Theo báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 3/2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 6.10, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19

Lam Thanh | 06/10/2020, 16:07

Theo báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 3/2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 6.10, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo báo cáo, có 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Cũng theo báo cáo, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý 2/2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch COVID-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 3/2020 là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 471,0 nghìn người so với quý trước và giảm 77,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng hơn 1,0 triệu người so với quý trước và giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).

Lao động có việc làm tăng so với quý trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức; tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức

Số lao động có việc làm phi chính thức quý 3/2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%).

Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 3/2020 là 57,0%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,9% và 49,5%.

Một số ngành có tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,8%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (72,2%); nghệ thuật vui chơi và giải trí (70,0%).

Cũng theo cơ quan thông kê, lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý 2/2020 cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho cơ hội sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Thu nhập của người lao động quý 3/2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng cao nhất trong vòng 10 năm qua đã làm chậm khả năng khai thác nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Tổng cục Thống kê cho rằng người lao động là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Trong đó, cơ quan này khuyến nghị tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Bài liên quan
Nếu chẳng may bị thất nghiệp, bạn sẽ làm gì?
Thực tế đã chứng minh không có cái gọi là công việc ổn định. Con người nên sinh tồn như một chiếc USB cắm vào máy tính nào cũng được, nghĩa là có thể ngay lập tức bước vào trạng thái làm việc mới. Đó mới là sự ổn định. Và bài này sẽ đề cập đến những điều bạn cần làm nếu ngày mai có bị thất nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19