Một Thế Giới điểm qua 7 sự kiện công nghệ đáng chú ý năm 2020, được rất nhiều hãng tin trên thế giới đăng tải và thu hút hàng tỉ lượt xem.

7 sự kiện công nghệ hút tỉ view 2020: Mỹ và Ấn Độ vùi dập công ty Trung Quốc, 2 vụ hack thập kỷ

Nhân Hoàng | 20/12/2020, 10:59

Một Thế Giới điểm qua 7 sự kiện công nghệ đáng chú ý năm 2020, được rất nhiều hãng tin trên thế giới đăng tải và thu hút hàng tỉ lượt xem.

COVID-19 giúp các ứng dụng học trực tuyến và giải trí lên ngôi 

COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cuối tháng 12.2019 và nhanh chóng lây lan ra toàn cầu khi người Trung Quốc di tản khắp nơi. Khi nhiều nước áp đặt biện pháp phong tỏa, đóng cửa hàng và nơi giải trí, hàng triệu người phải ở nhà học, giải trí, làm việc trực tuyến, chưa kể rất nhiều người mất việc. Từ đó, nhu cầu sử dụng các ứng dụng làm việc trực tuyến, giao tiếp qua video hay giải trí tại gia tăng mạnh.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020.png
Các ứng dụng gọi video được đông đảo người sử dụng trong dụng thời COVID-19, theo thống kê của 
Adsota vào tháng 5.2020

Zoom và TikTok là hai trong những ứng dụng được nhiều người cài đặt nhiều nhất khi COVID-19 hoành hành. Trong khi Zoom dành cho nhu cầu học tập và làm việc nhóm từ xa, TikTok giúp người dùng giải khuây với các video ngắn vàcác nhà sáng tạo tranh thủ kiếm tiền. Tuy vậy, cả hai ứng dụng Trung Quốc này đều dính lùm xùm liên quan đến vấn đề bảo mật và dữ liệu cá nhân gây hoang mang.

Nhu cầu dùng các ứng dụng phổ biến như Facebook Messenger, Skype, Zalo, Viber, Google Hangouts cũng tăng mạnh thời COVID-19.

Chính quyền Trump vùi dập TikTok, WeChat, Huawei, SMIC và các công ty Trung Quốc

TikTok bị chính quyền Trump công kích liên tục trong năm nay với lý do đe dọa an ninh quốc gia và mối lo có thể thu thập dữ liệu hơn 100 triệu người dùng Mỹ gửi cho Chính phủ Trung Quốc.

TikTok và công ty mẹ ByteDance luôn phủ nhận việc này. Thế nhưng, Tổng thống Trump vẫn ký các sắc lệnh hành pháp buộc ByteDance bán lại TikTok cho công ty Mỹ nếu không sẽ bị cấm. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh buộc Apple và Google gỡ TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng, hạn chế cung cấp nội dung và tất cả giao dịch kỹ thuật khác với TikTok ở Mỹ. Song đến nay, TikTok vẫn bình an vô sự nhờ phán quyết có lợi từ các thẩm phán Mỹ. Việc ByteDance thương thảo với Oracle và Wallmart trong việc thành lập công ty mới mang tên TikTok Global vẫn chưa hoàn tất. Khi ông Trump thất cử, TikTok hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn ở Mỹ dưới thời Biden.

Tương tự TikTok, WeChat tưởng chừng bị xóa khỏi App Store, Google Play nhưng thoát hiểm phút chót nhờ phán quyết có lợi từ thẩm phán. Hàng triệu người gốc Hoa ở Mỹ giải tỏa được mối lo mất cầu nối liên lạc với người thân, bạn bè ở Trung Quốc.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-1.jpg
TikTok, WeChat, Huawei khốn đốn vì rơi vào tầm ngắm của chính quyền Trump

Huawei có lẽ là công ty Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề nhất năm nay do các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Vào tháng 5, Mỹ đã sửa đổi một quy tắc nhằm cắt Huawei khỏi nguồn cung cấp chip quan trọng. Quy định mới không cho phép nhà sản xuất giao chip cho Huawei mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ nếu những chip đó được làm bằng công nghệ Mỹ.

15.9.2020 là ngày cuối cùng TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể giao chip cho Huawei mà không cần giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC.

Vào tháng 8, một giám đốc điều hành Huawei cho biết công ty sẽ không thể sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu của mình là Kirin để cung cấp sức mạnh cho dòng smartphone cao cấp.

