Ngày được chữa lành vết thương chị Huỳnh Thị Q. nhất định đòi về sống tại căn nhà vừa xảy ra vụ thảm án. Chiều ý của đứa em gái mắc bệnh tâm thần, ông Tôn cho chị Q. trở về căn nhà và nhờ người chăm sóc, lo cơm nước. Dẫu tâm trí lúc mê lúc tỉnh chị Q. vẫn quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Tuy nhiên bên ngoài ngôi nhà sáng sủa bao nhiêu thì bên trong lại tối tăm, hoang lạnh bấy nhiêu giữa ban ngày.
Tiếng cười nói trong căn nhà từng có thảm án
Một cách hết sức tình cờ, ngày chúng tôi trở lại hiện trường của vụ thảm án ở ấp 1A, xã An Thạnh, H.Bến Lức, tỉnh Long An lại đúng ngày vụ án đã xảy ra cách đây 9 năm trước. Một chút lo lắng, sợ bóng sợ gió khiến chúng tôi chùn chân. Cố nén sự sợ hãi vô hình chúng tôi bước đến gần căn nhà cấp 4 nằm lẩn khuất trong đám cây bụi um tùm. Cổng nhà khóa cửa, không một bóng người nhưng sân nhà sạch trơn không có một cây cỏ dại. Các cửa sổ của ngôi nhà đều được sơn, dán, gắn kính màu tối, không thể quan sát vào bên trong.
Tìm sang nhà hàng xóm hỏi thăm chúng tôi được anh Quang (45 tuổi, ngụ xã An Thạnh, H.Bến Lức) chia sẻ vụ án ám ảnh đến nỗi mỗi khi phải đi qua cầu An Thạnh về hướng TT.Bến Lức anh không dám nhìn 2 bên đường. Anh từng đến hiện trường theo dõi cơ quan điều tra khám nghiệm. Cho nên khi nhắc đến vụ án, hình ảnh máu đỏ vương vãi khắp nơi lại bủa giăng trí nhớ anh khiến anh nổi gai ốc.
Anh Quang nhớ lại: “Mẹ con chị Ch. bị giết vào khoảng 19 giờ tối. Căn nhà chị Ch. đầy máu, bé Tr. nằm gục chết dưới bàn dài trong nhà, phần đầu và một bên mặt có nhiều nhát chém. Bên trên bàn, chiếc laptop của bé vẫn đang hoạt động. Trong khi đó chị Ch. nằm chết ngoài sân nhà sau, đối diện với cửa phòng tắm và cái ao sau nhà. Chị Ch. cũng bị chém ở phần đầu, mặt như bé Tr.. Chị Q. cũng bị chém với những vết thương giống hệt nhau”.
Anh Quang thành thật chia sẻ mỗi lần đi ngang ngôi nhà xảy ra thảm án anh luôn có cảm giác ớn lạnh, sợ sệt. Dù có người ở trong nhà nhưng lúc nào cũng khóa cửa cổng. Cánh cổng sắt hoen rỉ được khóa chặt bằng 1 sợi xích sắt nối với ổ khóa lớn. “Trong nhà có chị Q. sinh sống, tôi ít khi thấy chị ấy bước ra khỏi cửa nhà chứ đừng nói cửa cổng. Chị ấy bị tâm thần, chưa tới mức la hét, quậy phá nhưng người nhà phòng xa, khóa cửa để chị Q. không bỏ đi”, anh Quang cho biết.
Cách đó không xa chúng tôi gặp 1 người đàn ông khác đang sửa chữa giàn mướp trước căn nhà của mình. Khi được hỏi về căn nhà số 68/1 tỉnh lộ 830, người này rùng mình cho biết nơi đó từng xảy ra vụ thảm sát khiến 2 mẹ con chị Ch. chết tức tưởi. Hiện nay căn nhà vẫn có người ở nhưng không người dân địa phương nào muốn và dám vào trong.
