Ít nhất một triệu chứng COVID-19 kéo dài đã được tìm thấy ở 37% bệnh nhân từ 3 đến 6 tháng sau khi họ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nghiên cứu lớn từ Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh cho thấy hôm 29.8.
Đại học Oxford (Anh) cho biết các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm khó thở, mệt mỏi, đau đớn và lo lắng, sau khi điều tra các triệu chứng ở hơn 270.000 người đang hồi phục sau COVID-19.
Theo nghiên cứu, các triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn ở những người từng nhập viện với COVID-19 và hơi phổ biến hơn ở phụ nữ.
Nghiên cứu không cung cấp bất kỳ nguyên nhân chi tiết nào của các triệu chứng COVID-19 kéo dài, mức độ nghiêm trọng hoặc chúng có thể kéo dài bao lâu. Tuy nhiên theo nghiên cứu, những người lớn tuổi và nam giới gặp nhiều khó khăn hơn về hô hấp và các vấn đề về nhận thức, trong khi những người trẻ tuổi và phụ nữ bị đau đầu nhiều hơn, gặp các triệu chứng ở bụng và lo lắng hoặc trầm cảm.
Giáo sư Paul Harrison của Đại học Oxford, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói: “Chúng ta cần xác định các cơ chế gây ra các triệu chứng đa dạng có thể ảnh hưởng đến những người sống sót. Thông tin này sẽ rất cần thiết nếu những hậu quả sức khỏe lâu dài của COVID-19 được ngăn ngừa hoặc điều trị hiệu quả”.
Vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi COVID-19, một số người tiếp tục báo cáo về khả năng tập trung kém, trí nhớ suy giảm và các vấn đề nhận thức khác. Các chuyên gia lo ngại COVID-19 có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị sa sút trí tuệ nhiều năm sau đó.
Ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng một số người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể có những thay đổi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ sớm hơn dự kiến.
Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chung cho việc suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc đưa ra các quyết định gây cản trở trong cuộc hằng ngày của một người. Nó là kết quả của các bệnh như Alzheimer và các chấn thương liên quan đến não, chủ yếu ảnh hưởng đến những người từ 65 tuổi trở lên.
Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị của Anh định nghĩa COVID-19 kéo dài là có các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần sau khi mắc bệnh.
Tổ chức bệnh Alzheimer Quốc tế (ADI), liên hiệp các hiệp hội Alzheimer trên toàn cầu, gần đây đã thành lập một nhóm làm việc gồm các chuyên gia toàn cầu để nghiên cứu mức độ của vấn đề này và đưa ra các khuyến nghị về cách đối phó.
Tổ chức này cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp sa sút trí tuệ và kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp về mối liên hệ giữa hội chứng COVID-19 kéo dài với chứng mất trí.
Bất cứ điều gì làm giảm khả năng dự trữ nhận thức và phục hồi của một người sẽ cho phép các quá trình thoái hóa thần kinh tăng tốc, theo nhà thần kinh học rối loạn nhận thức Alireza Atri, người chủ trì Hội đồng Cố vấn Y tế và Khoa học gồm 75 thành viên của ADI đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu về mối liên hệ đó. Điều này sau đó có thể gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh như chứng mất trí nhớ biểu hiện sớm hơn.
Tiến sĩ Atri, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Banner Sun, một cơ sở nghiên cứu lớn về bệnh Alzheimer và rối loạn liên quan đến lão hóa khác ở Arizona (Mỹ), nói với The Straits Times rằng ông thấy một số trường hợp mà những thay đổi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ xảy ra với tốc độ nhanh bất thường. Những người này có các triệu chứng nhẹ của COVID-19. Sẽ cần nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra được câu trả lời, chẳng hạn liệu các triệu chứng đó sẽ kéo dài hay trầm trọng hơn.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ thông báo đang khởi động một nghiên cứu trị giá 470 triệu USD để tìm ra lý do tại sao các triệu chứng COVID-19 vẫn tồn tại lâu như vậy ở nhiều bệnh nhân.
Hiện tại, các nghiên cứu đã bắt đầu tập hợp lại một giả thuyết: Vi rút có thể gây ra phản ứng tự miễn dịch gây ra các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác, đau cơ hoặc sương mù não.
Sương mù não (Brain Fog) là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, về lâu dài có thể gây ra các tình trạng nguy hiểm khác cho sức khỏe.
John Arthur, nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas (Mỹ) về Khoa học Y tế, nói với trang Insider: “Chúng tôi không thể nói chắc rằng đó là một bệnh tự miễn, nhưng nó thực sự bắt đầu giống như vậy”.
Trong nghiên cứu được công bố vào tháng này, John Arthur và các đồng nghiệp của ông đã gợi ý rằng một số người mắc COVID-19 sẽ phát triển "kháng thể tự động" tấn công các protein của chính họ - dấu hiệu của nhiều bệnh tự miễn. Quá trình đó dẫn đến tình trạng viêm có thể kích hoạt COVID-19 kéo dài.
John Arthur nói: “Mọi thứ gần như khớp với nhau - nhưng vẫn chưa hoàn toàn nằm trong mặt hiểu biết của chúng tôi”.
Nếu lý thuyết được chứng minh là đúng, nó sẽ có ý nghĩa với các phương pháp điều trị COVID-19. Ví dụ, một số loại thuốc huyết áp có thể được sử dụng để ngăn chặn cơn viêm có hại và một số bằng chứng cho thấy vắc xin giúp giảm bớt các triệu chứng COVID-19 kéo dài, có lẽ vì các mũi tiêm giúp điều chỉnh phản ứng kháng thể. Xem chi tiết tại đây.
Với hơn 18 tháng xảy ra đại dịch, các nhà nghiên cứu đã liên tục thu thập những hiểu biết mới và quan trọng về tác động của COVID-19 với cơ thể cùng não bộ. Những phát hiện này đang làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài mà vi rút SARS-CoV-2 có thể gây ra với các quá trình sinh học, như lão hóa.
Là nhà khoa học thần kinh nhận thức, nghiên cứu trước đây của bà Jessica Bernard (Phó giáo sư Đại học Texas A&M, Mỹ) đã tập trung vào việc tìm hiểu những thay đổi bình thường của não liên quan lão hóa ảnh hưởng như thế nào đến khả năng suy nghĩ và vận động của con người, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên trở lên.
Thế nhưng, khi có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm vi rút, nhóm nghiên cứu của Jessica Bernard bắt đầu quan tâm đến việc khám phá cách nó cũng có thể tác động đến quá trình lão hóa tự nhiên. Xem chi tiết tại đây.