Tình trạng thiếu chip do lệnh cấm cung cấp từ Mỹ ảnh hưởng mạnh đến đà tăng trưởng doanh số bán smartphone của Huawei. Giữa tháng 11 vừa qua, Huawei phải bán mảng smartphone bình dân Honor trong nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng của hãng trước hành động từ Mỹ.

Dẫn đầu quý 2/2020 về thị phần nhưng Huawei rơi xuống vị trí thứ hai sau Samsung vào quý 3/2020 do số lượng smartphone xuất xưởng giảm 22% xuống 51,9 triệu.

Năm ngoái, Huawei đã bị đưa vào danh sách thực thể của chính quyền Trump dẫn đến việc các công ty Mỹ bị hạn chế làm ăn với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Huawei không còn được phép sử dụng ứng dụng và dịch vụ Google trên smartphone của mình.

Đây không phải là vấn đề lớn ở Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Google bị chặn. Còn tại các thị trường quốc tế, vốn rất quan trọng với kế hoạch tăng trưởng của Huawei, người tiêu dùng đã quen với việc sử dụng các ứng dụng của Google. Smartphone hàng đầu mới nhất Huawei không có bộ ứng dụng Google gây ảnh hưởng đến doanh số bán máy.

Sự sụt giảm trên các thị trường quốc tế đang tiếp diễn với Huawei, nhưng công ty cũng đã chứng kiến ​​lượng xuất xưởng tại Trung Quốc giảm 15% trong quý 3/2020. Tương lai kinh doanh smartphone của Huawei vẫn còn nhiều bất ổn.

Trong năm nay, hết Bộ Quốc phòng đến Bộ Thương mại Mỹ đưa SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, vào danh sách đen với cáo buộc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - ông Wilbur Ross khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ ngăn cản SMIC tiếp cận loại công nghệ dùng để sản xuất chất bán dẫn ở mức độ tiên tiến, tức từ 10 nanomét trở xuống. Theo ông Wilbur Ross, Bộ Thương mại Mỹ sẽ không để công nghệ hiện đại của Mỹ tiếp tay xây dựng quân đội đối thủ.

Giờ đây, các công ty Mỹ phải có giấy phép từ chính phủ để bán các sản phẩm, chẳng hạn phần mềm và thiết bị sản xuất chip, cho SMIC.

Hàng chục công ty Trung Quốc khác cũng bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen, bao gồm cả những hãng giúp xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như công ty liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền

Hai vụ hack thế kỷ vào Twitter và các cơ quan Chính phủ Mỹ

Sáng 16.7, hacker chiếm quyền điều khiển 130 tài khoản Twitter cao cấp sau khi có quyền truy cập vào công cụ quản trị nội bộ của công ty này. Tiếp đó, hacker đăng thông điệp kêu gọi mọi người gửi 1.000 USD tới ví Bitcoin, lừa rằng người gửi sẽ được nhận lại gấp đôi. Tài khoản Barack Obama (cựu Tổng thống Mỹ), Bill Gates (nhà đồng sáng lập Microsoft), Joe Biden (ứng viên Tổng thống Mỹ), Jeff Bezos (CEO Amazon), Elon Musk (CEO Tesla và SpaceX), Apple, Uber, rapper Kanye West, diễn viên Kim Kardashian nằm trong số các tài khoản Twitter có dấu tick xanh (đã xác thực) bị hacker chiếm đoạt để thực hiện hành vi lừa đảo. Các chuyên gia tin rằng những hacker đã lừa được khoảng 120.000 USD. Đây là vụ chiếm tài khoản Twitter lớn nhất từ trước đến nay.

Đến đầu tháng 8, thiếu niên 17 tuổi cùng hai đồng phạm 19 và 22 tuổi đã bị bắt giữ vì cáo buộc là chủ mưu đứng sau vụ hack Twitter đình đám trên. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Mason Sheppard (còn gọi là Chaewon, 19 tuổi, người Anh) cùng Nima Fazeli (còn gọi là Rolex, 22 tuổi, ở Florida, Mỹ) và một kẻ chưa đến tuổi thành niên đã bị buộc tội với tội danh lừa đảo qua hình thức điện tử, âm mưu thực hiện rửa tiền và tấn công có chủ đích vào máy tính được bảo vệ.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-11.jpg
Hacker chiếm nhiều tài khoản Twitter nổi tiếng để gửi đi thông điệp lừa đảo tiền điện tử

Tuần qua, nước Mỹ rúng động vì vụ hack hàng chục hệ thống chính phủ và tư nhân của Mỹ. Đây được cho là vụ hack lớn nhất thập kỷ qua.