“Người đang sống trong căn nhà đó là chị Q. Chị là người thoát chết trong vụ thảm án. Tuy nhiên chị này bị bệnh tâm thần nên ban đêm có người thân đến ngủ lại. Ban ngày thím và anh trai của chị Q. thay nhau đến đưa cơm. Nói chung nhà vắng lắm. Gần chục năm nay cứ cửa đóng then cài như thế. Ngoài người thân, không ai đến cả. Muốn vào nhà thì tìm thím của chị Q., bà ấy sẽ mở cửa cho vào”, người đàn ông cho biết.
Lời người sống sót sau thảm án
Theo sự hướng dẫn của người đàn ông này, chúng tôi băng qua con đường mòn ẩn dưới tán dừa nước tìm đến nhà người thím của chị Q. Tiếp khách trong căn nhà ngói đỏ giữa bốn bề cây cối, bà Nguyễn Thị Chiếm (73 tuổi, ngụ xã An Thạnh, H.Bến Lức) không chút e dè khi nhắc đến vụ án. Bà Chiếm nói: “Nhiều người hỏi tôi thường đến nhà Ch. chăm sóc cho Q. thì có thấy gì lạ không, tôi chẳng thấy có gì đáng sợ hết. Tôi trực tiếp dọn dẹp nhà cho Ch. sau khi công an hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường”.
Bà Chiếm từng lau dọn từng vệt máu loang trên sàn nhà, lập bàn thờ lo chuyện nhang khói cho 2 mẹ con chị Ch. Bà vốn rất thân thiết với các cháu gái từ lúc chị Ch. còn sống. Trước đó con trai của bà thường qua nhà chị Ch. ngủ lại khi chồng chị này vắng nhà. Chính con trai của bà Chiếm phát hiện vụ án kinh hoàng. Hiện tại mỗi đêm con trai bà vẫn qua căn nhà trên ngủ lại để chăm sóc cho chị gái họ. Hằng ngày bà Chiếm cũng sang nhà chị Q. để cơm nước và trò chuyện với cháu gái cho vui.
Bà Chiếm kể: “Thằng Phương thường chạy xe vào ban đêm nên con Ch. kêu con trai tôi qua nhà ngủ lại cho vững bụng. Nhà cũng có của nên nó lo lắng cũng đúng. Con trai tôi thường ngủ ngoài căn nhà kho bên hông nhà lớn, chỗ này cách nhà bếp có mấy bước chân. Do nhà kho nằm cách biệt với gian nhà chính nên con trai tôi thường đi chơi về khuya mà không lo làm các chị và cháu thức giấc. Vậy mà hôm xảy ra án mạng, không hiểu sao nó lại có linh tính mách bảo nên về nhà của cháu Ch. sớm hơn mọi bữa”.
“Nó bước vào nhà kho nhìn qua chỗ nhà vệ sinh thì thấy con Ch. nằm trên vũng máu. Hoảng sợ nó chạy bán sống bán chết về nhà kêu vợ chồng tôi ra xem. Lúc vợ chồng tôi đến, công an và người ta đã đứng kín nhà. Tội nghiệp lắm, máu chảy lênh láng. Mấy đứa bị chém chưa lâu nên máu tươi còn chảy nhỏ giọt. Thấy đứa nào còn thoi thóp, chúng tôi ôm lên xe đưa đi cấp cứu. Cháu Ch. tử vong tại chỗ, còn bé Tr. chết ở bệnh viện, chỉ có Q. thoát chết”, bà Chiếm cho biết.
Chúng tôi xin phép bà Chiếm dẫn về nhà chị Ch. để trò chuyện cùng chị Q.. Bà Chiếm nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị, cùng chúng tôi đi đến nhà chị Ch. Dù tuổi đã cao bà Chiếm vẫn nhanh nhẹn trèo qua hàng rào thấp hơn mặt đường, nhảy vào sân nhà. Bà vào lấy chìa khóa mở cổng cho chúng tôi vào. Cánh cổng mở ra, chúng tôi tranh thủ phóng tầm mắt vào bên trong quan sát nhưng không thấy bất cứ ai ngoài căn phòng bếp tối mù, sâu hun hút.
