Kênh (kinh) Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Châu Đốc, tỉnh An Giang, chạy dọc miền biên viễn Tây Nam, thông qua các kênh đào đan xen, dòng nước từ Vĩnh Tế góp phần tống phèn ra biển, cung cấp nước ngọt, phù sa giúp ruộng đồng trù phú.
Văn hóa

An Giang: Kỳ tích kênh Vĩnh Tế

Tô Văn 07/11/2024 13:30

Kênh (kinh) Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Châu Đốc, tỉnh An Giang, chạy dọc miền biên viễn Tây Nam, thông qua các kênh đào đan xen, dòng nước từ Vĩnh Tế góp phần tống phèn ra biển, cung cấp nước ngọt, phù sa giúp ruộng đồng trù phú.

Kỳ tích kênh Vĩnh Tế

Trở lại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang vào sáng 7.11, phóng viên Một Thế Giới đi từ ngã ba sông Châu Đốc đến sông Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Dòng kênh Vĩnh Tế dài 91km nằm sát quốc lộ N1 thẳng tắp. Ta khó có thể tưởng tượng con kênh huyền thoại được đào bằng tay chỉ với cuốc xẻng, bởi hơn 80.000 người trong suốt 5 năm. Đây là kênh đào quy mô nhất thời phong kiến ở nước ta.

1-vinh-te.jpg
Một đoạn kênh Vĩnh Tế với hai bờ trù phú, dân cư đông đúc - Ảnh: Kim Luận

Là người gắn bó với con kênh Vĩnh Tế từ nhỏ, ông Năm Nhỏ (72 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc) cho biết từ khi con kênh ra đời đã hình thành một hệ thống thủy lợi thượng nguồn quan trọng cho vùng tứ giác Long Xuyên, góp phần khai phá, cải tạo và phát triển vùng đất này. Đến thời điểm này, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng...

“Kênh Vĩnh Tế được xem là “kênh mẹ” để hình thành các kênh T5, T4, T3 có đầu nguồn bắt đầu từ kênh Vĩnh Tế, tạo thành một mạng lưới thủy lợi dày đặc đưa nước ngọt từ sông Hậu vào sâu trong vùng tứ giác Long Xuyên. Hệ thống này giúp phân phối nước một cách đồng đều, cải thiện hệ thống thoát nước (thoát lũ), cung cấp nước tưới tiêu ổn định, giúp rửa phèn, dẫn phù sa cải tạo đất, tăng cường độ phì nhiêu cho đất, cải thiện điều kiện canh tác làm cho cây lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, sản xuất từ 1 vụ sang 2 vụ ăn chắc và đang tiến lên 3 vụ”, ông Năm Nhỏ bộc bạch.

Cũng theo ông Năm Nhỏ, việc đầu tư bài bản, đồng bộ với các công trình thủy lợi lớn trong suốt thời gian dài, đã biến tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực của ĐBSCL và vươn mình là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước.

3-vinh-te.jpg
Lăng Thoại Ngọc Hầu (phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) - Ảnh: Kim Luận

Giữa trưa nắng vùng biên như thiêu đốt, chúng tôi quay về lăng Thoại Ngọc Hầu (ở phường Núi Sam, TP.Châu Đốc) để thăm viếng, thắp hương.

Nơi này được công nhận di tích quốc gia năm 1997. Sau khi qua các bậc tam cấp bằng đá ong, chúng tôi đến sân lăng, hai cổng ra vào, phía trong là mộ Thoại Ngọc Hầu cùng hai vị phu nhân. Bên trên khu vực đền thờ là pho tượng bán thân uy nghi của vị công thần triều Nguyễn.