Các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện bản cài đặt của Orion, phần mềm giám sát và quản lý mạng của công ty SolarWinds, đã bị nhiễm trojan. Hacker đã dùng backdoor có tên là SUNBURST (hoặc Solorigate) để thực hiện quá trình lây nhiễm trojan vào Orion. Sự việc trở nên đáng báo động khi nhiều tổ chức chính phủ và các công ty lớn trên toàn cầu đã cài đặt phiên bản Orion nhiễm trojan.

SolarWinds phục vụ hơn 300.000 khách hàng trên toàn cầu, bao gồm 425 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 của Mỹ, 10 công ty viễn thông hàng đầu của Mỹ. Ngoài ra còn có hàng trăm trường học và cao đẳng, tất cả 5 nhánh của Quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, NASA, NSA, Postal Service, NOAA, Bộ Tư pháp và Văn phòng Tổng thống Mỹ.

Tập đoàn Microsoft hôm 17.12 cho biết đã tìm thấy phần mềm độc hại trong hệ thống của mình liên quan đến chiến dịch hack này. Microsoft đã xác định được 40 công ty, cơ quan chính phủ và các tổ chức tư vấn bị hacker xâm nhập.

Theo Microsoft và hãng an ninh mạng FireEye, nhóm hacker đứng đằng sau vụ tấn công này có thể được tài trợ bởi một chính phủ nghi là Nga. Các cơ quan tình báo nói với Quốc hội Mỹ rằng họ tin rằng chiến dịch hack được thực hiện bởi SVR, Cơ quan Tình báo đối ngoại của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo là thành viên đầu tiên của chính quyền Trump công khai cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công mạng, sử dụng nhiều công cụ tinh vi để xâm nhập vào hàng chục hệ thống của chính phủ và tư nhân, bao gồm cả các phòng thí nghiệm hạt nhân, Lầu Năm Góc, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại. Dù vậy, Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly I. Antonov đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và cho biết hôm 16.12 rằng có “những nỗ lực vô căn cứ của giới truyền thông Mỹ để đổ lỗi cho Nga” về các cuộc tấn công mạng gần đây.

Google và Facebook bị kiện vi phạm chống độc quyền

Hôm 16.12, Texas và 9 bang khác đã kiện Google, cáo buộc công ty này làm việc với Facebook một cách bất hợp pháp, vi phạm luật chống độc quyền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến vốn đã thống trị của mình. 9 bang tham gia vụ kiện cùng Texas là Arkansas, Indiana, Kentucky, Missouri, Mississippi, Nam Dakota, Bắc Dakota, Utah và Idaho. Tất cả đều có công tố viên của đảng Cộng hòa.

Theo Reuters, 10 bang này yêu cầu Google (công ty con của Alphabet kiểm soát 1/3 ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu) bồi thường thiệt hại cho họ và tìm biện pháp giảm nhẹ cấu trúc, thường được hiểu là buộc thoái vốn một số tài sản của mình.

Hành động này gia tăng áp lực cho Google, công ty dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền lần thứ ba từ hơn tổng chưởng lý 30 bang. Giống đơn khiếu nại của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra vào 20.10, tổng chưởng lý 30 bang sẽ cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền để duy trì sự thống trị của tìm kiếm trực tuyến. Vụ kiện sẽ cáo buộc Google ủng hộ các sản phẩm của mình hơn là đưa ra kết quả tìm kiếm trung lập, gây bất lợi cho các đối thủ. Hôm 20.10, Bộ Tư pháp Mỹ và 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google. Lý do Google bị cáo buộc vi phạm luật trong việc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-13.jpg
Google và Twitter dính các vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thập kỷ

Ngày 10.12, Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cùng 46 bang và vùng lãnh thổ kiện, nói rằng công ty này sử dụng chiến lược “mua hoặc chôn vùi” để bắt kịp các đối thủ lớn và kìm chân các đối thủ nhỏ hơn. Hai đơn kiện riêng biệt do Ủy ban Thương mại Liên bang và liên minh quan chức các bang đệ trình kêu gọi Facebook bán lại Instagram, WhatsApp.

