Được thiên nhiên ưu ái, miền Tây không chỉ có cảnh đẹp nức lòng mà còn nổi tiếng với những món ăn “độc lạ” không vùng nào có. Để trở thành người miền Tây thứ thiệt, có lẽ du khách phải thử thách lòng dũng cảm của mình với những món ăn nghe tới là “sởn da gà”. Tuy nhiên, đây đều là những đặc sản đem về nguồn thu lớn, có giá bán không hề rẻ.

6 món ăn ‘kinh dị’ miền Tây không phải ai cũng dám thử

01/06/2017, 09:45

Được thiên nhiên ưu ái, miền Tây không chỉ có cảnh đẹp nức lòng mà còn nổi tiếng với những món ăn “độc lạ” không vùng nào có. Để trở thành người miền Tây thứ thiệt, có lẽ du khách phải thử thách lòng dũng cảm của mình với những món ăn nghe tới là “sởn da gà”. Tuy nhiên, đây đều là những đặc sản đem về nguồn thu lớn, có giá bán không hề rẻ.

Đuông dừa

Đuông dừa là một loài ấu trùng của bọ cánh cứng, được sử dụng để làm nhiều món đặc sản trong ẩm thực Việt Nam. Đuông dừa luôn được giới sành ăn đánh giá cao về độ giòn, vị béo ngậy, thơm lừng độc đáo. Tuy nhiên, vẻ ngoài mập tròn và mềm nhũn giống con sâu non của đuông dừa cũng đồng thời khiến nhiều người thấy “khiếp vía”.

Đuông dừa trưởng thành tùy loại sẽ có kích thước bằng ngón tay trỏ hoặc thậm chí bằng ngón chân cái người lớn, dài chừng 3cm đến 5cm, toàn thân có màu trắng (đuông chà là) hoặc vàng nhạt (đuông dừa). Vào thời kỳ này, con đuông non nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn.

Đuông có thể chế biến thành nhiều món. Với nhiều người đây là món khoái khẩu, nhưng một số người thấy đuông dừa khá "kinh dị".

Người ta chỉ tìm được đuông khi thấy chòm lá trên ngọn dừa bị héo và đổ gục xuống. Ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre- nơi có rất nhiều dừa, đuông dừa trở thành thứ đặc sản độc đáo có một không hai và thường được bán với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/con.

Thịt đuông dừa được chế biến thành các món nướng, chiên, xào tỏi, hấp lá chanh nhưng phổ biến nhất phải kể đến đuông dừa tắm mắm. Những người “nghiện” món ăn này cho rằng, cái thú của việc thưởng thức đuông dừa là khi nước trong con đuông dừa tràn ra, đầy vị béo, sau đó thấm vào khoang miệng, vòm họng, khiến những ai đã can đảm ăn thử sẽ bị hấp dẫn lạ lùng.

Nhiều người dân vùng Bến Tre đã làm giàu bằng cách nuôi đuông dừa. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc đuông dừa phá hoại cây cối, thu hẹp diện tích trồng dừa thì bắt đầu từ năm 2016, tỉnh Bến Tre đã có lệnh cấm kinh doanh loài côn trùng này.

Chuột đồng

Nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và sông Cửu Long, chuột được giao bán rộng rãi như một nhu yếu phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Thậm chí, tại nhiều miền quê, thịt chuột còn được coi là món đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ tết trọng đại. Không chỉ vậy, người Việt chế biến chuột còn rất cầu kì và sáng tạo được khoảng trên… 30 món ăn.

Chuột nướng muối ớt là một trong những món ăn đặt sản của Tây Nam bộ

Loài gặm nhấm này được nhiều người sành ăn ưa chuộng vì thức ăn của chúng là mầm cỏ non, khoai, sắn, lúa… nên thịt chuột thơm như thịt gà nhưng mềm và dai hơn. Thịt chuột đồng được chế biến thành các món như: nấu giả cầy, nướng muối ớt, xào dưa…Nhưng nhiều người cho rằng, khô chuột đồng mới là món đáng thử nhất. Người dân miền Tây bắt chuột đồng về tẩm muối và sả rồi đem phơi nắng để làm khô chuột. Giá bán mỗi kg khô chuột từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thực khách cũng cần cân nhắc khi thưởng thức các món ăn từ thịt chuột. Bởi lẽ trong chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như dịch hạch, phó thương hàn, viêm cầu khuẩn, lao... Trong đó, nguy hiểm nhất là virus dịch hạch. Ngoài ra, môi trường sinh sống của chuột cũng bị ô nhiễm nặng. Chất độc sẽ tích tụ dần trong cơ thể của những người sử dụng, làm gia tăng khả năng mắc các bệnh nguy hiểm.

