo.

Ông D.V.S (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết, bản thân nghe thông tin giá xăng dầu tăng mạnh vào ngày mai nên khá lo lắng.

“Giá xăng tăng thì các loại hàng hóa, ga, điện, phương tiện giao thông… sẽ đồng loạt tăng giá. Dân lao động như chúng tôi đã khó khăn nay chồng thêm khó khăn trong sinh hoạt chi tiêu cuộc sống hàng ngày”, ông S. lo lắng nói.

Tương tự, ông N.V.M (ngụ phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) cho rằng giá xăng dầu lên sẽ kéo theo tất cả các mặt hàng tăng theo, gây khó khăn cho đời sống xã hội, dễ dẫn đến lạm phát tăng cao.

“Nghe giá xăng tăng người dân chúng tôi hết sức lo lắng. Thu nhập kinh tế đã giảm do dịch bệnh, nay giá xăng tăng thì gần như mọi thứ đều sẽ tăng theo. Người dân vốn đã khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, giờ sẽ càng thêm khó khăn”, ông M. bức xúc nói.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý thị trường An Giang cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng  cho việc giá xăng sẽ tiếp tục tăng vào ngày 11.3.

“Sáng 10.3, lực lượng của đơn vị đã tăng cường quyết liệt xuống địa bàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị yêu cầu các doanh nghiệp viết cam kết thực hiện theo đúng Nghị định 99 và Nghị định 95”, ông Hồ thông tin.

5-dau.jpg
Sáng 10.3, lực lượng chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn An Giang - Ảnh: Anh Hồ

Theo ông Hồ, các doanh nghiệp gặp khó khăn vào thời điểm này là do các nhà phân phối và thương nhân cung ứng không rót đủ lượng hàng để cung cấp cho người dân.

“Nếu các cửa hàng không đủ nguồn xăng nên bán cầm chừng thì sẽ bị xử lý, cho nên các cửa hàng sẽ tìm cách bán, tính toán như thế nào cho phù hợp để tránh bị phạt. Mà nếu cửa hàng không còn lượng xăng để bán thì cũng bị xử lý. Vì vậy, các cửa hàng đang gặp khó vì việc này”, ông Hồ nói.

Cũng theo ông Hồ, qua kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang, thì hầu như không có việc treo biển hết xăng hay ngừng bán.

“Nếu có cửa hàng nào vi phạm thì đơn vị sẽ lập biên bản theo nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan để làm rõ hành vi và xử lý nghiêm”, ông Hồ khẳng định.

Hai giải pháp cần sử dụng: Thuế và quỹ bình ổn giá

Thạc sĩ B.N (chuyên ngành Quản trị kinh doanh) cho biết, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế.

“Vấn đề giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian hiện nay và đạt mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội quốc gia, nguy cơ gia tăng lạm phát. Xăng dầu không chỉ tác động đến nhóm giao thông vận tải mà còn có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực như: logistics, đánh bắt thủy sản, nông nghiệp và đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng.

Trước tình hình kinh tế chính trị bất ổn trên thế giới như hiện này, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu.

Các bộ ngành đã có nhiều giải pháp như giảm thuế, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trong nước để đảm bảo tình hình an ninh năng lượng cũng như điều tiết nền kinh tế trong nước. Giá tăng là tất yếu, tuy nhiên mức tăng như thế nào để phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng cho người tiêu dùng mà vẫn có lợi nhuận cho doanh nghiệp đang là bài toán khó”, thạc sĩ B.N nhận định.

4-xang-tang.jpg
Cần kiểm soát điều hành thị trường giá xăng như thế nào để giá trong nước tiệm cận giá thế giới là điều cần thiết cho giai đoạn hiện nay. Hai giải pháp có thể sử dụng là thuế và quỹ bình ổn giá - Ảnh: Tô Văn

Theo thạc sĩ B.N, hiện nay, thị trường xăng dầu có những yếu tố tác động rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được đã diễn ra như xung đột giữa Nga và Ukraina, giá xăng dầu có thể tăng cao hơn nữa, khó có thể dự đoán được.

“Vì vậy, việc cần kiểm soát điều hành thị trường giá xăng như thế nào để giá trong nước tiệm cận thật gần giá thế giới là điều cần thiết cho giai đoạn hiện nay. Hai giải pháp có thể sử dụng là thuế và quỹ bình ổn giá.

Quỹ bình ổn giá là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước. Thời gian qua, quỹ bình ổn đóng vai trò quan trọng đã giúp bình ổn giá hiệu quả trong những thời điểm nhạy cảm.

Đây là một trong những công cụ tốt trong quản lý điều hành. Tuy nhiên, sử dụng quỹ bình ổn qua nhiều kỳ dư địa quỹ bình ổn có thể không còn nhiều vì vậy công cụ thuế có thể phát huy nhiều ưu điểm và mang tính dài hạn hơn”, thạc sĩ B.N ý kiến.

Thạc sĩ B.N cho biết, theo tính toán của nhiều doanh nghiệp xăng dầu, hiện nay các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.

“Một lít xăng RON95 đang “cõng” hơn 10.000 đồng tiền thuế, còn các mặt hàng xăng dầu khác có số tiền thuế phải nộp lên tới 8.000 - 9.000 đồng/lít, tùy theo từng sản phẩm. Do đó, các cơ quan liên quan ngoài việc tăng cường giám sát cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường, quản lý thị trường, thì cần xem xét nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế. Cụ thể, hai loại thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cần được chú trọng quan tâm. Thêm vào đó, trong chiến lược định hướng lâu dài cho ngành hàng xăng dầu cần phải cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường, tránh tình trạng giải pháp tình thế”, thạc sĩ B.N nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Người dân lao đao vì giá xăng sắp tăng cao