Bất kể ngày đêm, gần 1 tháng dịch bệnh trở lại là gần 1 tháng các bác sĩ, nhân viên y tế không về nhà, ăn ngủ ngay tại phòng xét nghiệm hay các khu cách ly, phong tỏa.

27.2, chuyện kể từ tâm dịch Hải Dương

Theo Thanh Nga-Linh Giang/VOV | 27/02/2021, 06:32

Bất kể ngày đêm, gần 1 tháng dịch bệnh trở lại là gần 1 tháng các bác sĩ, nhân viên y tế không về nhà, ăn ngủ ngay tại phòng xét nghiệm hay các khu cách ly, phong tỏa.

Những lời cảm ơn chân thành của những bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh gửi đến các y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương nói riêng và ngành y tế nói chung đã và đang ngày đêm không quản gian nan, vất vả trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

1_236.jpg
Các bác sĩ bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, một trong 2 bệnh viện dã chiến hiện đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương.

Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, gần 50 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã về tăng cường tại Hải Dương, hỗ trợ và cùng với các y, bác sĩ, lực lượng y tế tại địa phương phòng chống dịch.

Bác sĩ Trần Hoàng Long, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhận nhiệm vụ tại Hải Dương từ ngày 29 Tết. Bác sĩ Long kể, buổi sáng, anh nhận tin nhắn của trưởng khoa, chỉ kịp nói với gia đình một câu "Con đi Hải Dương đây"...

Những ngày tết cũng là thời gian tỉnh Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới; có những ngày Bệnh viện Dã chiến số 2 tiếp nhận 20 - 30 bệnh nhân, trong đó có một số bệnh nhân nặng. Bác sĩ Trần Hoàng Long vừa có nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân vào viện, sàng lọc, phân loại bệnh nhân nặng để chuyển sang Khoa hồi sức vừa phải điều trị, chăm sóc các bệnh nhân nhẹ và vừa, với khối lượng công việc lớn, cường độ cao.

Công việc những ngày đầu khá căng thẳng. Trong thời gian đầu, có những bệnh nhân có diễn biến bất thường, mình quên cả ngủ luôn. Mình vừa làm trực tiếp thăm khám bệnh nhân, vừa phối hợp, hướng dẫn bác sĩ tại địa phương những công việc cần phải làm, sử dụng phác đồ thế nào. Mình luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân bất kể khi nào cần, thậm chí mình có thể ở Hải Dương đến khi hết dịch”, bác sĩ Long chia sẻ.

Tăng cường cho các địa phương trong phòng chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên của các bác sĩ Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhưng đây là đợt tăng cường dài nhất đối với bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn. Sáng 27.1, nhận thông tin về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn không kịp về qua nhà; anh mua tạm vài bộ quần áo rồi vội vàng lên đường.

Trong suốt 1 tháng qua, anh Nguyễn Hải Tuấn cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương làm việc quên ngày quên tháng. Số lượng mẫu xét nghiệm lớn, khối lượng công việc nhiều, các anh phải khẩn trương, chạy nước rút để thu thập thông tin, phân tích đánh giá tình hình để các cơ quan chức năng địa phương đưa ra phương án và biện pháp phòng dịch kịp thời.

“Phòng chống dịch như cứu hỏa ấy, mình phải nhanh, khẩn trương. Nhiệm vụ và nghề của mình là nghề chống dịch nên lúc nào cũng sẵn sàng, không quản ngại gì cả. Vợ con cũng thông cảm, tính chất nghề nghiệp và vợ con cũng quen rồi. Không phải riêng cá nhân mình cả anh em đồng nghiệp, địa phương và lực lượng tuyến đầu đều thế”, bác sĩ Tuấn tâm sự.

4_141.jpg
Điều dưỡng Mai Thị Tú Anh và lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương)

Sát cánh cùng đội ngũ thầy thuốc tuyến trên tăng cường, hàng nghìn y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế các bệnh viện, trung tâm y tế của Hải Dương cũng đang nỗ lực hết mình trong cuộc chiến với dịch bệnh. Mai Thị Tú Anh, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) hiện thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly tại trường THCS Nguyễn Huệ.

Đón người vào cách ly, thăm khám sức khỏe và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, vận chuyển hàng hóa, phục vụ người dân trong trong khu cách ly... Họ làm tất cả mọi việc. Công việc của Tú Anh bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và gần như không có thời điểm kết thúc cố định.

Có ngày, số người vào cách ly lên tới 120 người, trong khi chỉ có Tú Anh và 1 nhân viên y tế nữa cùng lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ tại đây. Có những ngày cô phải làm việc đến 4 giờ sáng. Cô bảo: Có khi đang đêm, khu cách ly nhận thông tin 1 trường hợp F1 trở thành F0, cô lặng lẽ giấu nỗi buồn, tiếp tục thăm khám sức khỏe để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dã chiến, phun khử khuẩn ngay trong đêm...

“Có những người cách ly dương tính chuyển đi, buồn lắm. Người nhà không có, nhìn họ lủi thủi một mình lên xe chuyển viện mà em thương vô cùng. Ngược lại, các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, được ra về, nhìn họ vui mà em cảm thấy xúc động vô cùng. Tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch bệnh này và sẽ cống hiến hết mình”, điều dưỡng Tú Anh cho hay.

Dịch bệnh tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát; số ca mắc giảm hàng ngày. Gần 300 bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương đã được chữa khỏi. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đó còn là thành quả, là công sức của các y bác sĩ, những lực lượng y tế nơi tuyến đầu đang ngày đêm bất chấp hiểm nguy, gian khổ, làm việc và cống hiến không ngừng.

5_123.jpg
Những vất vả trong công việc của Tú Anh và các y bác sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly là khi các trường hợp cách ly có kết quả xét nghiệm âm tính, đủ thời gian cách ly và khỏe mạnh trở về.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
27.2, chuyện kể từ tâm dịch Hải Dương