Vào tối 24.5 tới đây, cuộc đấu giá "20th and 21st Century Art Evening Sale" của Christie Hong Kong thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm hội họa tại Việt Nam, bởi có tới 4 tác phẩm của 3 danh họa Việt có mặt.

4 tác phẩm của 3 danh họa Việt lên sàn đấu giá Hong Kong vào 24.5 tới

Nhật Hạ | 22/05/2021, 13:06

Vào tối 24.5 tới đây, cuộc đấu giá "20th and 21st Century Art Evening Sale" của Christie Hong Kong thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm hội họa tại Việt Nam, bởi có tới 4 tác phẩm của 3 danh họa Việt có mặt.

Đó bức "Thợ nhuộm" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984); "Mona Lisa" của danh họa Mai Trung Thứ (1906-1980) và danh họa Lê Phổ (1907-2001) với "Thiếu nữ choàng khăn" và “Chiếc bát xanh”.

Bức “Thợ nhuộm” của Nguyễn Phan Chánh

Bức tranh chân quê của danh họa Nguyễn Phan Chánh được nhà đấu giá ước đoán sẽ dao động từ 2 tới 3 triệu đô la Hong Kong (khoảng từ 5,9 tới 8,9 tỉ đồng). Tác phẩm là tranh lụa giàu hoài niệm được thực hiện vào năm 1931, có kích thước 60.5 x 88 cm.

thonhuom.jpg
Bức Thợ nhuộm của Nguyễn Phan Chánh 

Tác phẩm khắc họa nét đời sống xưa cũ ở làng quê với 3 người phụ nữ mặc áo nâu, quần đen, đội khăn đen, đi chân đất...đang nhuộm quần áo để chuẩn bị đón Tết.

Tác phẩm "Thợ nhuộm" của Nguyễn Phan Chánh mang những nét đặc trưng trong phong cách hội họa của riêng danh họa, là những ký ức, xúc cảm khó quên về một tuổi thơ nghèo khó mà người họa sĩ từng trải qua.

Nguyễn Phan Chánh sinh ra trong một làng quê nghèo ở Hà Tĩnh, tuổi thơ và những ký ức nghèo khó đã khiến ông cách nhìn nhận và tiếp cận khác khi bước vào thế giới hội họa.

Cha ông là một nhà nho và ông lên 7 tuổi thì cha qua đời, kể từ đó, Nguyễn Phan Chánh phải đi ra chợ giúp mẹ kiếm thêm tiền cho sinh hoạt gia đình. Ông kiếm tiền bằng cách ngồi vẽ tranh chân dung cho những ai có nhu cầu.

Sau này, Nguyễn Phan Chánh theo học ngành sư phạm rồi trở thành một giáo viên tiểu học. Đi dạy được vài năm thì Nguyễn Phan Chánh ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương.

Ở thời điểm tốt nghiệp, ông đã ở tuổi 38, nhiều tuổi hơn so với các họa sĩ cùng khóa như Lê Phổ hay Mai Trung Thứ (khi tốt nghiệp, hai họa sĩ này mới 23 - 24 tuổi).

Nguyễn Phan Chánh luôn theo đuổi vẻ đẹp của sự giản đơn trong hội họa, ông thích sử dụng nghệ thuật "chiaroscuro" (phối hợp màu sáng - tối) trong các tác phẩm của mình. Và bức “Thợ nhuộm” là một trong tác phẩm điển hình cho phong cách và quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Phan Chánh.

Khắc họa của Nguyễn Phan Chánh chân thực, mộc mạc. Người phụ nữ trong tranh ông đối lập với những người phụ nữ quý phái, thanh cao xuất hiện trong tranh của hai họa sĩ cùng thời là Lê Phổ và Mai Trung Thứ.

Bức “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ

Trong 4 bức tranh sắp đấu giá trong ngày 24.5 này, có 1 bức của danh họa Mai Trung Thứ là "Mona Lisa".

monalisa.jpg
Tác phẩm Mona Lisa của Mai Trung Thứ

Bức "Mona Lisa" của Mai Trung Thứ là một tác phẩm tranh lụa có kích thước 53.5 x 37.5 cm, được họa sĩ thực hiện vào năm 1974. Tác phẩm từng được nhà đấu giá Sotheby Singapore đưa ra rao bán ngày 3/10/1998 và được người chủ hiện tại mua tại cuộc đấu giá này. Giờ đây, tác phẩm xuất hiện trở lại trên thị trường đấu giá một lần nữa.

