Các doanh nghiệp tư nhân có tới 65% chọn tiêu chí Chính phủ hành động, 24% mong muốn Chính phủ liêm chính, và 11% chọn tiêu chí Chính phủ kiến tạo.
Sáng nay, 31.7, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 đã diễn ra với sự có mặt của gần 1.000 doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự.
Theo báo cáo của VPSF, nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỉ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp.
Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao.
Trước khi bắt đầu cuộc đối thoại Ban Tổ chức đã đưa ra một câu hỏi khảo sát đối với khối doanh nghiệp tư nhân: “Trong thông điệp của Chính phủ là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo và Chính phủ hành động, bạn chọn thông điệp nào?” Kết quả, các doanh nghiệp tư nhân có tới 65% chọn tiêu chí Chính phủ hành động, 24% mong muốn Chính phủ liêm chính, và 11% chọn tiêu chí Chính phủ kiến tạo.
Phát biểu tại hội nghị,Thủ tướng cho biết: “Chính phủ đặt tiêu chí là hành động hàng đầu, đưa kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tổ chức 5 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, tính ra là không ngày nào Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp về chủ đề doanh nghiệp. Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin doanh nghiệp có xu hướng cải thiện rõ nét”.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn hành động thì cần nhìn vào tương lai, phải có niềm tin. Thủ tướng cũng dẫn đánh giá của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim năm 2014 rằng: “Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng, nhờ vào những nhà lãnh đạo, vào những doanh nghiệp tư nhân và vào người dân, cũng như vị trí địa lý nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, và hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước”.
Theo Thủ tướng, với mỗi đơn vị bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân. Những gì tư nhân có thể làm tốt thì để tư nhân làm. Đây là con đường đúng đắn để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích các địa phương chủ động sáng tạo, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế.
“Kinh tế tư nhân còn là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Làm thế nào hiện thực hóa điều này, đó là câu hỏi lớn mà Thủ tướng mong muốn lắng nghe từ phía doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nói vànhấn mạnh: “Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”.
Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói của nhà văn Mark Twain: “20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây và nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá”.
Tại hội nghị này, ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cũng đề nghị Thủ tướng chia sẻ cụ thể hơn về việc người Việt mua nhà tại Mỹ. Theo vị này, con số thực có thể còn lớn hơn mức 3 tỉ USD mà báo chí trong nước dẫn từ báo cáo của một tổ chức ở Mỹ.
"Điều này cho thấy môi trường đầu tư còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm. Chính phủ có cách gì để doanh nghiệp trong nước yên tâm rót tiền vào đầu tư?", ông Lâm nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng rất cần suy nghĩ về câu chuyện này. "Ví dụ như có chăng vì vấn đề lãi suất USD bằng 0 chẳng hạn. Cho nên, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân".
"Chúng ta cần có chính sách đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút đầu tư. Bởi vì đã có những ví dụ rất thành công như một số quỹ đầu tư nước ngoài, từ chỗ chỉ 10 triệu USD thì nay đã lên đến 3 tỉ USD. Do vậy, phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.