Nơi thắp sáng hào khí

Theo sử sách ghi chép lại, ông Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), quê tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thiếu thời, do quê nhà đang giữa lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh, Tây Sơn nổi dậy, năm 14 tuổi ông theo mẹ và các em vào Nam lánh nạn, định cư tại làng Thới Bình, cù lao Dài (nay là huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Năm 16 tuổi ông đầu quân triều Nguyễn, những năm sau đó lập được nhiều chiến công. Trong 52 năm phục vụ triều Nguyễn, ông đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lần sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên. Do vậy, dân gian còn hay gọi ông là “Bảo hộ Thoại”.

Năm 1817, Bảo hộ Thoại nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh. Hai năm sau, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kênh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên, ông được lệnh chỉ huy công trình. Tuy nhiên, do gặp năm hạn hán cộng với nhân công khan hiếm, nên việc đào kênh bị gián đoạn đến 3 lần.

Có thể tưởng tượng khu vực kênh Vĩnh Tế xưa như một “đại công trường” với hơn 80.000 dân binh người Việt. Việc đào kênh mất đến 5 năm, từ tháng chạp năm 1819 đến tháng 5 năm 1824. Kênh đào xong dài 91km, rộng 30m, độ sâu trung bình 2,55m.

2-vinh-te2.jpg
Kênh Vĩnh Tế xưa và nay cũng thế, không chỉ là một đường lưu thông thủy tiện lợi hay giữ gìn biên giới mà còn có tác dụng khác là đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào tháo chua rửa phèn cho ruộng đồng - Ảnh: Kim Luận

Vua Minh Mạng vì để ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu, đã lấy tên phu nhân ông, bà Châu Thị Tế đặt làm tên kênh. Đến năm 1835, Vĩnh Tế hà vinh dự được chạm trên cửu đỉnh, một trong 9 đỉnh bằng đồng đặt tại Hoàng thành Huế.

Ngày nay, ai có về An Giang sẽ nghe câu hát dân gian truyền miệng: “Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ, Nhớ ông Bảo hộ cắm cờ chiêu an”, như là một sự tưởng nhớ về công lao của vị võ quan tài đức một thời.

Khi nói về lợi ích của kênh Vĩnh Tế, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Từ đây đường sông thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”. Việc hoàn thành kênh Vĩnh Tế được dân chúng xem là một thành quả to lớn, có ảnh hưởng nhiều mặt đối với cư dân trong vùng.

Người dân mừng vì có đường giao thông thuận lợi từ Châu Đốc đi Hà Tiên. Giới chức biên phòng thời ấy cũng bớt gánh nặng nhờ có đường nước án ngữ ven biên. Kênh Vĩnh Tế xưa và nay cũng thế, không chỉ là một đường lưu thông thủy tiện lợi hay giữ gìn biên giới mà còn có tác dụng khác là đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào tháo chua rửa phèn cho ruộng đồng.

“Chính dòng kênh này là tuyến đường giao thông huyết mạch, thông thương hàng hóa và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn có vai trò quan trọng là sự khẳng định chắc chắn chủ quyền của Tổ quốc, không phải ngày này mà đã từ 200 năm trước”, nhà văn Trương Chí Hùng khẳng định.

Qua 200 năm lịch sử cho đến nay, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là kênh đào thủ công quý giá của vùng biên giới Tây Nam tổ quốc, khẳng định chủ quyền bờ cõi và làm nên vùng đất ĐBSCL trù phú. Kênh Vĩnh Tế còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, việc xây dựng kênh Vĩnh Tế là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và đồng lòng của hàng ngàn người dân, đây chính là nét đẹp văn hóa của con dân nước Việt.

Bên cạnh đó, với những khó khăn, vất vả do điều kiện thiên nhiên và vật chất gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết dân gian khi đào kênh tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú. Đồng thời, đây được xem là một minh chứng hữu hiệu cho việc giáo dục giúp thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống của cha ông ta để lại.

Bài liên quan
An Giang tổ chức lễ kỷ niệm ‘200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế’
Tối 14.11, tại TP.Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)” và tưởng niệm 198 năm ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 - 2024).

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Kỳ tích kênh Vĩnh Tế