Mấy ngày nay, con lũ từ thượng nguồn sông Mekong tràn nhanh về hạ nguồn. An Giang là tỉnh chịu thiệt hại về sản xuất lúa rõ nhất. Ở tỉnh này đã xảy ra sự cố lũ tràn, nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa của hàng ngàn nông dân, khiến đời sống của họ rơi vào khốn đốn.
Nước lũ trắng đồng vùng biên
Những ngày qua, đi trên những tuyến đường vùng biên giới đâu đâu cũng thấy một màu trắng toátcủa nước lũ. Đứng trên bờ kênh Vĩnh Tế đoạn thuộc xã An Nông, H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhìn sang Campuchia thấy những dãy núi cao sừng sững như đang chìm dần trong nước. Từ đây chạy dài về xã Lạc Quới và Vĩnh Gia, H.Tri Tôn là vùng chịu thiệt hại nặng nề từ lũ.
Nước lũ như đang nhấn chìm cả núi non ở Campuchia - Ảnh: Thanh Vĩnh
Bà Lê Thị Tươi (59 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới) cho biếtgia đình bà canh tác 4 héc ta ở cánh đồng bờ bắc kênh Vĩnh Tế, nơi thuộc ấp Vĩnh Thuận xã này. Lúa của bà đã ngậm sữa và đang chín (nông dân gọi là đỏ đuôi bông cái, còn khoảng 15 ngày thì thu hoạch), thì lũ tràn về, nhấn chìm hầu hết cánh đồng lúa bao la. 5 ngày trước, lũ ngập khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình bà và hàng trăm hộ dân khác mất trắng.
Theo bà Tươi, bà đã nợ tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết 45 triệu đồng, tiền bơm nước tốn hết 5,5 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuê máy múc đất đắp bờ kênh. Toàn bộ tiền này đã đầu tư hết vào cho cây lúa. Nhưng nay lúa bị nhấn chìm mất trắng, bà mang các món nợ ấy mà chưa biết lấy đâu ra tiền để trả.
“Dân cả xã này ai cũng chết vất chết vả vì lúa bị lũ nhấn chìm. Đi đâu cũng nghe nông dân than ngắn thở dài vì thiệt hại. Lũ năm nay lên quá sớm, kèm theo mưa nhiều đã để lại hậu quả ghê gớm. Bị trận này, nông dân xã Lạc Quới nghèo 3 năm”, bà Tươi thổ lộ.
Theo thống kê của UBND xã Lạc Quới, chỉ tính riêng ở xã này, khu vực bờ bắc kênh Vĩnh Tế đã có 505 héc ta lúa bị ngập úng. Trong đó lúa mất trắng là 476 héc ta… Nếu tính thêm các xã An Nông, Vĩnh Gia, thì con số lúa mất trắng còn nhiều hơn. Nước lũ đang tràn mạnh về các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú (An Giang). Do vậy, nhiều nơi chính quyền huy động ngàn chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ gia cố đê bao.
Nước nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa và đang đe dọa diện tích còn lại ở vùng biên giới - Ảnh: Thanh Vĩnh
Trên cánh đồng ven biên giới tiếp giáp Campuchia hiện còn sót lại một vùng lúa thuộc xã Vĩnh Gia, H.Tri Tôn đang bị nước lũ đe dọa. Ven bờ bắc kênh Vĩnh Tế, nông dân tự bỏ tiền ra thuê máy múc đất be bờ ngăn lũ. Họ còn thuê máy bơm chạy suốt 24/24 giờ để tháo nước ra. Dân hỏi chính quyền có hỗ trợ đắp bờ không, thì họ nói lo không xuể. Họ chỉ lo những cánh đồng nằm trong đê bao thôi.
“Chúng tôi phải đưa 50 triệu đồng cho đại diện chính quyền phía Campuchia để họ cho đắp con đê gần biên giới để ngăn lũ. Lúa ở đây sớm nhất cũng còn hơn 10 ngày mới thu hoạch. Nhưng nước lũ cứ lên chóng mặt, khiến nông dân như ngồi trên đống lửa. Tốn kém biết bao nhiêu mà chưa biết có ăn được hay không. Vái trời cho đừng mưa nữa.Chứ mấy ngày trước, hễ cócơn mưa trút xuống là nước trên kênh Vĩnh Tế dâng cao lên 2 tấc. Trong khi đó mực nước bên ngoài kênh đã mấp mé bờ, có nơi sắp tràn vào đồng ruộng. Lũ nhấn chìm lúa vùng này thì nông dân bị thiệt hại đủ đường, khổ không sao kể xiết”, anh Lê Văn Hùm (40 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, nông dân trồng 8 héc ta lúa, âu lo.
Chồng thất thần, vợ ngất xỉu dolúa mất trắng
Cùng thảm cảnh lũ tràn nhấn chìm lúa mà bao nông dân xem là gia sản của mình đổ vào đó, mới đây ở cánh đồng thuộc ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới cũng bị lũ nhấn chìm. Đây là cánh đồng lúa nằm giữa kênh 27 và bờ đông kênh T5, chưa được xây dựng đê bao.
