TP.HCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Tình hình này gây ra những áp lực rất lớn, đòi hỏi TP.HCM phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

5 năm tăng 1 triệu dân, TP.HCM vẫn đang tìm cách giải bài toán nhà ở

17/09/2019, 18:56

TP.HCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Tình hình này gây ra những áp lực rất lớn, đòi hỏi TP.HCM phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Vấn đề nhà ở đang là áp lực của TP.HCM - Ảnh: Phan Diệu

Đây là nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại hội thảo nhằm tìm ra giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17.9.

Dân số tăng nhanh, áp lực vấn đề nhà ở

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện tại vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn. Phần lớn những đối tượng này không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng khó khăn.

Do đó, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nói, hiện TP.HCM có khoảng 8,9 triệu người thường trú, kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng, với mức tăng trung bình 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Hằng năm, TP.HCM có thêm khoảng 60.000 trẻ sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Đặc biệt, ông Châu dẫn số liệu của Sở Xây dựng cho thấy TP.HCM có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm tỉ lệ 23,46% tổng số hộ. Đáng lưu ý là có tới khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

Chủ tịch HoREA cho rằng, rào cản đối với người thu nhập thấp ở đô thị khi tạo lập nhà ở là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Mặt khác, giá nhà cao gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp 5-7 lần.

Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giai đoạn 2013-2016. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỉ đồng, trả góp trong 15 năm.

Cần ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Đưa ra giải pháp tại hội thảo, ông Châu cho rằng TP.HCM cần xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là coi trọng và phát huy vai trò của khu vực tư nhân là phương thức hiệu quả nhất để phát triển nhà ở, giải quyết bài toán nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm tại TP.HCM.

Nhà nước vừa là người ban hành "luật chơi", tạo "sân chơi", vừa đóng vai trò trọng tài, điều phối để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, đảm bảo các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Ngoài ra, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m 2 /căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m 2 /căn, thành phố cần phải xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn để giải quyết bài toán nhà ở. TP.HCM cũng cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp sổ đỏ cho căn nhà nhỏ của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý có tình đối với trường hợp nhà “3 chung”.

Tương tự, GS. Yap Kioe Sheng từ Viện Công nghệ châu Á đề xuất cần phải có chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp đa dạng trên toàn TP.HCM. Đồng thời, kêu gọi các khu vực tư nhân và phi lợi nhuận để phát triển, đổi mới nhà ở; điều chỉnh phương thức tài chính theo điều kiện của các hộ gia đình thu nhập thấp. Thành phố cần nới lỏng quy định và tiêu chuẩn cho các khu vực diện tích nhỏ, thấp tầng; trao quyền kiểm soát cho người dân trong việc phát triển nhà ở tăng thêm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, TP.HCM cần khai thác và huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ đất 20% đối với các dự án có quy mô dưới 10ha để phát triển nhà ở xã hội. Song song đó là tạo điều kiện cho người dân được vay vốn trung hạn và dài hạn để mua, thuê mua nhà ở và cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu sâu hơn để quy hoạch những khu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế chính sách hiện có, cũng như có thêm cơ chế chính sách mới để hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà ở, hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển các khu đô thị.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 năm tăng 1 triệu dân, TP.HCM vẫn đang tìm cách giải bài toán nhà ở