Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang & Cộng sự, 6.000 container phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng chứng tỏ nhà nhập khẩu sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nên không lộ diện và chấp nhận bỏ hàng.

6.000 container phế liệu ứ tại cảng: Doanh nghiệp sợ sai nên bỏ hàng

29/10/2018, 18:00

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang & Cộng sự, 6.000 container phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng chứng tỏ nhà nhập khẩu sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nên không lộ diện và chấp nhận bỏ hàng.

Hàng nghìn container ùn ứ tại cảng - Ảnh: An ninh Thủ đô

Trung Quốc ngừng nhập, rác “đổ bộ” vào Việt Nam

Thời gian gần đây, số lượng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt, chiếm dụng diện tích lớn các cầu cảng, bến bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2017, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu tăng gấp đôi so với năm 2016. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 2 lần so với cả năm 2017.

Theo thống kê của Bộ TN-MT, tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước là 256 doanh nghiệp. Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp, số doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103. Theo đó, mỗi năm Việt Nam nhập 3 triệu tấn phế liệu.

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết những mặt hàng phế liệu được nhập khẩu “chui” đều là những mặt hàng bị cấm như ắc quy, dầu nhớt thải, các linh kiện điện tử có chứa các chất như chì… gây ô nhiễm môi trường cho Việt Nam.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc quốc gia được coi là công xưởng sản xuất nguyên liệu từ phế liệu của thế giới - Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu tái chế, dẫn đến việc các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu...) sẽ phải tìm thị trường nhập khẩu mới.

Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container phế liệu tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Hàng nghìn container ùn ứ tại cảng - Ảnh: Dân Trí

Trả lời bên lề cuộc họp báo chuyên đề công tác quản lý hải quan với nhập khẩu phế liệu, ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng lượng phế liệu thời gian qua tăng nhanh, thậm chí tăng lên 100-200%. Theo các nhà phân tích, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi phế liệu, nhất là sau khi Trung Quốc cấm nhập 24 loại rác thải.

Trước tình trạng này, cơ quan hải quan đã có kế hoạch ngăn chặn, áp dụng ác biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, chỉ cho phép những phế liệu sạch, đảm bảo chất lượng môi trường, có đầy đủ giấy tờ do Bộ TN-MT cấp phép.

Ngoài ra, theo ông Thành, "những hàng tồn tại cảng biển hiện nay không rõ chủ, gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh chúng tôi cũng sẽ rà soát để giải quyết, tạo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh khác.

Cùng với đó, phế liệu nhập khẩu không phải là ưu tiên của Chính phủ để được tạo thuận lợi. Trong danh mục phế liệu nhập khẩu theo quyết định 73 của Chính phủ, chúng tôi báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị lên Thủ tướng để rà soát và cắt giảm phế liệu nhập khẩu này, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường".

Vì sao doanh nghiệp bỏ hàng?

Tính đến cuối tháng 6.2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP.HCM và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng. Trong đó, có khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% là phế liệu nhựa và phế liệu khác đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho hoạt động của hải quan, doanh nghiệp tại các cảng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lậ - thành viên NHQuang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, sự tồn đọng của khoảng 6.000 container phế liệu nhập khẩu tại các cảng chứng tỏ nhà nhập khẩu e sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nên không lộ diện và chấp nhận bỏ hàng.

Về nguyên nhân, ông Lập suy đoán 3 tình huống: Thứ nhất, các phế liệu thực chất là chất thải gây ô nhiễm môi trường và dĩ nhiên không đạt chuẩn để tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Do đó, mục đích của các bên liên quan chỉ cốt nhập vào lãnh thổ Việt Nam nhằm trút hay xả thải. Nếu tình huống này xảy ra, tính chất của nó sẽ đặc biệt nghiêm trọng và các cơ quan chức năng có thể xử lý ngay bằng việc khởi tố hình sự theo điều 239, Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam).

Tình huống thứ hai, các phế liệu này có thể vẫn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất được, tuy nhiên, việc sử dụng nó sẽ gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà doanh nghiệp không khắc phục được. Người nhập khẩu hay chủ hàng e ngại sẽ bị phát hiện vi phạm pháp luật và bị xử lý ở khâu sau đó, chứ không phải ngay tại cảng nhập. Do đó, họ đã bỏ hàng.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Ảnh: CafeF

Trong trường hợp này, khi điều tra và phát hiện danh tính chủ hàng, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoặc xử lý hình sự theo điều 239, Bộ luật Hình sự 2015 nói trên.

Tình huống thứ ba, có sự liên đới vi phạm pháp luật giữa cơ quan quản lý về môi trường và nhà nhập khẩu hay chủ hàng bởi vì việc nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ theo Luật Bảo vệ môi trưòng cũng như Nghị định 38/2015 của Chính phủ và Thông tư 41/2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Ông Lập cho rằng Bộ và các sở Tài nguyên - Môi trường có chức năng kiểm tra để xác nhận các điều kiện cho phép doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, rất có thể các điều kiện theo luật định đã không được tuân thủ nghiêm chỉnh theo hướng có sự xem nhẹ hay bao che của cơ quan chức năng.

“Hậu quả là khi vụ việc bị báo chí phát hiện và Chính phủ vào cuộc, doanh nghiệp có liên quan đành quyết định theo cách bỏ của chạy lấy người. Trong trường hợp này, các biện pháp xử lý cần phải được tiến hành với quy mô và mục đích rộng hơn, không chỉ xử phạt doanh nghiệp mà còn cả các cá nhân và cơ quan nhà nước có sai phạm”, ông Lập nói.

Luật sư Lập cũng cho rằng khung pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta liên quan đến vấn đề này khá đầy đủ. Không ai có thể đổ lỗi cho khoảng trống của pháp luật được mà nguyên nhân của sự việc hoàn toàn nằm ở khâu thi hành pháp luật.

“Nhập khẩu phế liệu được coi là hoạt động có tính nhạy cảm cao đối với nền kinh tế, do đó nó được kiểm soát nghiêm ngặt và đặc biệt ở tất cả các quốc gia mà không liên quan gì đến quyền tự do kinh doanh hay tự do thương mại. Do đó, theo tôi, khi sự vụ xảy ra, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan quản lý của nhà nước, sau đó mới là doanh nghiệp và các bên liên quan”, ông Lập nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6.000 container phế liệu ứ tại cảng: Doanh nghiệp sợ sai nên bỏ hàng