Tắc kè, thằn lằn

Nếu không phải dân nhậu hoặc mê những loại đặc sản độc lạ, hẳn nhiều người phải cân nhắc khi định mua khô thằn lằn, khô tắc kè vì chúng có vẻ ngoài khá “dị””. Những món ăn này ngày nay được rất nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến.

Thằn lằn được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó xào với các gia vị trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây, bán rất được giá. Trung bình mỗi con thằn lằn khô được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng.

Tắc kè, thằn lằn sau khi bắt sống sẽ được đem phơi khô.

Khô tắc kè có thể dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thành món nhậu thông thường. Các quý ông ưa chuộng món đồ khô này hơn cả bởi lời đồn đoán về khả năng giúp tăng cường sinh lực phái mạnh. Khô tắc kè cũng được sản xuất nhiều tại vùng Tịnh Biên, An Giang. Cứ 3kg tắc kè sống sẽ cho ra 1kg tắc kè khô. Tắc kè được bán theo con, mỗi con giá khoảng 45.000 đồng tới 50.000 đồng.

Khô nhái

Ít ai biết rằng, cái tên “vũ nữ chân dài” lại là mỹ từ mà người dân miền Tây dùng để gọi khô nhái- một món nhậu có sức hấp dẫn lạ kỳ, sẵn sàng “hạ gục” bất cứ ai từng có cơ hội thưởng thức. Giống như nhiều món đồ khô miền Tây khác, nơi sản xuất khô nhái nổi tiếng cũng là vùng đất biên giới giáp ranh Campuchia, huyện Tịnh Biên, vùng Bảy Núi, An Giang. Nghề săn bắt nhái cũng như nghề làm khô nhái đều cho người dân trong vùng thu nhập ổn định.

Món khô nhái có cái tên thật mỹ miều: Vũ nữ chân dài.

Nhái làm khô là nhái cơm con nhỏ, sau khi lột da, phơi khô chỉ còn bằng ngón tay. Trước khi phơi, nhái được rửa sạch, ướp với gia vị muối, tiêu, ớt cho thấm đều vào thịt. Bình quân cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô với giá khoảng 540.000 đồng/kg. Còn vào dịp Tết, khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Khô nhái rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món nhậu hấp dẫn ít món khô nào qua mặt được. Khô nhái ngon nhất là chiên. Sau khi nhái được tẩm gia vị và lớp da trở nên bóng giòn quyến rũ, đầu bếp thả nguyên con vào chảo dầu sôi già. Cuối cùng, phi tỏi thơm, thêm chút đường, nước mắm nhĩ, rồi bỏ khô nhái đã chiên vào xóc đều, kết hợp cùng vài đầu hành trần, ít củ hành. Chỉ đơn giản như thế, một thức quà dân dã đã được hoàn thành.

Khi thưởng thức nhái khô chiên giòn, thực khách có thể nhai cả xương và thịt. Hương vị món ăn này rất thơm ngon, có sự hòa quyện của vị ngọt dịu xen lẫn vị cay cay, mằn mặn, béo, giòn rất đặc trưng.

Dơi

Dơi được coi là món nhậu khoái khẩu của người dân miền Tây. Có hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi màu đen và to con hơn, còn dơi sen có màu lông chuột. Theo lời truyền tụng, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Dơi có hình thù khá đáng sợ nhưng nhiều người vẫn tò mò muốn thưởng thức.

Dơi có nhiều món, nhưng được nhiều người ưa chuộng nhất vẫn là cháo dơi. Thịt dơi băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào. Dơi vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo, nêm nếm vừa ngon thì dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng.

Ngoài ra, dân nhậu miền Tây còn có thể thưởng thức món dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt. Để át hơi hôi của dơi, khi chế biến thường rắc thêm một ít tiêu, hành ngò. Theo quan niệm người miền Tây, thịt dơi có thể chữa được rất nhiều bệnh như ho, lao phổi.

Theo Hoàng Ngọc / Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 món ăn ‘kinh dị’ miền Tây không phải ai cũng dám thử