Lũ tràn khiến cánh đồng ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới bị nhấn chìm - Ảnh: Thanh Vĩnh
Bà Trần Thị Ơn (63 tuổi, ngụ ấp An Phước, xã Vĩnh Phước, H.Tri Tôn) cho biếtchồng bà mới qua đời và gia đình nghèo khó. Quanh năm bà làm thuê đủ nghèo kiếm sống. Haingày nay, hay tin lũ nhấn chìm lúa của nhiều nông dân ở ấp Vĩnh Thuận, bà đến đây mót lúa. Bà cắt lúa rồi chất lên tấm cao su da rắn, kéo lúa vào bờ kênh. Hôm qua, bà mót được chừng 2 giạ lúa. Còn hôm nay thì cũng được bằng như vậy.
“Mình mót được lúa thì mừng, nhưng kiếm ăn trên sự đau khổ của chủ đất bởi lúa bị lũ nhấn chìm, chủ đất bỏ lúa cho mình mót. Nếuthuê cắt thì khi bán lúa thu hoạch được, chủ đất không đủ tiền trả công cắt. Mấy ngày nay, ngày nào cũng nghe chủ ruộng khóc than”, bà Ơn cho hay.
Bà Ơn, người mót lúa bị ngập khi chủ đất bỏ - Ảnh: Thanh Vĩnh
Ông Phạm Văn Cấp (44 tuổi, nông dân trồng 6,3 héc ta lúa bị lũ nhấn chìm) cho biếtlúa của ông và 9 hộ dân khác bị chìm trong nước lũ từ ngày 19.8. Thấy nước lũ dâng cao, ông cùng nhiều người thuê máy múc đất be bờ. Nhưng chỉ cầm cự được 7 ngày thì nước tràn khỏi mặt đê và xì nhiều lỗ qua thân đê vào đồng ruộng. Lúa của ông đang ở giai đoạn đỏ đuôi bông cái, còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch. Mấy ngày nay ông mất ăn mất ngủ vì mất trắng lúa.
Ông Cấp chia sẻvụ lúa này ông đã xuống giống trước năm ngoái 15 ngày. Vậy mà thu hoạch vẫn chạy không kịp lũ. Trung bình mỗi công đất ông đã đầu tư 2 triệu đồng. Ngoài thiệt hại tiền đầu tư, bao nhiêu công sức chăm sóc lúa, vất vả gia cố bờ bao cũng trôi theo dòng nước lũ. Giá lúa tươi hiện là 5.300 đồng/kg. Nếu sản xuất bình thường được 800kg lúa/công, thì mỗi công lúa thu về hơn 4 triệu đồng. Cả cánh đồng bị ngập gần 240 công, thì thiệt hại từ thu hoạch lúa lên cả tỉ đồng.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn (54 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới) thì thở dài ngao ngán bởi ông thuê đất trồng được 1,6 héc ta lúa, nhưng bị lũ nhấn chìm, mất trắng. Ngày 19.8, khi hay tin lúa bị ngập, vợ chồng ông ra đồng quan sát. Ông như người chết đứng trên đồng, vì bao vốn liếng dồn hết vào mảnh ruộng, giờ đã chìm sạch. Còn vợ ông thì té xỉu ngay trên bờ ruộng.
Anh Hùm bên đám lúa xanh rì của mình đang bị lũ đe dọa - Ảnh: Thanh Vĩnh
Ông Sơn cho biết có 2 người con nhưng người con gái lớn của ông mắc bệnh tâm thần. Người con trai nhỏ thì mới học lớp 10. Gia đình nghèo khó nên vợ chồng ông thuê đất trồng lúa kiếm sống. Bao nhiêu tiền có được đều đổ dồn vào mảnh ruộng đã bị lũ nhấn chìm. Nợ tiền phân thuốc, máy bơm, gia cố đê… ông chưa biết xoay đâu ra tiền để trả.
“Từ ngày vợ tui té xỉu, chở bả về thì 2 chân bả xụi luôn. Xương sống của bả cũng cứng đờ, không đi được. Tui chở vợ đến bệnh viện huyện, bác sĩ nói bả bị thần kinh, phải nhập viện gấp. Nhưng tui đành chở vợ về nhà, rồi kiếm thuốc nam chữa đỡ. Tới nay bả vẫn nằm liệt giường. Tui không còn tiền chữa bệnh cho vợ.Bữa nay tui tới ruộng mình để cắt mót kiếm 2 giạ lúa ăn sống qua ngày. Nợ nần tứ giăng chưa biết lấy gì trả. Tui tha thiết mong chính quyền giúp đỡ, để chúng tôi tìm đường trả nợ dần cho những vụ lúa sau”, ông Sơn ngao ngán.
Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Hầu hết lúa thiệt hại do lũ tập trung ở những vùng sản xuất ngoài đê bao. Chính quyền đã khuyến cáo bà con không nên sản xuất lúa vụ 3. Do vậy, chính quyền chỉ hỗ trợ lực lượng khi lúa sắp thu hoạch bị lũ đe dọa. Do không sản xuất trong đê nên những thiệt hại này không thỏa mãn điều kiện được hỗ trợ. Đối với những diện tích lúa sản xuất trong đê thì hiện vẫn an toàn”.
Thanh Vĩnh