Mạng 4G đã chính thức vận hành tại Việt Nam, thu hút nhiều người đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, nhiều vụ bị “trừ tiền oan” gần đây khiến không ít người dùng “ngợp”. Theo các chuyên gia, người dùng nên có lựa chọn phù hợp cho bản thân cũng như tìm hiểu kỹ cách dùng mạng 4G để khỏi bị trừ cước dữ liệu (data) khi họ không chủ động sử dụng.

4G chạy nhanh, ngốn tiền cũng lắm!

Theo Người lao động | 08/05/2017, 06:41

Mạng 4G đã chính thức vận hành tại Việt Nam, thu hút nhiều người đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, nhiều vụ bị “trừ tiền oan” gần đây khiến không ít người dùng “ngợp”. Theo các chuyên gia, người dùng nên có lựa chọn phù hợp cho bản thân cũng như tìm hiểu kỹ cách dùng mạng 4G để khỏi bị trừ cước dữ liệu (data) khi họ không chủ động sử dụng.

Dùng 4G bị trừ 3G?

Giữa tháng 4, nhiều người dùng đã phản ánh trên một diễn đàn công nghệ tại Việt Nam rằng từ đầu tháng 3.2017, họ đã đổi sim 4G để được dùng miễn phí 7 ngày gói 10 GB data của Viettel nhưng bị nhà mạng Viettel trừ thêm cước khi truy cập internet dù vẫn chưa dùng hết gói dung lượng miễn phí.

Một người dùng thắc mắc là gói dung lượng sử dụng miễn phí còn hơn 1 GB nhưng lại bị trừ hết tiền trong tài khoản? Nhiều người khác cũng chia sẻ đã mất hàng trăm ngàn đồng trong tài khoản chỉ sau vài ngày sử dụng, dù gói cước 4G miễn phí vẫn chưa hết dung lượng. Bên cạnh tình huống trên thì gần đây, rất nhiều người dùng cũng phản ánh việc dùng thử 4G thì gói cước rất nhanh hết dung lượng so với 3G.

Anh T.H.H (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nói: “Tôi đăng ký dùng thử gói cước 4G 70.000 đồng/tháng, được sử dụng 1,6 GB dữ liệu nhưng chỉ sau nửa tháng đã hết dung lượng. Dùng gói 3G có giá/dung lượng tương đương thì được gần 1 tháng, có khi hết tháng vẫn chưa hết dung lượng”.

Về vấn đề này, tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel phản hồi do điện thoại của người dùng chuyển qua sóng 3G nên bị trừ tiền vì gói trải nghiệm 4G chỉ miễn phí trên sóng 4G, dùng sóng 3G vẫn bị trừ tiền bình thường (nếu người dùng không đăng ký gói 3G thì sẽ trừ tiền tài khoản gốc).

Theo giải thích của nhà mạng, hiện tốc độ 4G nhanh gấp 10 lần 3G nên có thể khi dùng thử nghiệm, người dùng thường truy cập mạng, tải dữ liệu nhiều hơn so với bình thường dẫn đến tình trạng dung lượng sử dụng tăng vọt trong thời gian ngắn khiến gói cước nhanh hết. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa đồng ý với cách lý giải này vì cho rằng khi dùng 4G thì cũng chỉ truy cập mạng internet với mức độ sử dụng không hơn lúc dùng 3G là bao nhiêu.

Chưa hấp dẫn

Theo một chuyên gia viễn thông tại TP.HCM, xảy ra các trường hợp trên là do nhà mạng đã không công bố cụ thể cách trừ tiền khi không có sóng 4G khiến nhiều người bị trừ tiền vào tài khoản gốc. Lẽ ra, nhà mạng nên cảnh báo người dùng khi không có sóng 4G thì sẽ bị trừ tiền 3G.

Để khắc phục tình trạng trên, người dùng nên đăng ký một gói cước 3G dự phòng hoạt động song song với gói cước 4G miễn phí. Cách khác, có thể chọn chế độ chỉ cập mạng 4G LTE trên thiết bị của mình, khi không có sóng 4G thì điện thoại sẽ không tự chuyển về 3G. Ngoài ra, người dùng nên lựa chọn các gói dịch vụ 4G với dung lượng dữ liệu phù hợp nhu cầu để khỏi “choáng váng” khi nhận hóa đơn điện thoại.

Các chuyên gia khuyên người dùng nên cân nhắc sử dụng WiFi thay cho 4G khi xem video trực tuyến hay tải về các file dung lượng lớn. Cũng nên tắt chế độ tự động cập nhật dữ liệu của các ứng dụng để tránh dung lượng cạn dần mà không hay biết. Chỉ bật chế độ sử dụng dữ liệu 4G khi có nhu cầu truy cập dữ liệu tốc độ cao. Bên cạnh đó, mức dung lượng cung cấp cho người dùng của các gói cước 4G hiện nay có “nhỉnh” hơn so với 3G song vẫn chưa đủ cho nhu cầu sử dụng dữ liệu ngày càng tăng nên các gói cước 3G và 4G phải cập nhật theo nhu cầu sử dụng. Ví dụ: Hiện gói cước 4G có giá tiền tương đương (70.000 đồng/2 GB data) so với gói 3G (70.000 đồng/1,6 GB data) thì gói 4G tăng thêm 400 MB. Thế nhưng, với nhu cầu sử dụng dữ liệu các dịch vụ giải trí trực tuyến như xem phim, xem tivi, tải nhạc… thì mức 400 MB tăng thêm này không đáng kể vì một video 5-10 phút trên YouTube bằng 4G có thể tốn gần 100 MB dữ liệu. Các nhà mạng 4G nên có sự điều chỉnh thì mới thu hút khách hàng.

Về việc tính cước 3G, 4G, đại diện MobiFone cho biết không trừ riêng cước 3G hay 4G mà tính cước theo mức data mà khách hàng đã đăng ký, dùng bao nhiêu tính bấy nhiêu bất kể là đang dùng sóng 3G hay 4G. Chẳng hạn, khách hàng đăng ký gói cước 1,6 GB/tháng, dùng sóng 4G để truy cập mạng tốn bao nhiêu data thì trừ vào mức dung lượng 1,6 GB đã đăng ký. Nếu không có sóng 4G mà dùng 3G thì tùy vào mức data truy cập mà cước data được trừ vào mức dung lượng 1,6 GB đã đăng ký.

Kiểm tra đột xuất chất lượng

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã yêu cầu các nhà mạng cam kết trong giấy phép 4G về lộ trình phủ sóng cũng như chất lượng trong vùng phủ sóng và yêu cầu Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng nhằm bảo đảm đúng cam kết đưa ra.

Cục Viễn thông có thể sẽ đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi nhận phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ 4G.

Chánh Trung - Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4G chạy nhanh, ngốn tiền cũng lắm!