Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có doanh thu tỉ USD đã và đang có quyết định đầu tư dài hạn vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo...
Tại hội thảo “Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và thách thức hậu COVID-19” ngày 28.4, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết hiện nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như ONGC (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ), Essar, NTPC, HCL, GMR… đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, Tập đoàn Essar mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng một khu tích hợp tổng thể trị giá khoảng 8 tỉ USD bao gồm nhà máy điện sử dụng khí, đầu tư các trạm biến áp, công trình truyền tải, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất phân bón.
Trong khi đó, Tập đoàn HCL đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam với tầm nhìn, mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nhân lực cho một chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin gồm 10.000 - 20.000 kỹ sư trên toàn bộ Việt Nam. Trước mắt, HCL cũng mong muốn thành lập một trung tâm công nghệ ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD sẽ đào tạo và tuyển dụng khoảng 10.000 kỹ sư trong 5 năm tới...
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết thêm, theo nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính Nomura (Nhật Bản) về 56 công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ có 3 trong số này chuyển tới Ấn Độ trong khi 26 đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan và 8 tới Thái Lan.
"Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo về chính sách hướng đông của Ấn Độ và chính sách hướng tây của Việt Nam với rất nhiều cơ hội kinh doanh. Các doanh nghiệp Ấn Độ hết sức quan tâm tới các chương trình giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, đồng thời mong muốn có cơ hội đến tham quan, giao dịch tại các triển lãm lớn của Việt Nam khi dịch kết thúc, trong đó có Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) và Triển lãm công nghiệp Việt Nam", Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay.
Tính đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ đạt hơn 11 tỉ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam với Ấn Độ đạt 2,2 tỉ USD, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam với hơn 200 dự án đã đạt hơn 870 triệu USD, con số này mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5% lượng vốn đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 2,345 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,398 tỉ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 1,055 tỉ USD. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Ấn Độ 343 triệu USD.
Giới chuyên gia nhìn nhận nguồn vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng đáng kể trong nhiều năm nay. Các lĩnh vực đầu tư chính mà doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm thời gian qua gồm có năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường và cà phê, dược phẩm...
Tại TP.HCM, Ấn Độ có khoảng gần 120 dự án đã được cấp phép đầu tư và còn hiệu lực với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 73 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khoa học công nghệ; công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến chế tạo; thông tin truyền thông.
Không chỉ giới hạn ở những lĩnh vực kể trên mà trong lĩnh vực nông nghiệp doanh nghiệp Ấn Độ cũng có sự quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể mới đây, Tập đoàn Tata Coffee Limited của Ấn Độ đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan sấy lạnh hiện đại tại Bình Dương với số vốn đầu tư lên tới 63 triệu USD.
Ông Sanjay Gupta - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chiến lược mạng lưới hoạt động của HCL từng cho biết khi nghiên cứu kỹ về kinh tế vĩ mô cũng như chính sách của Việt Nam trong thời gian qua, tập đoàn nhận thấy Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư. Trong đó, TP.HCM là trung tâm giáo dục, đào tạo có ưu thế về nguồn lực nhân sự.
Theo ông Sanjay Gupta, việc đầu tư vào Việt Nam không phải vì chi phí lao động giá rẻ mà là do tiềm năng của thị trường Việt Nam, đó là sự phát triển thị trường và đội ngũ kỹ sư trẻ Việt Nam chứa đựng nhiều điều hấp dẫn. Mặt khác, HCL cũng đánh giá cao những chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ.
Tuyết Nhung