Theo Live Science, các bác sĩ ở Trung tâm y Langone, New York, Mỹ cảnh báo rằng mặc dù việc xăm lên người hiện rất phổ biến và có nhiều người thậm chí còn sùng bái nhưng mọi người nên rất thận trọng vì những mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe.
Thứ nhất, xăm người có thể nhiễm trùng. Vì vậy, phải tiến hành xăm trong những điều kiện vô trùng. Sự lây nhiễm không chỉ từ thiết bị không sạch mà còn có thể từ mực xăm và bản thân thợ xăm. Chẳng hạn, nếu mực xăm nhiễm khuẩn Mycobacterium chelonae thì trên da sẽ nổi mụn đỏ gây ngứa. Đấy là chưa kể nguy cơ nhiễm vi rút và nhiễm nấm. Nếu thấy nổi mụn đỏ, sưng tấy, chảy dịch và mủ thì phải đến gặp bác sĩ ngay.
Thứ hai, xăm có thể gây dị ứng. Có thể lần đầu, lần thứ hai không sao, nhưng lần xăm thứ ba lại bị dị ứng gây tấy đỏ và ngứa. Đáng tiếc là rất khó điều trị dị ứng do xăm hình. Nếu bôi kem steroid và thậm chí tiêm thuốc steroid không có tác dụng thì phải loại bỏ hình xăm.
Thứ ba, hình xăm che giấu những biến động bất thường của da. Ví dụ rõ nhất là ung thư da. Nếu bị bệnh thì mực xăm sẽ ngụy trang những dấu hiệu ung thư. Đấy là chưa kể đến phản ứng của da đối với ánh nắng. Mực xăm màu vàng có thể gây rát, ngứa do có cadmium trong thành phần mực. Nhưng cũng đã có những dữ liệu về sự độc hại của mực đen, mực đỏ và mực xanh nước biển.
Thứ tư, những người xăm hình trên người sẽ bị bỏng khi nhập viện cần chụp cộng hưởng từ. Nếu trong thành phần mực xăm có sắt thì sắt phản ứng khi chụp cộng hưởng từ, nhất là trong trường hợp có những hình xăm màu đen phủ kín cơ thể. Cần lưu ý là trong mực đỏ cũng có oxit sắt.
Trong khi đó theo The Times, xóa hình xăm trên người từ trước đến nay không phải là điều đơn giản. Hiện người ta hay dùng cách mài mòn và bóc bằng axit, nhưng nhiều khi vẫn để lại những vết sẹo khó chịu.
Cũng may là nay đã có công nghệ mới giải quyết nhanh gọn vấn đề. Phải nói rằng ngay từ 20 năm trước laser đã từng được dùng để xóa các vết xăm trên người. Nay loại laser mới có tên laser “picosecond” phát hiện những vết màu dị thường trên da, nơi có mực xăm rồi chiếu bức xạ, thâm nhập sâu vào da, phân rã mực xăm chỉ vỏn vẹn trong vòng có một giây. Cơ thể người thải những hạt được phân rã qua hệ bạch huyết.
Việc xóa vết xăm được thực hiện tiếp sau 6 tuần và không để lại dấu vết gì trên da. Khác với các phương pháp xóa vết xăm trước đây, công nghệ mới xóa màu xanh nước biển và màu xanh lá cây rất hiệu quả. Toàn bộ bí quyết là ở tốc độ chuyển xung và công suất mạnh của laser.
Vũ Trung Hương