Bà Chiếm tự tin, xăm xăm bước vào nhà bếp, cất tiếng gọi ai đó. Bất ngờ từ trong căn phòng tối 1 người phụ nữ tuổi trung niên đứng chống nạnh giữa cửa từ lúc nào. Người này trông sạch sẽ, gọn gàng trong bộ quần áo mặc ở nhà. Tuy nhiên người phụ nữ này phóng ánh mắt sâu hút, tối tăm chòng chọc nhìn PV không chớp mắt. Bất chợt chúng tôi thấy gai người, hồi hộp. Chúng tôi cố tránh ánh mắt đó. Thế nhưng đôi mắt trắng dã, đứng tròng, không chớp cứ quan sát chúng tôi theo cách của người phụ nữ tâm trí không bình thường.
Sau khi nhìn chúng tôi đôi phút, chị này bất giác cười khanh khách, nói: “Làm gì nhìn em dữ vậy. Em đẹp quá phải không?”, rồi quay vào căn phòng tối. Vừa đi chị ta vừa nói những điều không ai hiểu: “Chị Hai không cho em nói…”, “Chị Hai bệnh sắp chết rồi, người mổ mấy lần… Tội cháu em thôi, nó còn nhỏ quá mà…”. Bà Chiếm cho biết chị Q. ở cùng nhà với vợ chồng chị Ch. và bé Tr.. Trước khi xảy ra vụ án Q. cũng đang điều trị bệnh tâm thần. Thời điểm các nạn nhân bị sát hại Q. cũng bị chém vào đầu nhưng được cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trong khi bà Chiếm chỉ cho chúng tôi vị trí các nạn nhân bị sát hại, chị Q. cứ nói linh tinh rồi lẩn khuất vào căn phòng tối sâu hút. Bà nói bé gái nằm chết ngay dưới bàn dài, bên trên còn có cái laptop đang mở. Mẹ của bé thì chết ngoài sân sau, đối diện với cái ao sau nhà. “Có lẽ nó bị chém ở trong nhà rồi cố chạy thoát thân ra cửa sau nhưng không kịp. Khi vừa chạy khỏi cửa nhà bếp đến cái sân này thì bị chém tiếp nên té ngã, nằm chết ở đây luôn”, bà Chiếm kể lại.
Trong lúc bà Chiếm dắt chúng tôi đi xung quanh nhà, chị Q. bày 3 ly nước trên chiếc bàn ở bếp. Chị Q. mời chúng tôi dùng nước và không quên nhắc cháu của chị ấy... đang ngồi kế đó uống nước. Hiểu chuyện, bà Chiếm nháy mắt ra dấu với chúng tôi và thầm thì: “Nó nói cháu và chị gái vẫn còn sống chung”. Bà nói chị Q. thường nói linh tinh, lúc thì bảo người này là hung thủ lúc lại khẳng định người kia giết chị và cháu mình.
Ban đầu nghe chị Q. nói người nhà còn bận tâm, mãi nhiều lần sau thấy không có căn cứ nên cứ mặc kệ. Bà Chiếm nói thêm vụ án cũng gần chục năm, người biết chuyện cũng không còn nhiều. Cái ao phía sau nhà cũng được lấp hơn một nửa. Dù mọi việc đã lâu nhưng người thân của 2 mẹ con chị Ch. vẫn hy vọng kẻ thủ ác phải sớm bị trừng trị thích đáng.
Ông Huỳnh Thanh Đương, Trưởng ấp 1A, xã An Thạnh, H.Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: “Vụ thảm án đã xảy ra quá lâu, cũng dần chìm vào quên lãng. Thời gian đầu cơ quan chức năng vào cuộc rất ráo riết nhưng không kết quả không khả quan. Ở địa phương mẹ con chị Ch. sinh sống hiền lành nhưng ít tiếp xúc với bên ngoài, chỉ sống khép kín trong nhà. Đặc biệt gia đình có nhiều người có bệnh về thần kinh”.