Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc 12,8 triệu lượt khách quốc tế trong năm, sau khi Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành.

9 sự kiện nổi bật của du lịch Việt Nam năm 2017

VNE | 15/12/2017, 16:56

Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc 12,8 triệu lượt khách quốc tế trong năm, sau khi Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành.

Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt nhiều dấu mốc mới, như tiền đề để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 thu hút tới 20 triệu lượt khách quốc tế.

Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nghị quyết của Bộ Chính trị được ban hành ngày 16/1, trong đó xác định đến năm 2020 du lịch cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn với tổng thu 35 tỷ USD, đóng góp 10% cho GDP. Trong vòng 10 năm sau đó, du lịch cần thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các lĩnh vực khác, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu trên, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được đặt ra.

Đây được đánh giá là cơ sở để ngành du lịch Việt Nam đột phá, góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” về chính sách cụ thể đối với thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu vùng xa, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch, quảng bá xúc tiến; chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; các chính sách về giá điện, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục nhập cảnh...

Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua

12 năm sau khi Luật Du lịch ra đời, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung ngày 19/6 với 90% đại biểu tán thành. So với Luật Du lịch 2005, Luật Du lịch 2017 có nhiều điểm mới.

Trong đó, các cơ sở lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng sao theo quy định, thay vì bắt buộc như trước đây. Hướng dẫn viên du lịch khi hành nghề cần có đủ 3 điều kiện, trong đó yêu cầu mới là có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hoặc thẻ hội viên của một tổ chức xã hội về hướng dẫn viên du lịch.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch dù được đề cập trong Luật 2005 nhưng đến nay chưa được thành lập. Trong Luật 2017 ghi rõ các nguồn thu, đảm bảo tính khả thi trong việc thành lập Quỹ, gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện khác.

Khách quốc tế đến đạt kỷ lục

Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc 12,8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, tăng 28% so với năm 2016. Mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm của du lịch cũng đạt kỷ lục từ trước đến nay với 2,8 triệu lượt.

Tổng thu từ khách du lịch trong năm nay dự kiến đạt trên 500.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% vào GDP. Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam đánh giá: “Riêng tỷ lệ tăng trưởng 6,7% GDP của cả nước thì du lịch sẽ đóng góp xấp xỉ 1%”.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017, dựa trên tăng trưởng lượng khách. Năm qua, Việt Nam cũng tăng 8 bậc (vị trí 67/136) về năng lực cạnh tranh Lữ hành và Du lịch, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Ngày du lịch trực tuyến đầu tiên

Thị trường trực tuyến từ lâu được coi là "miếng bánh còn bỏ ngỏ" của du lịch Việt Nam. Để thúc đẩy lĩnh vực này, ngày 5/7, ngày Du lịch trực tuyến quy mô toàn quốc lần đầu tiên đã diễn ra tại TP HCM, do Tổng cục Du lịch và Cục Thương mại điện tử phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử và Sở Du lịch TP HCM tổ chức.

Mục tiêu của chương trình là thu hút sự quan tâm cao hơn từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tới du lịch trực tuyến, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo hiểm… Sự kiện có sự tham gia của 600 doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.

Dự kiến ngày Du lịch trực tuyến sẽ tiếp tục được tổ chức hàng năm.

Bổ nhiệm Đại sứ Du lịch

Sau 5 năm kể từ khi Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên kết thúc nhiệm kỳ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ nhiệm vị trí này cho ông Lý Xương Căn với nhiệm kỳ 3 năm.

Ông Lý Xương Căn là hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ, hiện sống và làm việc tại Việt Nam, là Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tháng 9/2014.

Cũng trong năm nay, vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Anh và Mỹ được trao cho đạo diễn phim Kong: Skull Island, Jordan Vogt-Roberts với nhiệm kỳ 2017-2020. Từ khi được trao quyết định, Jordan tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước; đặc biệt là mời một số nhà làm phim Hollywood đến Việt Nam khảo sát bối cảnh.

Quảng bá du lịch qua phim "Kong: Skull Island"

Phim bom tấn của Hollywood Kong: Skull Island được công chiếu hồi tháng 3. Đây được coi là "cơ hội vàng" của du lịch Việt Nam khi nhiều cảnh đẹp ghi hình ở Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình xuất hiện trên hàng nghìn rạp chiếu trên toàn thế giới.

Tận dụng lợi thế này, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá "ăn theo", như Quảng Bình tung clip giới thiệu điểm du lịch xen kẽ cảnh phim, Ninh Bình dựng làng thổ dân ngay trong khu du lịch Tràng An hay Quảng Ninh phối hợp mời các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát địa điểm ghi hình... Những hình ảnh hiện trường được Tổng cục Du lịch đề xuất dùng làm tài liệu quảng bá hoặc minh họa các tour du lịch đến những nơi quay bộ phim.

Thị thực điện tử cho khách nước ngoài

Được thực hiện từ ngày 1/2, việc cấp thị thực (visa) điện tử cho công dân 46 nước được đánh giá như một cú hích thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài muốn được cấp thị thực điện tử chỉ cần truy cập vào trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để khai thông tin, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu, nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, đề nghị sẽ được giải quyết.

Sau 9 tháng thực hiện, 96.478 lượt người nước ngoài được cấp thị thực điện tử.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực và mục tiêu trở thành bếp ăn thế giới

Ẩm thực là một trong những nét đặc trưng và gây ấn tượng với du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong nhiều bảng xếp hạng gần đây, ngoài phở, bún chả thì bánh mì, cao lầu, mì Quảng, phở cuốn cũng liên tục được nhắc đến, thu hút du khách tìm đến thưởng thức.

Với mục tiêu nâng tầm ẩm thực Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, mang hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã ra đời hồi tháng 9 và được kỳ vọng là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Hiệp hội hiện có 115 thành viên. Ngoài tôn tạo, khai thác, lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam, hiệp hội cũng thực hiện quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Giải thưởng Du lịch thế giới

Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards 2017 vừa được tổ chức tại Phú Quốc. Đây được coi là giải “Oscar trong lĩnh vực du lịch toàn cầu”. Tại buổi lễ, giải nhất ở 6 hạng mục đã vinh danh các đại diện đến từ Việt Nam.

Các giải gồm khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, nhà hàng Fine Dining sang trọng nhất thế giới, khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới, nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới, hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa và hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt.

2017 được coi là một năm bội thu của Việt Nam với giải thưởng du lịch danh giá nhất hành tinh này.

Theo VnExpress
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 sự kiện nổi bật của du lịch Việt Nam năm 2017