Tổng thống Trump liên tục bị Twitter và Facebook gắn nhãn

Twitter lần đầu tiên ẩn một tweet của Tổng thống Trump đằng sau nhãn “lợi ích công cộng” vào tháng 27.5 khi ông vi phạm chính sách của công ty về việc tôn vinh bạo lực. Từ đó đến nay, Twitter liên tục dán nhãn tweet bị cho không đúng sự thật của ông Trump, đặc biệt là các nội dung cáo buộc có gian lận bầu cử sau khi nhiều hãng tin công bố Biden chiến thắng hôm 7.11. Không riêng Twitter mà Facebook cũng làm điều này trước và sau thời điểm đó.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-1333.jpg
Các tweet cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của Trump gần đây đều bị Twitter dán nhãn

Thời gian qua, ông Trump tìm cách bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng, bao gồm dọa phủ quyết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 740 tỉ USD. Lý do vì Trump và nhiều người ủng hộ ông khẳng định các công ty công nghệ có thành kiến ​​chống bảo thủ, điều mà họ phủ nhận.

Sau khi bị Twitter lần đầu ẩn đi tweet vào 27.5, ông Trump sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên mạng xã hội. Sắc lệnh của ông Trump không thể khiến Mục 230 bị thay đổi hay bãi bỏ ngay lập tức bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới thực hiện được. Bản dự thảo của ông Trump kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Mục 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của ông Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.

Ấn Độ cấm 220 ứng dụng Trung Quốc sau cuộc chiến biên giới đẫm máu

Căng thẳng giữa hai nước tăng cao kể từ tháng 5 khi Ấn Độ phát hiện các nỗ lực xâm phạm lãnh thổ của quân đội Trung Quốc. Ngày 15.6, binh lính hai bên đã đụng độ dữ dội khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một quân số phía Trung Quốc thiệt mạng.

Đến ngày 19.6, Ấn Độ cấm 58 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả TikTok và WeChat, cũng như chặn đầu tư của công ty nước này vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như đường bộ và viễn thông. Kể từ đó, “tẩy chay Trung Quốc” và các biến thể của nó đã trở thành xu hướng trên Twitter ở Ấn Độ khi ngày càng có nhiều người đăng các video tiêu hủy smartphone, TV và các sản phẩm khác do Trung Quốc sản xuất.

Hôm 2.9, Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng xứ Trung khác vào theo mục 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin, trong đó có game chiến đấu nhiều người chơi trực tuyến Player Unknown’s Battlegrounds (PUBG).

Đến 24.11, Ấn Độ cấm tiếp 43 ứng dụng di động Trung Quốc cũng theo mục 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin, gồm cả website mua sắm nổi tiếng AliExpress.

"Hành động này được thực hiện dựa trên đầu vào liên quan đến các ứng dụng này vì tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh của nhà nước và trật tự công cộng", Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ cho biết.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-133333.jpg
Từ 29.6.2020 đến 24.11.2020, Ấn Độ đã cấm 220 ứng dụng Trung Quốc

Theo trang TechCrunch, tại thời điểm này, không còn ứng dụng Trung Quốc nào trong số 500 ứng dụng hàng đầu được sử dụng ở Ấn Độ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các bước đi quyết liệt của nước láng giềng, kêu gọi điều chỉnh ngay lập tức “cách tiếp cận phân biệt đối xử và tránh gây thêm thiệt hại cho hợp tác song phương”.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ - bà Ji Rong nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc phía Ấn Độ liên tục sử dụng 'an ninh quốc gia' như cái cớ để cấm một số ứng dụng di động có nền tảng tiếng Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh rằng "Trung Quốc và Ấn Độ là cơ hội phát triển của nhau hơn là những lời đe dọa”.

Đối tác Apple chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

Dưới áp lực của chi phí nhân công cũng như các rủi ro khác xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Apple yêu cầu đối tác lâu năm Foxconn (Đài Loan) chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Để xây dựng dây chuyền mới này, Foxconn thông báo khoản đầu tư lên tới 270 triệu USD để mở công ty con tên là FuKang Technology tại Bắc Giang. Dự kiến dây chuyền sản xuất iPad, MacBook ở Bắc Giang sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm sau.

