Tại Việt Nam, trẻ em mắc bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do sự lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh dễ bị lây bệnh.
Ở Việt Nam trẻ em mắc bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh lao như lao màng não (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hỏi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong.
Ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh lao, trong đó có khoảng 100.000 trẻ tử vong. Trẻ dưới 3 tuổi và những trường hợp bị suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 15.000 trẻ em mắc bệnh lao phải nhập viện điều trị. Trẻ bị lao thường có nguồn lây lao từ người thân (trong các gia đình nghèo, điều kiện sống chật chội, những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm) chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ từ nhiễm trở thành bệnh là 10% trong 10 năm sau khi bị nhiễm lao. Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết trẻ mắc bệnh lao thường có các biểu hiện ho dai dẳng, khò khè, có thể sốt nhẹ; không cải thiện khi đã điều trị kháng sinh phổ rộng, triệu chứng 7 - 10 ngày (trẻ 5 - 14 tuổi có thể có các triệu chứng ho khạc đờm/máu, đau ngực); sụt cân hoặc không tăng cân hoặc suy dinh dưỡng (đã loại trừ các nguyên nhân khác)…
Hiện nay tiêm phòng vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc xin phòng bệnh lao hiện nay nước ta đang sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin BCG, được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt, thường được tiêm phòng lao ngay ngày đầu tiên sau sinh.
Tuy nhiên, vắc xin BCG không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV…) cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70 - 80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.
Phân tích của các chuyên gia y tế cho thấy vắc xin phòng lao có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng. Những phản ứng này thường nhẹ như: sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, mệt, nổi ban và nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ như da cam ở chỗ tiêm, thường mất đi trong vòng 30 phút.
Khoảng 2 tuần sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét khoảng 10mm. Vết loét này tồn tại khoảng 2 tuần rồi tự khỏi để lại sẹo đường kính khoảng 5mm. Đây là dấu hiệu cho thấy việc tiêm vắc xin đã có hiệu quả đối với trẻ. Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vắc xin phòng lao từ 3 - 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
Trong trường hợp các phản ứng sau tiêm ở trẻ trở nên trầm trọng hơn như: sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1 - 2 ngày; vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần, phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị. Trường hợp trẻ bị sốt cao khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê cần được cấp cứu kịp thời.