Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại khu vực miền Bắc cho biết doanh thu của đơn vị này có hơn 35 tỉ đồng trong vòng nửa năm 2017, giảm khoảng 2 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái.
Sáng ngày 7.7, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức Lễ tổng kết 6 tháng năm tại Hội trường Hội nhạc sĩ Hà Nội. Sự kiện có sự góp mặt của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và các nhạc sĩ gạo cội như nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ…
Chủ trì cuộc gặp gỡ là ông Nguyễn Hoàng Giang, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại khu vực miền Bắc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, cuộc gặp gỡ nhằm làm sáng tỏ những thông tin sai lệch về cách thu tiền của VCPMC trong thời gian qua.
Theo bản báo cáo của VCPMC, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm là 35,1 tỉ đồng, giảm khoảng 2 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Phát thanh, truyền hình là 866 triệu đồng; Biểu diễn, hòa nhạc, sự kiện, đoàn nghệ thuật là 3,2 tỉ đồng; Nhà hàng, cà phê, quán rượu, phòng trà, chăm sóc sức khỏe là 5 tỉ đồng; Karaoke là 3,2 tỉ đồng; Rạp chiếu phim là 38 triệu đồng; Vũ trường, bar là 174 triệu đồng; Khách sạn, Resort, nhà nghỉ, khu du lịch là 2,1 tỉ đồng; Siêu thị, cửa hàng, TT Thương mại là 2,7 tỉ đồng; Hàng không, giao thông là 209 triệu đồng; Website, nhạc chuông, úng dụng điện thoại là 11,6 tỉ đồng; Phòng thu là 396 triệu đồng; Sao chép file MIDI, CD, DVD, quảng cáo, phim là 5,7 tỉ đồng; Xuất bản sách nhạc là 52 triệu đồng. Các linh vực khác là 64 triệu đồng.
“Do thời gian vừa rồi, sau lùm xùm thu tiền tác quyền ở các khách sạn Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương yêu cầu chúng tôi dừng thu tiền tác quyền. Trong khi các hoạt động sử dụng kinh doanh âm nhạc vẫn tiếp tục. Vì thế doanh thu sụt giảm nhiều so với các năm trước”, ông Nguyễn Hoàng Giang nói.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết, thời gian vừa qua cũng có nhiều ý kiến xoay quanh việc thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Bên cạnh những ý kiến, quan điểm tích cực nhằm hướng đến việc tôn trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật cũng có những thông tin mang chiều hướng sai lệch gây nên sự hiểu lầm trong dư luận.
Theo ông Phương, sự hiểu lầm là do cách hiểu và cách tiếp cận các quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ và khoa học.
Đại diện cho một số nhạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ ông không quan tâm số tiền tác quyền của mình nhiều hay ít. “Tôi đánh giá cao nỗ lực của VCPMC bởi việc làm của trung tâm có ý nghĩa động viên tinh thần, trân trọng sự sáng tạo của các nghệ sĩ”, ông nói.
Nguyễn Hằng/Dân Trí