Thu, chi ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt kết quả tích cực do công tác kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6.2020 từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường.
CPI tháng 6 tăng do giá xăng dầu và giá thịt lợn tăng
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.
Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6.2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Cũng theo báo cáo, hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, tuy nhiên thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi dịch được kiểm soát hiệu quả.
Tính đến thời điểm 19.6.2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% và đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19.6 các năm 2016-2020.
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý 2/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi nhờ việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 94,6 nghìn tỉ đồng, vẫn giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI vào Việt Nam giảm
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 8,65 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước tính đạt 850,3 nghìn tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP (quý 2/2020 đạt 481,2 nghìn tỉ đồng, tăng 4%), trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt 273,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 375,9 nghìn tỉ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 200,9 nghìn tỉ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.6.2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỉ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỉ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 526 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,7 tỉ USD, tăng 26,8%; có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỉ USD, giảm 56,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 866 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,6 tỉ USD và 3.259 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,9 tỉ USD.
Thu ngân sách đạt 607 nghìn tỉ, chi 676 nghìn tỉ
Thu, chi ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt kết quả tích cực do công tác kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6.2020 từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường, đồng thời giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.6.2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỉ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỉ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỉ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỉ đồng, bằng 39,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.6.2020 ước tính đạt 676,2 nghìn tỉ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỉ đồng, bằng 45%; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỉ đồng, bằng 29,8%; chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỉ đồng, bằng 47,8%.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%; nhập khẩu giảm 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm xuất siêu ước tính đạt 4 tỉ USD.
Lam Thanh