Tác phẩm hiện có mức giá ước đạt từ 2,5 tới 3,5 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 322.000 USD tới 450.000 USD, tức 7,4 đến 10,3 tỉ đồng).

Sự xuất hiện của bức "Mona Lisa" trên thị trường ở thời điểm hiện tại đưa lại một góc nhìn thú vị về phong cách của danh họa Mai Trung Thứ, cho thấy ông không ngại ngần thử sức mình khi đứng trước những siêu phẩm hội họa nổi tiếng thế giới, ông muốn thể hiện lại siêu phẩm qua phong cách riêng của một họa sĩ Việt, với những khắc họa đậm chất Việt.

Trong tháng 4 vừa qua, bức "Chân dung Madam Phương" của danh họa Mai Trung Thứ đã được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra, đạt mức giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 3,1 triệu USD, tức gần 72,5 tỷ đồng). Mức giá này hiện là kỷ lục về giá trả cho tác phẩm hội họa được thực hiện bởi họa sĩ người Việt.

Bức "Thiếu nữ choàng khăn" và “Chiếc bát xanh” của danh họa Lê Phổ

Trong đó, bức “Thiếu nữ choàng khăn” của danh họa Lê Phổ nhà đấu giá Christie Hong Kong đưa ra ở mức 6,8 tới 8,8 triệu đô la Hong Kong (tương đương từ 20 tới 26 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 59.5 x 48.5 cm, được thực hiện vào khoảng năm 1938.

thieunuchoangkhan.jpg
Bức Thiếu nữ choàng khăn của danh họa Lê Phổ

Năm 1938 là một năm đỉnh cao trong sáng tạo hội họa của Lê Phổ. Thời điểm này là lần thứ 2 ông quay trở lại Paris, sau lần đầu lưu lại hồi đầu thập niên 1930.

Hình ảnh người phụ nữ Việt và chiếc khăn choàng luôn là một hình ảnh trở đi trở lại trong tranh của danh họa, đó là nguồn cảm hứng bất tận của ông. Nhà đấu giá Christie Hong Kong nhận định rằng bức "Thiếu nữ choàng khăn" là một tác phẩm xuất sắc của Lê Phổ với những nét riêng trứ danh thường xuất hiện trong tranh ông. Niềm thương nhớ quê hương được Lê Phổ thể hiện qua cách ông khắc họa rất chính xác các loại cây cỏ, thực vật đặc trưng của quê nhà dù đang ở đất Pháp.

Cách khắc họa cô gái trong tranh tựa như một đóa hoa vươn lên từ những cây lá xung quanh. Xúc cảm của người phụ nữ được đặc tả qua đôi tay tựa trên hàng rào gỗ, một đôi tay bày tỏ nhiều nét tư lự của nội tâm hay là chính nỗi nhớ thương quê nhà của họa sĩ.

Gương mặt cô gái nhiều hoài niệm, giàu xúc cảm, dáng điệu nhiều tâm tư, cô gái không chạm vào cây lá mà khẽ buộc lại nút thắt của chiếc khăn, tất cả động tác đều đậm tâm tư.

Bức "Chiếc bát xanh" của danh họa Lê Phổ được ước đoán đạt mức giá từ 1,6 tới 2,6 triệu đô la Hong Kong (tương đương từ 4,7 đến 7,7 tỉ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 75 x 44.5 cm, được thực hiện vào năm 1930.

chietbatxanh.jpg
Tác phẩm Chiếc bát xanh 

Bức họa Chiếc bát xanh được Lê Phổ thực hiện trong năm ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Lúc này, tên tuổi của ông đã được giới hội họa trong nước biết đến, tác phẩm của ông được đem trưng bày tại Pháp và gây tiếng vang lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 tác phẩm của 3 danh họa Việt lên sàn đấu giá Hong Kong vào 24.5 tới