Airpods Max, mẫu tai nghe mới ra mắt của Apple, cũng được sản xuất tại các nhà máy Luxshare và Goertek ở miền Bắc Việt Nam.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-13333.jpg
Foxconn mở rộng sản xuất ở Việt Nam với vốn đầu tư 270 triệu USD

Hôm 24.7, Apple bắt đầu sản xuất iPhone 11 tại nhà máy Foxconn gần thành phố Chennai, thủ phủ của bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Theo trang India Times, đây là lần đầu Apple sản xuất một mẫu iPhone hàng đầu tại Ấn Độ, đánh dấu sự thúc đẩy cho chiến dịch Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) ​​của chính phủ nước này.

Việc sản xuất sẽ được đẩy mạnh theo từng giai đoạn và Apple có thể xem xét xuất khẩu iPhone 11 do Ấn Độ làm, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sản xuất ở Ấn Độ giúp Apple tiết kiệm thuế nhập khẩu 22%, mang đến giá iPhone phù hợp hơn cho người dùng và bán được nhiều máy hơn.

Ngoài ra, Apple được cho đang xem xét kế hoạch sản xuất iPhone SE mới tại nhà máy của Wistron (công ty Đài Loan khác) gần thành phố Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, miền nam Ấn Độ.

Động thái này cho thấy Apple đẩy mạnh quá trình sản xuất iPhone ở Ấn Độ, nơi đại gia công nghệ Mỹ muốn tận dụng lợi ích theo chương trình khuyến khích liên kết sản xuất hàng hóa của chính phủ nước này. Qua đó giúp mở rộng cơ sở sản xuất Apple ngoài Trung Quốc vào thời điểm quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên tồi tệ.

Hôm 11.7, truyền thông đưa tin Foxconn có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để mở rộng nhà máy ở bang Tamil Nadu (Ấn Độ), nơi đang sản xuất iPhone XR. Động thái này được cho là muốn dần chuyển việc sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng chính Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một phần sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc.

Foxconn có kế hoạch đầu tư vào nhà máy Sriperumbur (nơi sản xuất iPhone XR) nằm ở bang Tamil Nadu, cách thành phố Chennai (Ấn Độ) 50 km về phía tây, dự kiến ​​sẽ hoàn thành sau 3 năm nữa. Một số mẫu iPhone khác do Foxconn sản xuất tại Trung Quốc sẽ được chuyển đến đây. Foxconn sẽ bổ sung khoảng 6.000 nhân công tại nhà máy Sriperumbur theo kế hoạch.

Apple ra mắt dòng iPhone 12 trễ 1 tháng do COVID-19

Lần đầu tiên Apple phải trình làng iPhone thế hệ mới trễ 1 tháng (hôm 13.10 thay vì tháng 9) do COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Không quá đột phá nhưng nhờ sở hữu kết nối 5G và nâng cấp vài tính năng quan trọng, dòng iPhone 12 vẫn bán chạy và cháy hàng ở một số thị trường. Các điểm mới đáng chú ý của dòng iPhone 12 là thiết kế cạnh phẳng như iPhone 4, hỗ trợ mạng 5G, chip A14 Bionic nhanh hơn, camera cải tiến, kính trước bền hơn, phụ kiện MagSafe gắn vào mặt sau máy hỗ trợ sạc không dây.

7-su-kien-cong-nghe-hut-hang-ti-luot-xem-2020-13333333.jpg
Mặc COVID-19 và bị cho không có nhiều đột phá, dòng iPhone 12 vẫn thành công 

Nhu cầu ngày càng tăng của người dùng đã thúc đẩy Apple đặt đối tác trong chuỗi cung ứng sản xuất thêm 2 triệu chiếc iPhone 12 vào cuối tháng 10 vừa qua.

Công ty Cinda Securities (Trung Quốc) ước tính nhu cầu với dòng iPhone 12 có thể sẽ đạt 80-85 triệu chiếc. Cinda Securities cũng ước tính rằng Apple có thể sẽ xuất xưởng khoảng 230-240 triệu chiếc dòng iPhone 12 vào năm 2021. Nếu điều này xảy ra, iPhone 12 series sẽ trở thành dòng smartphone bán chạy nhất của Apple từ trước đến nay. Kỷ lục đó đang được nắm giữ bởi iPhone 6 và 6 Plus với lô hàng ước tính là 222,4 triệu chiếc.

Bài liên quan
Đối tác sản xuất lớn nhất của Apple định đầu tư thêm 270 triệu USD vào Việt Nam
Công ty Đài Loan tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tìm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 sự kiện công nghệ hút tỉ view 2020: Mỹ và Ấn Độ vùi dập công ty Trung Quốc, 2 vụ hack thập kỷ